Cần sớm số hóa truyền thanh cơ sở

05:02, 13/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi  tỉnh Quảng Ngãi, hoạt động của hệ thống đài truyền thanh (ĐTT) cơ sở là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá thực trạng chuyển đổi số của UBND xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ phát sóng trung bình của ĐTT cơ sở trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng 65%.
 
Trước sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại hình thông tin, ĐTT cơ sở vẫn giữ vai trò quan trọng với nhiều ưu điểm. Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khi người dân chưa có nhiều điều kiện để tự trang bị các phương tiện tiếp cận thông tin, ĐTT cơ sở là kênh thông tin thiết yếu, cung cấp cho người dân những thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội...
 
Được đầu tư từ năm 2016, đến nay nhiều trang thiết bị của Đài Truyền thanh xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đã hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Ảnh: Ý Thu
Được đầu tư từ năm 2016, đến nay nhiều trang thiết bị của Đài Truyền thanh xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đã hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Ảnh: Ý Thu
Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở TT&TT, tỷ lệ phát sóng trung bình của ĐTT cơ sở trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 65%. Để phủ sóng 100% các thôn, khu dân cư trong toàn tỉnh, các địa phương cần bổ sung gần 2.000 cụm loa. Bên cạnh đó, tất cả các ĐTT cơ sở trên địa bàn tỉnh đều đang sử dụng phương thức truyền thanh vô tuyến, chưa thể kết nối về Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh. Trong số 173 ĐTT cơ sở trong toàn tỉnh, thiết bị của 90 đài được đầu tư từ năm 2016 trở về trước đã bị hư hỏng, tỷ lệ phủ sóng thấp.
 
Từ năm 2020, tại Quyết định số 135/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống ĐTT cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở.
 
Theo đó, không cần các trang thiết bị “cồng kềnh” là máy phát sóng, ăng ten, hay dây dẫn như các ĐTT vô tuyến và hữu tuyến; ĐTT cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông thực hiện phủ sóng truyền thanh dựa trên hạ tầng truyền dẫn mạng viễn thông 3G/4G/Wifi. Ưu điểm vượt trội của phương thức truyền thanh này là, cán bộ phụ trách chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet là đã có thể thực hiện việc tiếp âm, phát sóng; chủ động chọn cụm loa để phát riêng biệt khi cần (trong cùng một thời điểm có thể chọn phát các nội dung khác nhau theo từng khu vực) và có phần mềm chuyển từ các tập tin văn bản sang giọng nói mà không cần phải tự đọc... Đây là những tính năng mà ĐTT truyền thống không thực hiện được.
 
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi, nội dung phát sóng của ĐTT đòi hỏi phải đổi mới, phù hợp với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Theo đó, hệ thống ĐTT cơ sở có chuyên mục riêng về chuyển đổi số và tần suất phát sóng chuyên mục này sẽ là căn cứ quan trọng để chấm điểm chuyển đổi số của UBND xã, phường, thị trấn. 
 
Từ thực trạng hoạt động của ĐTT cơ sở và những yêu cầu đổi mới nói trên, các địa phương cần quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐTT cơ sở. Bởi đây là kênh thông tin quan trọng của người dân và cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng chính quyền số tại địa phương.
 
Ý THU
 
 

.