Quảng Ngãi lần đầu tiên tổ chức hội thảo về phát triển công nghiệp hỗ trợ

09:10, 25/10/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 25.10, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương Phạm Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính và Giám đốc Sở Công thương Võ Đình Trà chủ trì hội thảo. 
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố và các doanh nghiệp trong tỉnh.  
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho biết: Trong thời gian gần đây, các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có sự phát triển đáng kể cả về số lượng doanh nghiệp lẫn giá trị sản xuất, trình độ công nghệ, thị trường… và có vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển KT- XH của tỉnh nói riêng và của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung. 
 
Tỉnh bước đầu đã hình thành được một số ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực: Cơ khí - Chế tạo; Dệt may - Da giày; Điện tử; Chế biến gỗ, giấy… Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đã cung cấp nhiều loại nguyên vật liệu, linh kiện… góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của một số sản phẩm như máy móc thiết bị điện, cơ khí, điện tử, sản phẩm may mặc, giày dép…
 
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng đã từng bước được đầu tư và hoàn thiện. Đặc biệt, Khu Kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp Tịnh Phong, Khu Công nghiệp Quảng Phú, Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã có những đóng góp quan trọng, tạo động lực mới và mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.
 
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính cho rằng, từ thực tế phát triển trong thời gian qua kết hợp với xu hướng hội nhập và triển vọng phát triển thời gian tới, đã đặt ra một số vấn đề đối với sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng như: Các địa phương trong Vùng có tiềm năng, thế mạnh gần như nhau nên trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ không thể tránh khỏi những cạnh tranh, kìm hãm lẫn nhau. 
 
Năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa còn yếu về chất lượng và thiếu về số lượng; sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kém, giá thành cao. Do vậy, cần phải xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. 
 
Đồng thời, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có chất lượng cao phục vụ công nghiệp hỗ trợ đang thiếu trầm trọng. Các dịch vụ hỗ trợ sau đầu tư của các tỉnh trong Vùng và của tỉnh chưa hoàn thiện, các dịch vụ xã hội kèm theo các KKT, KCN chưa thật sự phát triển và đáp ứng nhu cầu. 
 
Do đó, vấn đề đặt ra là bên cạnh việc tập trung thu hút các dự án đầu tư, chính quyền các địa phương phải là chủ thể chủ trì, huy động các nguồn lực để tổ chức cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ xã hội sau đầu tư. 
 
“Hội thảo lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian đến theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Tôi mong các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến, tìm ra các giải pháp hữu hiệu có giá trị hiện thực cao để bổ sung, đóng góp vào quá trình phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm đưa Quảng Ngãi trở thành đô thị động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính mong muốn. 
 
Tại hội thảo, đại biểu đã nghe các tham luận, ý kiến của những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế đánh giá về thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2030; cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo đột phá phát triển công nghiệp hỗ trợ; giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;….
 
Những tham luận và các phát biểu trao đổi thảo luận tại hội thảo đều xoay quanh định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi riêng và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung. 
 
Bên cạnh các vấn đề bất cập mà tỉnh Quảng Ngãi đã vấp phải trong quá trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, tại hội thảo các đại biểu còn chỉ ra nhiều vấn đề mới phát sinh cùng với các đề xuất về định hướng, giải pháp cũng như các yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
 
Các đại biểu cũng cho rằng, việc tổ chức hội thảo này không chỉ góp phần giúp cho các cơ quan quản lý nắm bắt được định hướng phát triển dài hạn của ngành công nghiệp của tỉnh nói chung và ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng mà từ định hướng này, còn giúp các doanh nghiệp có những hoạch định chính sách để phát triển doanh nghiệp mình và qua đó từng bước góp phần đưa ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh Quảng Ngãi ngày càng phát triển.
 
Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại hội thảo
Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại hội thảo
Từ những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và những doanh nghiệp trong tỉnh, phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính nhấn mạnh:
 
Để đạt được được mục tiêu và nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi, qua hội thảo cho thấy một số công việc tỉnh cần định hướng trong thời gian tới, như: Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh với mục đích tạo nền tảng vững chắc và thúc đẩy các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho một số lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm khai thác lợi thế của tỉnh trong mạng lưới sản xuất Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
 
Đồng thời, định hình mô hình phát triển cho công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Quảng Ngãi là, phát triển công nghiệp hỗ trợ theo mô hình chiến lược hỗn hợp, trong đó thiên về chiến lược kéo nhằm thúc đẩy hoạt động liên kết sản xuất các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước để chia sẻ nguồn lực phát triển, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp và của toàn ngành…
 
Tăng cường khả năng liên kết giữa tỉnh Quảng Ngãi với các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào một số hoạt động xúc tiến đầu tư; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;…
 
Từ những định hướng ban đầu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính tin tưởng, với sự quyết tâm và đồng thuận Đảng bộ và chính quyền Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, sự hỗ trợ từ các Bộ, Ban, ngành Trung ương và cộng đồng doanh nghiệp, diện mạo công nghiệp hỗ trợ của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ có những thay đổi quan trọng; phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
H.P
 

.