“Mắt thấy, tai nghe", liệu đã đủ tin?

23:12, 27/10/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, dư luận và cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin một người đàn ông ở TP.Vinh (Nghệ An) bị lừa 12 tỷ đồng bởi hot girl “ảo” trên mạng xã hội do Đào Thị Mộng Thường (45 tuổi, ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đóng vai. Đào Thị Mộng Thường đã từng có 1 tiền án về tội đánh bạc.
 
Chỉ với việc tạo lập, sử dụng tài khoản Facebook "Đào Ngọc Minh" đăng hình ảnh hot girl trẻ đẹp, tạo hồ sơ  là Việt kiều, bố mẹ là doanh nghiệp kinh doanh vận tải tàu biển đang sinh sống ở Canada, do tính chất công việc nên Đào Ngọc Minh thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Canada... Thường đã chiếm được lòng tin của nạn nhân.

Tinh vi hơn, Thường tiếp tục tạo lập, sử dụng các tài khoản Facebook khác đóng vai người thân, bạn bè của Đào Ngọc Minh để nhắn tin, trò chuyện, “hiện thực hóa” nhân vật “ảo” này, nhằm chiếm trọn lòng tin của người đàn ông này. Nạn nhân sau đó đã nhiều lần chuyển tiền, tổng cộng 12 tỷ đồng để Thường "làm ăn, làm thủ tục thừa kế, trả nợ...".
 
Vài năm gần đây, những vụ việc với chiêu thức “lừa tình” tương tự đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều nạn nhân đã bị “người tình online” lừa đảo chiếm đoạt từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xuất hiện chiêu thức lừa tình dưới hình thức “nhận quà tặng đặc biệt”, giới thiệu “đầu tư online”... từ những Việt kiều, quân nhân, phi công người nước ngoài... Nhiều trường hợp đã bị lừa đảo chiếm đoạt hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
 
Dễ dàng nhận thấy, các đối tượng xây dựng kịch bản cụ thể, chi tiết, đánh vào tâm lý nạn nhân. Chúng không quan tâm người đó là ai, già hay trẻ, đang sinh sống ở đâu, mà chỉ tích cực “thả câu”, lừa được thì lừa, còn không thì đi tìm người khác. Mục đích cuối cùng của chúng là củng cố niềm tin, đưa nạn nhân vào “ma trận” giăng sẵn và chiếm đoạt tài sản.
 
Về phía nạn nhân thì mất cảnh giác, thiếu kiến thức xã hội và mất đi sự tỉnh táo cần thiết để phân tích, đánh giá tình huống. Điểm chung của các nạn nhân là họ có tính vụ lợi và động cơ, mục đích không trong sáng như: tham gia đầu tư với lãi suất cao bất thường, mong muốn “nhận quà tặng” và được “người tình online” yêu thương, chiều chuộng... 

Ngày nay, lợi dụng tính ẩn danh và không trực diện của mạng xã hội, các đối tượng tận dụng tối đa sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ Deepfake - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo hình ảnh, video clip, giọng nói của bất kỳ cá nhân nào nếu đủ dữ liệu cá nhân cần thiết. Như vậy, “mắt thấy, tai nghe” vẫn chưa đủ tin. Do đó, một trong những kỹ năng để không trở thành nạn nhân của nạn lừa đảo trực tuyến, mỗi người cần tỉnh táo, không kết bạn với người lạ; bình tĩnh phân tích, đánh giá tình huống, bảo mật thông tin cá nhân, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết chính xác họ là ai, với mục đích gì.              
        TIẾN QUÂN
 
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 23:12, 27/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.