Bắt đầu từ thứ tư (30-10), phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019 sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Các đại biểu Quốc hội trong một phiên thảo luận tại hội trường. |
Bước sang tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, theo dự kiến chương trình làm việc, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, xem xét và đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.
Trong sáng thứ hai (28-10), Quốc hội sẽ có phiên họp riêng để nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019. Trong ngày, các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Thứ ba, ngày 29-10, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết sẽ do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày. Nội dung này sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ ngay sau đó.
Trước đó, chiều 23-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội. Hồ sơ, tài liệu về dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo dự thảo Nghị quyết, 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HĐND phường bắt đầu từ ngày 1-6-2021. Tại những nơi thí điểm, UBND quận, thị xã sẽ được bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn.
Cũng trong tuần làm việc này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quốc hội sẽ bố trí thời gian để các đại biểu thảo luận tại tổ về cả hai nội dung dự án luật này.
Phát thanh, truyền hình trực tiếp 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội
Phiên thảo luận về ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 dự kiến bắt đầu từ thứ tư (30-10) và kéo dài đến hết ngày 31-10. Theo sự điều hành của Đoàn Chủ tịch, các thành viên Chính phủ sẽ có phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, trong ngày khai mạc kỳ họp (21-10), Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ.
Thảo luận tại tổ về những kết quả này trong chiều 22-10, nhiều đại biểu thể hiện sự vui mừng và ấn tượng bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp và không thuận lợi, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng khá cao, đạt mức trên 6,8%. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp, kinh tế nước ta tăng trưởng ở mức khá.
Ngoài ra, việc kiểm soát được mức độ bội chi ngân sách và kéo nợ công xuống mức 56,1% GDP đã tạo ra dư địa để có nguồn vốn đầu tư trong tương lai. Tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%; năng lực cạnh tranh quốc gia cũng được cải thiện liên tục… là nền tảng vững chắc để bảo đảm kinh tế sẽ phát triển tốt hơn trong giai đoạn kế tiếp.
Bên cạnh việc phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, thảo luận về nội dung quan trọng này trên hội trường Quốc hội, các đại biểu chắc chắn sẽ tập trung bàn thảo, đóng góp ý kiến về các giải pháp, nhiệm vụ nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa tất cả các nhóm nhiệm vụ.
Ngoài ra, trong ngày 31-10, Quốc hội cũng sẽ thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đây cũng là phiên thảo luận quan trọng, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Theo Hà Nội mới