"Tín dụng đen" bủa vây làng chài

02:07, 28/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng trăm hộ dân ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên vì chìm trong cảnh nợ nần, mà nguyên nhân là do vướng vào "tín dụng đen".

TIN LIÊN QUAN

Đổ nợ vì nghề biển thất thu

Từng có thời gian nghề biển mang lại thu nhập vài tỷ đồng/đôi tàu/năm, nhưng hiện nay, ông Trương Hoài Phong, xã Nghĩa An đang chìm trong nợ nần. Đội tàu 4 đôi của gia đình ông hiện chỉ hoạt động theo kiểu “cầm hơi”. Ông Phong chia sẻ: Mấy năm nay biển mất mùa, trong khi chi phí nguyên liệu cao, lao động đi biển lại khó khăn. Nếu phiên biển này vẫn không khả quan, thì những phiên biển sắp tới sẽ phải nằm bờ, vì đã hết “lực”.

 Tàu nằm bờ khiến việc trả nợ của ngư dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) gặp nhiều khó khăn.

Tàu nằm bờ khiến việc trả nợ của ngư dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) gặp nhiều khó khăn.

Tương tự, để có tiền cho con trai lớn hùn vốn chung tàu làm nghề giã cào đôi, vợ chồng anh Võ Sin, xã Nghĩa An, đã vay  ngân hàng 500 triệu đồng. Những năm đầu, làm ăn hiệu quả, gia đình anh luôn trả lãi đúng hạn. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, nghề giã cào làm ăn không hiệu quả, khiến việc trả nợ gặp nhiều khó khăn.

Lo sợ xảy ra nợ xấu, ngân hàng sẽ siết nhà và lần sau có muốn vay nữa cũng không được, nên chị Khanh (vợ anh Sin) đã tìm đến "tín dụng đen", với suy nghĩ tạm giải quyết khó khăn trước mắt, rồi sẽ kiếm tiền để trả khoản vay này sau. Tuy nhiên, do tiền lãi quá cao, không trả nổi, nên chị lại phải đi vay chỗ khác để đắp vào. Cứ thế, nợ chồng nợ.

Nghề biển thất thu, tàu nằm bờ, kéo theo lực lượng lao động nữ làm nghề đan lưới cũng lao đao. Những cơ sở đan lưới nhộn nhịp ngày nào, giờ đành phải đóng cửa. Chủ cơ sở đan lưới cũng dính vào nợ, phải bỏ đi biệt xứ.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Võ Thị Lệ Thu cho biết: Nguyên nhân dẫn đến nợ là do những năm gần đây, nghề lưới kéo, một nghề “truyền thống” của đa số ngư dân Nghĩa An làm ăn kém hiệu quả, những chuyến ra khơi đa phần chỉ huề vốn, thậm chí lỗ. Thu không đủ chi, hàng trăm chiếc tàu hành nghề lưới kéo đành phải nằm bờ, trong khi tiền vay ngân hàng không biết lấy gì trả. Trong lúc túng quẫn, nhiều hộ dân đã tìm đến "tín dụng đen". Lãi suất vay quá cao, khiến người dân “lún sâu” trong nợ nần.

Đòi nợ kiểu "xã hội đen"

Theo phản ánh của người dân, do không trả nợ cho "tín dụng đen" theo đúng thỏa thuận, người vay đã bị các đối tượng đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, như đến nhà đập phá, xịt sơn lên tường nhà... Nếu người vay vẫn không trả tiền, thì sẽ đe dọa đến tính mạng, nên nhiều người phải bỏ nhà đi nơi khác kiếm sống.

Anh Sin chia sẻ: “Lúc trước, vợ tôi vay "tín dụng đen" 50 triệu đồng, sau đó, mỗi tuần họ đến đòi 5 triệu đồng tiền lãi. Tính ra mỗi tháng chúng tôi phải trả 20 triệu đồng tiền lãi, còn tiền gốc 50 triệu đồng vẫn giữ nguyên. Thấy lãi suất "cắt cổ", anh em họ hàng cho tôi mượn để trả hết nợ”.

Cơ sở đan lưới của ông Lê Văn Trọng, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), phải đóng cửa vì ông vướng vào

Cơ sở đan lưới của ông Lê Văn Trọng, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), phải đóng cửa vì ông vướng vào "tín dụng đen".

Thế nhưng, sau đó, vợ anh Sin lại tiếp tục vay "tín dụng đen". Tính đến thời điểm này, gia đình anh nợ của 4 người, với số tiền trên 30 triệu đồng. Còn số tiền 500 triệu đồng vay từ ngân hàng thương mại, hiện vẫn chưa thể trả được. “Tính ra, mỗi tháng tôi phải trả cho ngân hàng 4,8 triệu đồng, nhưng đã 8 tháng nay, tôi không thể trả nợ gốc, cũng như lãi cho ngân hàng. Giờ ngân hàng có xuống lấy nhà thì tôi cũng đành chịu”, anh Sin cho biết.

Hiện nay, gần 80% hộ gia đình ở Nghĩa An đã vay "tín dụng đen". Theo người dân, trong lúc cùng đường, lại thấy việc vay quá dễ dàng, nên họ không suy nghĩ nhiều. Đến khi bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen, nhiều người mới vỡ lẽ thì đã quá muộn.             
 
Theo Phó trưởng Công an xã Nghĩa An Nguyễn Ngọc Trung, thời gian qua, tình trạng cho vay "tín dụng đen" trên địa bàn xã diễn ra khá phổ biến. Qua thông báo của người dân, Công an xã đã vào cuộc giải quyết nhiều vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Các đối tượng cho vay đều từ nơi khác đến, lợi dụng lúc người dân đang gặp khó khăn về tài chính, các đối tượng cho vay tiếp cận người dân bằng cách nhắn tin qua điện thoại, qua tờ rơi với lời mời cho vay nhanh, thủ tục đơn giản, chỉ cần chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... Từ đó, nhiều người đã bị “mắc bẫy” của "tín dụng đen".   

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN



 


.