Siết chặt việc bán bảo hiểm tại các ngân hàng

14:13, 09/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Đồng thời, nghiêm cấm các ngân hàng thương mại ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT), nhưng thực tế tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

Mặc dù không có điều khoản nào trong hợp đồng giữa ngân hàng và khách vay liên quan đến việc bắt buộc mua bảo hiểm, song thực tế để vay được  vốn, khách hàng đành phải ngậm ngùi tham gia gói bảo hiểm.

Chị N.P.P, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, sau khi tìm hiểu, tôi có đến một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố làm hồ sơ xin vay vốn để đầu tư kinh doanh. Tại đây, một cán bộ ngân hàng đã giới thiệu và tư vấn tôi mua thêm gói BHNT cho con gái với mức phí 20 triệu đồng/năm, thời gian đóng 15 năm. Tôi có nói là gia đình tôi đã mua 2 cái bảo hiểm rồi, nhưng nhân viên ngân hàng vẫn hướng dẫn tôi mua thêm. Vì đang cần vốn nên tôi đành chấp nhận mua bảo hiểm để được giải ngân nhanh.

Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Vietcombank Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi). Ảnh minh họa Ảnh: PV
Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Vietcombank Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi). Ảnh minh họa. Ảnh: PV

Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng gì chị N.P.P mà thực tế có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp miễn cưỡng mua BHNT khi đến ngân hàng vay vốn. Nguyên nhân là dù không bắt buộc mua BHNT khi vay vốn, nhưng ngân hàng vẫn đưa ra 2 lựa chọn cho người vay. Đó là, gói vay không có bảo hiểm thì lãi suất cao, còn gói vay có bảo hiểm thì lãi suất thấp hơn. Điều này đưa người vay vào thế phải mua bảo hiểm khi vay để được lãi suất thấp.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định không có chuyện ép khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn. Các ngân hàng cho rằng, đứng ở góc độ kinh doanh, thì ngân hàng thực hiện như vậy cũng không khác mấy so với các hình thức combo bán hàng hiện nay. Nghĩa là, nếu sử dụng combo (tức mua nhiều thứ hơn), thì sẽ được người bán giảm giá và đối với ngân hàng thì lãi suất cho vay chính là giá bán. Ngoài ra, việc khách hàng mua bảo hiểm thì mức độ rủi ro tín dụng sẽ thấp hơn so với trường hợp không mua bảo hiểm. Do đó, việc ngân hàng áp dụng lãi suất đối với gói vay có bảo hiểm thì lãi suất thấp hơn so với gói vay không có bảo hiểm cũng là phù hợp với việc định giá rủi ro của khoản vay trong hoạt động cho vay đối với khách hàng.

Thực tế cho thấy, việc ký kết giữa ngân hàng với công ty bảo hiểm được thực hiện từ hội sở chính của ngân hàng ở trung ương. Từ đó, các ngân hàng mới giao chỉ tiêu về cho các chi nhánh và các chi nhánh giao chỉ tiêu cho các phòng, nhân viên. Việc giao chỉ tiêu này gắn với nhiệm vụ chuyên môn và là tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng cuối năm. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, nhiều nhân viên ngân hàng phải tìm mọi cách để bán được bảo hiểm.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi Đinh Văn Công, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng chấn chỉnh việc ép khách hàng mua BHNT khi vay vốn. Thậm chí cơ quan chức năng của bộ, ngành trung ương cũng đã công khai đường dây nóng để người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Vì vậy, nếu khách hàng nào vay vốn mà bị làm khó, ép buộc phải mua BHNT mới được vay vốn thì phản ánh đến đường dây nóng và gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi để có cơ sở xử lý.

HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:13, 09/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.