(Báo Quảng Ngãi)- Thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của học trò vùng cao, những thầy, cô giáo ở huyện Sơn Hà không chỉ nỗ lực dạy tốt, mà còn thực hiện nhiều mô hình ý nghĩa. Điều này đã động viên, san sẻ yêu thương, giúp học sinh nỗ lực học tập và vươn lên trong cuộc sống.
[links()]
Nồi cháo yêu thương
Khi tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lên lúc 3 giờ sáng, cũng là lúc tập thể giáo viên Trường THCS&THPT Phạm Kiệt thức dậy, tất bật chuẩn bị các công đoạn nấu cháo cho học sinh. Người thì sơ chế nguyên liệu, người thì vác củi, nhóm lửa, kê bàn ghế, sắp chén đũa. Tham gia chương trình nấu cháo cùng các thầy, cô giáo, chúng tôi mới cảm nhận hết sự nhiệt huyết và tình cảm của giáo viên nơi đây dành cho học trò của mình. Dù thời tiết sáng sớm ở miền núi khá lạnh, nhưng ai cũng thấy ấm lòng khi nhìn những ánh mắt háo hức đón nhận bữa sáng từ các em học sinh.
Giáo viên Trường THCS&THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) tổ chức nấu cháo cấp cho học sinh bán trú. |
“Mỗi tháng một lần, trường sẽ tổ chức nấu 70 suất cháo, trị giá hơn 1,3 triệu đồng. Ngoài mang đến những suất cháo thơm ngon cho học sinh, thì chương trình còn là sự quan tâm, sẻ chia giữa thầy với trò. Qua đó, giúp các em có thêm niềm tin, nghị lực, tiếp tục nỗ lực học tập tốt, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng”, cô Châu chia sẻ.
Vừa nhận suất cháo trên tay, em Đinh Thị Hin, học sinh lớp 12C1, không giấu được niềm vui. Em Hin cho biết, em và các bạn rất biết ơn tấm lòng của các thầy, cô giáo dành cho mình. Bữa ăn không chỉ ngon về mặt dinh dưỡng, mà còn giúp chúng em cảm nhận được sự quan tâm, hơi ấm yêu thương.
Hơi ấm tình người
Với phương châm “Không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng”, từ năm học 2018 - 2019 đến nay, Trường THCS Sơn Ba đã triển khai mô hình “Nhận đỡ đầu học sinh”. Hằng năm, giáo viên sẽ đảm nhận đỡ đầu 18 em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đây đã là năm học thứ 3, em Đinh Văn Thước, học sinh lớp 8A, được thầy, cô giáo nhận đỡ đầu. Em Thước mồ côi cha, gia đình lại là hộ nghèo, nên cuộc sống rất chật vật. Nhằm sẻ chia khó khăn, động viên Thước tiếp tục đến trường, thầy, cô giáo nhận đỡ đầu kịp thời giúp đỡ Thước khi em ốm đau, khó khăn trong cuộc sống. “Ngoài hỗ trợ tài liệu học tập, các thầy, cô giáo còn giúp em nhu yếu phẩm. Các thầy cô quan tâm, yêu thương em như người thân của mình vậy”, em Thước bộc bạch.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Đinh Thị Phương cho biết, mô hình “Nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” được thực hiện từ 7 năm trước. Ban đầu, số lượng học sinh được giáo viên nhận đỡ đầu còn hạn chế, nhưng sau đó được triển khai nhân rộng ở nhiều trường học. Năm học 2022 - 2023, huyện Sơn Hà có 1.037 giáo viên nhận đỡ đầu 1.126 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết các điểm trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện đều thực hiện mô hình “Bữa sáng yêu thương”.
“Tùy vào hoàn cảnh của mỗi học sinh, mà thầy, cô giáo có hướng giúp đỡ khác nhau về mặt vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh việc nhận đỡ đầu, tổ chức nấu các bữa ăn nghĩa tình, thầy, cô giáo ở vùng cao Sơn Hà còn kịp thời kêu gọi nguồn quỹ giúp đỡ học sinh không may gặp tai nạn, ốm đau đột xuất. Qua đó, khơi dậy tình yêu thương, gắn kết giữa thầy và trò, đặc biệt là đối với những em có hoàn cảnh khó khăn, để tiếp tục là điểm tựa, đồng hành cùng các em trên hành trình tìm đến con chữ, thay đổi cuộc sống”, bà Phương chia sẻ.
Bài, ảnh:
MỸ DUYÊN