Sổ đỏ, sổ hồng giả như thật: Người dân cần cảnh giác khi giao dịch

09:04, 21/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đã sôi động trở lại. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) để lừa bán bất động sản. Do đó, người dân cần cảnh giác trong quá trình giao dịch mua bán đất.
 
Trong quá trình thực hiện các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), các phòng công chứng đã phát hiện một số sổ đỏ giả được làm rất tinh vi. Điển hình như ngày 31/3/2022, trong quá trình thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đối với thửa đất số 10, tờ bản đồ số 29, thuộc phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi), nhân viên Văn phòng Công chứng Ngô Văn Hiền phát hiện sổ đỏ đem đến công chứng là sổ giả, mặc dù có đầy đủ các thông tin trên sổ đỏ như diện tích, loại đất ở, số vào sổ, con dấu và chữ ký của lãnh đạo Sở TN&MT. 
 
Một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị Văn phòng Công chứng Ngô Văn Hiền phát hiện.
Một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị Văn phòng Công chứng Ngô Văn Hiền phát hiện.
Theo ông Ngô Văn Hiền - Trưởng Văn phòng Công chứng Ngô Văn Hiền, khi tiếp nhận hồ sơ, bằng các biện pháp nghiệp vụ, nhân viên rà soát kỹ và phát hiện sổ đỏ này là giả khi hình dáng, thông tin trên sổ đỏ, thời điểm phát hành, người ký ban hành, mã vạch... là giả. Khi phát hiện sổ đỏ giả, nhân viên công chứng yêu cầu tạm dừng thực hiện giao dịch để ngăn chặn hành vi lừa đảo.
 
Hay như trong quá trình thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đối với thửa đất số 65, tờ bản đồ số 11, thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), diện tích 361,4m2, phát hành ngày 26/4/2021, do Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Phạm Cao Trận ký, nhân viên Văn phòng Công chứng Ngô Văn Hiền cũng phát hiện đây là sổ giả và ngăn chặn giao dịch. “Ở sổ đỏ này có nhiều điều bất thường, như tại mục số vào sổ được đánh máy, trong khi theo quy định phải viết tay. Mã vạch trong bìa sổ ký hiệu năm 2011, nhưng năm ký ban hành lại là năm 2021. Người ký ban hành là ông Phạm Cao Trận, nhưng ông Trận đã thôi giữ chức Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa  đã 10 năm nay”, ông Hiền nói.
 
Ông Phan Thanh Lý, Văn phòng Công chứng Nguyễn Ngọc Hồng, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho biết, bằng mắt thường người dân khó nhận biết sổ đỏ giả. Bởi, ngoài một số sổ đỏ giả in trên các phôi giả, thì cũng có sổ đỏ giả in trên phôi thật, nhưng các thông tin về thửa đất, chữ ký, con dấu đều là giả... Sổ đỏ giả thường có đặc điểm nhận biết là phôi giả không đẹp, khi sờ thì cảm giác thô không mịn như phôi do Bộ TN&MT cấp; phôi giả in mờ, chữ ký không sắc nét... Do đó, khi mua đất, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về vị trí thửa đất, tính pháp lý, chủ sở hữu thửa đất trước khi thực hiện các giao dịch mua bán. “Đã là sổ đỏ giả thì dù có tinh vi đến mấy vẫn sẽ bị phát hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân khi thực hiện mua bán bất động sản thì cần tỉnh táo, bình tĩnh, không vội vàng để phân biệt được giấy tờ giả của các đối tượng xấu. Nếu chưa biết sổ đỏ thật hay giả, thì cần đến nơi cấp giấy chứng nhận QSDĐ để xác định thông tin. Khi thực hiện mua bán thì cần đến các văn phòng công chứng để nhờ nhân viên công chứng kiểm tra giúp”, ông Lý khuyến cáo.
 
Theo Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung, việc các đối tượng làm giả giấy tờ, lừa đảo trong giao dịch mua bán nhà, đất là hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng làm giả sổ đỏ rất tinh vi, nên người dân khi thực hiện các giao dịch bất động sản cần tìm hiểu kỹ thông tin thửa đất như vị trí đất, kiểm tra tính pháp lý chủ sở hữu, tra cứu thông tin liên quan đến thửa đất trước khi thực hiện mua bán; nhất là thực hiện công chứng hợp đồng mua bán để nhân viên công chứng kiểm tra giúp. Liên quan đến các sổ đỏ giả bị phát hiện thời gian qua, Sở TN&MT đã báo cáo Công an tỉnh và đề nghị điều tra làm rõ.
 
Bài, ảnh: SÔNG THƯƠNG
 
 
 

.