Đảm bảo chi ngân sách cho chuyển đổi số

03:02, 09/02/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- UBND tỉnh vừa ban hành quy định về đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách nhà nước hằng năm cho chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025. Điều này khẳng định quyết tâm của tỉnh trong tập trung đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi số.
 
[links()]
 
Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh xác định dành tối thiểu 0,5% tổng chi thường xuyên ngân sách cấp tỉnh hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. UBND các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo tỷ lệ chi tối thiểu hằng năm cho chuyển đổi số là 0,5% tổng chi thường xuyên ngân sách cấp huyện. Vậy là, kể từ năm 2023, các khoản đầu tư cho chuyển đổi số được quy định rõ ràng.
 
Hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn dựa trên nền tảng số, thời gian qua, Quảng Ngãi đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện chuyển đổi số. Năm 2022, Quảng Ngãi là một trong 8 địa phương trong cả nước có Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã được kiểm tra đánh giá đảm bảo an ninh an toàn hệ thống theo các yêu cầu của Bộ TT&TT và kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện...
 
Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi số chưa có sự đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị, giữa cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Một số địa phương vẫn chưa có quyết tâm cao, chưa có chỉ đạo sâu sát, kịp thời, cũng như chưa ưu tiên bố trí kinh phí trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số, dẫn đến chưa có sự đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện chuyển đổi số. Trong khi đó, chuyển đổi số là công việc thường xuyên, liên tục, đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy các nguồn lực, trong đó, kinh phí là điều kiện rất quan trọng.
 
Vì vậy, việc tỉnh ban hành quy định về tỷ lệ chi ngân sách tối thiểu hằng năm để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số là cần thiết, tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số giữa các địa phương. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra hiện nay là, các ngành, địa phương cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong bảo đảm đầu tư, chi ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số hiệu quả, an toàn. Cần tính đến việc tăng cường dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, kết nối dữ liệu, tránh đầu tư riêng lẻ, trùng lặp gây lãng phí ngân sách. 
 
Đồng thời, đảm bảo thực hiện và giải ngân vốn hằng năm cho nhiệm vụ chuyển đổi số đúng tiến độ và tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số theo hướng lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Những lĩnh vực nào người dân, doanh nghiệp cần thì tập trung đầu tư, thực hiện chuyển đổi số trước. Bởi cốt lõi của chuyển đổi số là hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
 
Ý THU
 

.