(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã chính thức rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam. Lý do mà họ đưa ra là những nỗ lực của chính phủ Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp của ngư dân nước mình. Ủy ban Châu Âu cũng đưa ra thời hạn 6 tháng tới để chấn chỉnh, nếu tình hình vẫn không được cải thiện, họ sẽ rút “thẻ đỏ”, cấm hải sản Việt Nam nhập vào Châu Âu. Và như thế là đồng nghĩa với việc mỗi năm chúng ta mất một nguồn ngoại tệ gần nửa tỷ đô la xuất khẩu hải sản vào các nước này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đứng trước nguy cơ bị phạt “thẻ đỏ”, hàng loạt cuộc hội thảo do Bộ NN&PTNT tổ chức gần đây để tìm giải pháp, nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác lậu hải sản của ngư dân nước ta trên vùng biển các nước khác. Cuộc hội thảo “Chia sẻ thông tin cộng đồng về chống đánh bắt bất hợp pháp” được tổ chức tại Quảng Ngãi mới đây là nằm trong chuỗi những sự kiện đó. Tại cuộc hội thảo này, ông Phạm Ngọc Tuấn - Vụ phó Vụ Khai thác thủy sản-Tổng cục Thủy sản đưa giải pháp: “Tàu cá phải gắn thiết bị giám sát, nếu xâm phạm lãnh hải các nước để đánh bắt trái phép sẽ bị phạt nặng từ 1 - 2 tỷ đồng”. Được biết, Chính phủ bắt đầu đưa nghề cá vào diện quản lý chặt, bắt buộc phải gắn những trang thiết bị trên tàu giám sát hằng ngày, hằng giờ. Khi tàu vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ bị xử lý.
Trước đó, hôm 7.12, Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá do Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Vũng Tàu, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, vai trò quản lý hoạt động khai thác thủy sản của các cảng cá thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, nên dẫn đến chiếc “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu nói trên. Luật Thủy sản 2017 vừa được Quốc hội thông qua cho phép các cảng cá có quyền từ chối bốc dỡ hàng, sản phẩm đối với tàu khai thác thủy sản bất hợp pháp và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Như vậy, các tàu cá đánh bắt hải sản từ nay sẽ đặt dưới sự giám sát từ thiết bị hành trình bắt buộc phải gắn theo tàu, đồng thời cũng được đặt dưới sự giám sát của các cảng cá để truy xuất nguồn gốc nếu vi phạm lãnh hải các nước.
Bằng những phương tiện giám sát hiện đại như hiện nay, cơ quan chức năng không quá khó để loại bỏ tình trạng làm bừa, làm ẩu, bất chấp luật pháp của ngư dân. Hàng ngàn ngư dân và hàng trăm tàu cá bị các nước bắt giam, thậm chí ngư dân bị bắn chết cũng vì cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý tình trạng xem thường pháp luật của ngư dân. Thiết bị giám sát hành trình vừa kiểm soát được tình trạng xâm phạm vùng biển của các nước, vừa kiểm soát chặt tình trạng dùng thuốc nổ khai thác cá của ngư dân.
Hy vọng những giải pháp trên sẽ đưa việc khai thác cá của ngư dân nước ta vào đúng quỹ đạo của sân chơi quốc tế.
TRẦN ĐĂNG