Cảnh giác với "tín dụng đen"

09:07, 23/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người lao động tự do, sinh viên... gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhiều người không còn tiền để chi trả chi phí sinh hoạt cũng như duy trì công việc, nên phải vay “tín dụng đen”.
Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã triệt phá 3 băng nhóm cho vay nặng lãi. Điều đó một lần nữa gióng lên hồi chuông  cảnh báo về nạn “tín dụng đen”. Việc được vay “dễ dàng” khiến nhiều người dân “sập bẫy” các đối tượng này. Sau đó, bằng “thủ đoạn” hăm dọa, khủng bố tinh thần, đánh người khi không kịp trả nợ đúng hẹn, các nhóm này đã chiếm đoạt của người dân hàng trăm triệu đồng.
 
Có thể nói, đánh vào nhu cầu cần vay của nhiều người dân, các đối tượng không chỉ tăng cường “quảng bá” tại các cột điện, thân cây... mà còn tích cực hoạt động trên môi trường Internet. Với chiêu bài “giải ngân nhanh, lãi suất thấp”, đã thu hút nhiều người vay. Với lãi suất 5 - 7 nghìn đồng/ngày (tương đương 180 - 250%/năm), rất dễ đưa người vay trở nên khánh kiệt. Bên cạnh đó, “tín dụng đen” còn ẩn chứa nguy cơ gây mất an ninh trật tự...
 
Trên thực tế, khách hàng có nhu cầu vay chỉ cần đăng thông tin vào một nhóm cho vay online trên các trang mạng xã hội thì ngay lập tức sẽ có người với danh nghĩa là nhân viên của tổ chức cho vay tiền online liên hệ tư vấn. Nhiều ưu đãi, tiện ích hấp dẫn luôn được đưa ra để mời chào như: Cho vay chỉ trong thời gian ngắn, nhận tiền ngay trong ngày, vay không cần tài sản thế chấp, không cần liên hệ với người thân để đòi nợ. Cho đến khi “con mồi” đã sập bẫy, ngay lập tức hàng loạt chi phí phát sinh được liệt kê, dẫn đến số tiền phải trả bị đội lên.
 
Thời gian qua, cơ quan công an đã triệt phá một số đường dây cho vay thông qua các ứng dụng trên điện thoại như “Vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”, lãi suất vay lên đến hơn 1.000%/năm. Đường dây cho vay nặng lãi này do một số đối tượng người Trung Quốc thiết lập với khoảng 40 nhân viên người Việt có nhiệm vụ xét duyệt, thẩm định cho vay và đòi nợ hơn 60.000 người vay trải dài khắp 60 tỉnh, thành phố.
 
Các đối tượng lợi dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người mất việc làm nên có nhu cầu về tài chính để chi tiêu hoặc thanh toán nợ nần nhưng không đủ điều kiện vay tiền từ ngân hàng. Từ đó, họ tìm đến vay trực tuyến vì điều kiện vay đơn giản, chấp nhận lãi suất cao. Kết quả là khó khăn lại chồng thêm khó khăn, khi con số nợ phải trả cả gốc lẫn lãi lớn hơn gấp nhiều lần số tiền vay thực tế. Còn người vay thì luôn trong trạng thái hoảng loạn, lo lắng.
 
Theo cơ quan công an, tình hình tội phạm “tín dụng đen” vẫn còn nhiều phức tạp. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan công an, thì bản thân người dân cần phải biết cân đối tài chính của gia đình, nên vay mượn tại các tổ chức tín dụng có uy tín, hết sức cảnh giác với “tín dụng đen”...
 
ĐÌNH NGUYÊN
 

.