Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu tham luận của PGS,TS Bùi Chí Trung, TS Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và nhà báo Nguyễn Bá (Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, sáng 11/6.
TS Phan Văn Kiền, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
1. Dẫn nhập
Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là nội dung quan trọng có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí nước nhà, cả trên phương diện nghiệp vụ, quản lý nhà nước cũng như vấn đề đào tạo và nghiên cứu báo chí. Để trả lời cùng một lúc cho rất nhiều bài toán khó, như: Cần làm gì để phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ một cách tối ưu nhất? Cần có cơ chế mới nào để báo chí có thêm nguồn lực, giữ vững vai trò trụ cột trong định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội? Việc phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức sản xuất nội dung số, truyền thông số, nâng cao chất lượng trải nghiệm của độc giả có thể được triển khai như thế nào? Phải làm gì để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý? Đồng thời, điểm nghẽn về kinh tế báo chí cần được giải quyết thỏa đáng như thế nào, làm gì để thúc đẩy các mô hình kinh tế báo chí mới vào chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa nguồn thu báo chí. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, tối đa hóa năng suất, tối thiểu hóa chi phí, tối ưu hóa hiệu quả quản lý…
2. Những khuyến nghị về quan điểm, cơ chế, chính sách
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính kế hoạch hành động để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp căn cứ vào đó triển khai chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Trên quan điểm người dân là trung tâm của chuyển đổi số, Chương trình xác định rõ, những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày với người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính-Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và Logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp.
Những lĩnh vực, yếu tố trên là đúng nhưng chưa đủ. Nói đến chuyển đổi số là nói về mức độ chuyển hóa thông tin, mà nói đến thông tin là nói về bản chất chức năng của báo chí. Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên mà chưa từng bao giờ tạo ra tài nguyên. Báo chí là nền tảng chính để tạo ra nguồn tài nguyên thông tin vô giá. Thực tế là báo chí có tác động tới đông đảo đối tượng công chúng trên khắp các vùng miền địa lý, ở nhiều lĩnh vực… Báo chí cùng các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò trung gian, ở giữa (Medium - Media - Mediated) như chất keo dính, kết nối mỗi cá nhân trong xã hội. Xã hội hiện đại không thể thiếu báo chí truyền thông. Nói cách khác, tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống hiện đại đều cần sự kết nối của truyền thông như một yếu tố trung gian của xã hội thông tin. Và như vậy, báo chí truyền thông phải là mạch sống, là động lực cho tất cả các lĩnh vực hoạt động. Nhưng trong bối cảnh nói trên, dường như báo chí đang bị xếp ở vị thế thứ yếu, đi sau.
Để thực hiện tốt các chức năng của mình, báo chí không thể nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, thậm chí cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số. Không chỉ cần xem chuyển đổ số báo chí là hoạt động của một trong những ngành quan trọng trong hệ thống nền kinh tế quốc dân, mà phải nhìn từ góc độ chính trị, văn hóa và xã hội. Nhà nước đã đầu tư cho báo chí trong không gian vật lý như thế nào thì bây giờ cũng phải quan tâm đầu tư hạ tầng, nền tảng cho báo chí, truyền thông trên không gian số: nền tảng sản xuất và phân phối nội dung; nền tảng an ninh, an toàn thông tin; nền tảng thương mại, dịch vụ, thanh toán phục vụ kinh doanh nội dung số, truyền thông số; và phát triển nguồn nhân lực về truyền thông mới….
Chuyển đổi số nói chung và chuyển đối số báo chí nói riêng là chương trình hành động mới và khó, thậm chí là rất khó và rất mới. Do lĩnh vực truyền thông mới luôn biến động không ngừng, để việc xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý bắt nhịp với thực tiễn nên áp dụng cách tiếp cận “Sandbox”: “Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ”.
Vấn đề đặt ra là những khung khổ pháp lý hiện nay đang rất nhanh bộc lộ những hạn chế, bất cập so với biến động của thực tiễn và dần dần là những kẽ hở hoặc sự ngăn trở đổi mới phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu và lãnh đạo quản lý cho rằng, cần đẩy nhanh nghiên cứu sửa đổi Luật báo chí có nội hàm bao quát rộng hơn đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông phù hợp điều kiện mới (thí dụ: cần có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử, cần có quy định về chế độ lưu chiểu đối với loại hình đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp…), qua đó tạo khuôn khổ thể chế cho phát triển báo chí truyền thông, trong đó có các phương tiện truyền thông trên internet.
Trong sự phát triển của không gian thông tin hiện nay, việc bảo vệ thông tin cá nhân và mối quan hệ giữa thông tin cá nhân với báo chí phải dựa cùng lúc vào hệ thống của nhiều luật khác nhau, như: Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, như: Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử… Tuy nhiên, hiện nay, mỗi luật đang nhìn nhận vấn đề này ở các khía cạnh khác nhau, chưa đồng bộ. Do vậy trong bối cảnh truyền thông mới, trước thách thức về an ninh thông tin nói chung, an ninh thông tin cá nhân trên mạng nói riêng, cần nghiên cứu, xây dựng ban hành luật về bảo vệ thông tin cá nhân. Hiện nay, trên thế giới, có khoảng 40 quốc gia đã ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.
Nói đến chuyển đổi số báo chí cũng đồng thời nói đến việc đổi mới hạ tầng công nghệ báo chí. Việc thúc đẩy các hạ tầng công nghệ mới phải dựa pháp luật về công nghệ phù hợp. Như vậy, cần thúc đẩy nhanh chóng tiến trình xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi và sớm xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Thực tế sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông đã bộc lộ những điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới; thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của môi trường truyền thông số mà trong đó hoạt động báo chí có vai trò quan trọng.
Chuyển đổi số hệ thống báo chí không thể là một trận đánh đồng loạt, đồng thời, theo một “công thức chung” để áp dụng máy móc cho tất cả các cơ quan báo chí. Tùy theo từng điều kiện, bối cảnh, trường hợp cần có những bài toán riêng. Tuy nhiên, trận đánh đó, chiến lược đó cần phải có những “đột phá khẩu”, những mắt xích trọng yếu. Trước tiên cần quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia (6 cơ quan theo Quy hoạch báo chí, gồm: Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Công an Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân), đặc biệt là thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hình thành các loại hình truyền thông mới của các cơ quan này và một số cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng xã hội để nội dung báo chí chính thống chiếm lĩnh nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội trở thành dòng chảy chính về thông tin, có vai trò định hướng dư luận trên không gian mạng.
3. Một số gợi mở và góc nhìn khác
3.1. Về yêu cầu xây dựng “Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số báo chí”
Nếu như trên bình diện quốc gia, việc ra đời “Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số” là yêu cầu mang tính bắt buộc, là nội dung được ưu tiên trước hết trong tiến trình hiện thực hóa chiến lược. Bộ chỉ số này được xây dựng nhằm theo dõi, đánh giá xác thực, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số theo định kỳ; so sánh, xác định các thế mạnh và các thách thức của các bộ ngành và địa phương trong chính phủ điện tử, chính phủ số, từ đó đưa ra các chính sách và chiến lược phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Về cấp độ đánh giá, các bộ chỉ số này là công cụ đo lường chuẩn ở cấp độ quốc tế, quốc gia, cũng như ở cấp độ các bộ, ngành và địa phương. Về cấu trúc, bộ chỉ số gồm tổng hợp chỉ số chính, được xây dựng theo các những yếu tố trụ cột của chuyển đổi số, có tính đến những nội dung trọng tâm và yêu cầu phát triển chính phủ số của mỗi quốc gia, mỗi bộ, ngành và địa phương cũng như các yếu tố đặc thù của mỗi lĩnh vực.
Hoạt động chuyển đổi số báo chí sẽ thiếu cơ sở khoa học và xa rời thực tiễn, thậm chí chỉ mang tính “hình thức, hô hào” nếu như không có một hệ thống sở cứ xác thực nhằm xác định tính hiệu quả của chuyển đổi số của từng cơ quan báo chí và cả hệ thống báo chí đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện để từ đó ban hành những định hướng, chính sách phù hợp. Ở góc độ này, bộ chỉ số chuyển đổi số báo chí sẽ là "chỉ dấu" quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện?
Như vậy, có thể khẳng định rằng, một trong những yêu cầu cần hướng đến trong chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam tầm nhìn 2030 là việc xây dựng được những tiêu chí, hệ số đánh giá, khuyến nghị phù hợp. Trước mắt việc tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo thường niên đánh giá chuyển đổi số cần thực hiện bài bản, khách quan, công bằng; không phải là thao tác xếp hạng thuần túy mà phải giúp hình thành những giải pháp khuyến nghị cụ thể để cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp điều chỉnh, thúc đẩy việc hiện thực hóa chiến lược thành công.
Việc xây dựng báo cáo chuyển đổi số báo chí Việt Nam và mục tiêu lâu dài là báo cáo “Chỉ số đổi mới sáng tạo báo chí” là bài toán cần đặt ra.
3.2. Về việc xây dựng “Không gian thực hành chuyển đổi số báo chí”
Hằng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể phối hợp các tổ chức, cơ quan ban, ngành tổ chức một số diễn đàn lớn và quy mô, quy tụ nhiều nhà quản lý, chuyên gia phân tích báo chí, truyền thông, công nghệ lớn. Đồng thời cần ưu tiên vào những diễn đàn nhỏ, các mô hình câu lạc bộ, nhóm chuyên gia…
Nếu nhận thức rằng chuyển đổi số là dành cho tương lai thì nên lấy động lực khai mở ngay từ thế hệ trẻ của lực lượng báo chí, để cho những mô hình trẻ có cơ hội trở thành hiện thực. Vậy, những người trẻ này được đào tạo từ đâu? Trước tiên, cần phải có những “không gian mô phỏng” tiến trình chuyển đổi số báo chí theo những đặc thù cơ bản về loại hình, quy mô, yêu cầu cụ thể.
Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nên quan tâm hơn về ý tưởng phối hợp với các trung tâm đào tạo về báo chí truyền thông hiện nay (tại ba miền bắc - trung - nam) xây dựng các mô hình thực hành, thực nghiệp, đổi mới sáng tạo báo chí. Đó vừa là đầu tư cho hiện tại, vừa là đầu tư cho thế hệ tương lai. Thay vì chỉ chờ đợi một nguồn duy nhất là nguồn ngân sách công để đầu tư mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất (mà trang thiết bị đó rất nhanh bị lạc hậu), có thể tạo cơ chế xã hội hóa với sự tham gia của những “ông lớn” về công nghệ, để khai thác những hệ thống trang thiết bị mới nhất. Thay vì phụ thuộc nguồn nhân lực công nghệ từ bên ngoài thì có thể tái đào tạo và tạo cơ hội học tập trọn đời trên môi trường số cho đội ngũ đông đảo nhân sự báo chí truyền thông hiện nay.
Với sự vào cuộc của các nhà quản lý, người làm báo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và sự trợ giúp của những người làm công nghệ giỏi để họ giới thiệu công nghệ, đào tạo phóng viên, tạo cơ hội cho các nhà báo trẻ được sử dụng, trải nghiệm và làm thật. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước nên có những chương trình nghiên cứu, dự án đầu tư, hỗ trợ cho các trường, cơ sở nghiên cứu, đào tạo báo chí về chuyển đổi số.
Đi từ ít đến nhiều, từ nhiều đến toàn thể; khi mọi người, mọi biên tập viên, nhà báo, phóng viên, cán bộ… của mỗi cơ quan báo chí được tiếp cận tri thức, công cụ, công nghệ để đổi mới chính mình, để sáng tạo, để đưa cơ quan báo chí của mình bước sang một trang mới, thì lúc đó câu nói “không ai bị bỏ lại phía sau” sẽ đúng cả trong lĩnh vực này. Không chỉ vậy, xu hướng này nếu thành hiện thực sẽ tạo ra một dạng “văn hóa đổi mới sáng tạo” trong lĩnh vực báo chí truyền thông, không chỉ riêng hoạt động chuyển đổi số.
3.3. Về xây dựng chương trình đào tạo “Báo chí truyền thông số”
Câu chuyện chuyển đổi số báo chí và chiến lược chuyển đổi số báo chí không còn là câu chuyện chỉ để bàn luận và trao đổi như một xu hướng thời thượng của công nghệ nữa. Tuy nhiên, vấn đề của báo chí số hay báo chí hội tụ, báo chí đa phương tiện lại không hẳn nằm ở vấn đề công nghệ. Theo chúng tôi, vấn đề cốt lõi nằm ở con người.
Hai yếu tố cốt lõi liên quan vấn đề con người trong chuyển đổi số là nằm ở nhu cầu của công chúng và năng lực của (những) người cung cấp thông tin. Trong hai yếu tố đó thì nhu cầu của công chúng là điều có thể thấy rõ thông qua các khảo sát gần đây về tình hình sử dụng các phương tiện, các nền tảng khác nhau trong việc tiếp nhận thông tin của công chúng. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng từng khẳng định rằng, mục tiêu cốt lõi của chuyển đổi số là “để phục vụ bạn đọc tốt hơn”.
Vấn đề còn lại nằm ở năng lực, tư duy và thói quen của những người cung cấp thông tin, cụ thể ở đây là các lãnh đạo cơ quan báo chí và chính các nhà báo, phóng viên cung cấp thông tin cho công chúng.
Để có một nhà báo chuyên nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của sự phát triển báo chí và công chúng phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông, các đơn vị bồi dưỡng nghiệp vụ và chính bản thân các nhà báo. Trong ba yếu tố đó, vai trò của các đơn vị đào tạo báo chí truyền thông là rất quan trọng. Cũng có ý kiến lý luận rằng, nhiều nhà báo không học một ngày nào ở trường báo chí vẫn có thể làm báo và làm rất giỏi. Đó là sự thật. Nhưng đó là những nhà báo có năng khiếu và có sự tự học, tự rèn luyện rất lâu dài và vất vả. Nền báo chí nào có những nhà báo như vậy thì rất may mắn. Tuy nhiên, một nền báo chí chuyên nghiệp thì lại không thể chỉ lệ thuộc vào sự may mắn.
Vì vậy, vai trò của trường đào tạo báo chí vẫn rất quan trọng. Nghề báo là nghề có thể tự học, tự rèn luyện, nhưng nếu được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp ở trường đại học thì con đường đến với báo chí chuyên nghiệp của mỗi người sẽ được rút ngắn đi rất đáng kể.
Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí thì vai trò của đơn vị đào tạo càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi một nhà báo hiện đại không chỉ phải học các kỹ năng làm nghề, khai thác thông tin mà còn cần được trang bị một cách chuyên nghiệp các kiến thức, kỹ năng của các công nghệ hiện đại.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số báo chí truyền thông đáp ứng với thực tế phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư là tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin.
Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các trường đại học có chuyên ngành báo chí cần phải tiến hành cập nhật, bổ sung kiến thức vào các giáo trình, chương trình đào tạo các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số cho người học.
Quan trọng hơn nữa, theo chúng tôi, cần mở các chương trình đào tạo cử nhân chuyên biệt cho ngành báo chí truyền thông số. Kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số cần được trang bị một cách hệ thống, bài bản theo chuyên ngành riêng bên cạnh việc cập nhật, bổ sung vào các chương trình đã có sẵn. Như vậy, trong tương lai, nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số báo chí mới đồng bộ cả về tâm lý sẵn sàng đối diện với nền báo chí số và kỹ năng để đáp ứng đòi hỏi công việc. Đó là một trong những vấn đề quan trọng để đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số báo chí quốc gia.
Dường như nắm được xu hướng đó, nhiều đơn vị đào tạo báo chí truyền thông hiện nay đã và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để mở các ngành liên quan báo chí truyền thông số như Học viện Bưu chính Viễn thông đang hoàn thiện các nội dung để mở ngành Báo chí số. Trường Đại học Khoa học Huế cũng đã hoàn thành việc thẩm định chương trình để đào tạo chương trình Truyền thông số.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 9/12/2021, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyêt định số 4033 /QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được giao phụ trách ngành Báo chí Truyền thông số. Hiện nay, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng đang trong quá trình xây dựng đề án mở ngành đào tạo thí điểm trình độ cử nhân Báo chí Truyền thông số và sẽ trình Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt trong tương lai.
Tài liệu tham khảo
Canavilhas, João (2018). “Journalism in the Twenty-First Century”. Exploring Transmedia Journalism in the Digital Age. IGI Global.
Nguyễn Đình Cung (2018), Tân Bộ trưởng và cách tiếp cận chính sách Sandbox. https://baochinhphu.vn/print/tan-bo-truong-va-cach-tiep-can-chinh-sach-sandbox-102246937.htm
T. Điểu (2022), Hội báo toàn quốc 2022: Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn. https://tuoitre.vn/hoi-bao-toan-quoc-2022-chuyen-doi-so-de-phuc-vu-ban-doc-tot-hon-20220414093428885.htm
Đỗ Thị Thu Hằng, Trần Quang Diệu (2020), Cách mạng công nghệ 4.0: Báo chí cần làm gì để không bị tụt hậu? https://nguoilambao.vn/cach-mang-cong-nghe-40-bao-chi-can-lam-gi-de-khong-bi-tut-hau-n6205.html
Oliver, J. J., & Costello, J. (2018). Chapter 7: Human Resource Management in the Media. In J. J. Oliver, & J. Costello, Handbook of Media Management and Economics (Media Management and Economics Series) (pp. 95-110). Routledge.
Reporters sans frontières (France). (2017). Safety guide for journalists: a handbook for reporters in high-risk environments. UNESCO.
Theo
Nhandan.vn