Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng ở mức tăng bình quân 6% từ ngày 1/7/2024.
Ảnh minh họa. |
Trưa 20/12, sau phiên đàm phán, thương lượng lần thứ hai, tất cả thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2024 là 6%, thời gian áp dụng từ 1/7/2024.
Trao đổi với phóng viên ngay sau khi phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia kết thúc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đánh giá mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp.
"Mức tăng này cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động" - ông Ngọ Duy Hiểu, cho hay.
Với mức tăng lương tối thiểu vùng này, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên để người lao động nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt khó.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục mở rộng thị trường, tăng thêm đơn hàng để người lao động có việc làm trong thời gian tới.
Ở góc độ đại diện giới chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết tại phiên họp thứ hai hôm nay, trong đề xuất của đại diện người lao động có mức cao hơn mức được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt (mức 6%); người sử dụng lao động có đề xuất mức thấp hơn. Sau đó, qua thảo luận nhiều chiều đã thống nhất mức tăng là 6% để trình cấp thẩm quyền, từ đó ban hành nghị định để thực hiện.
Ông Phòng bày tỏ "chưa thỏa mãn" với mức tăng này vì cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đồng thời dự báo trong năm 2024 vẫn còn khó khăn.
Tuy nhiên, ông Phòng chia sẻ, Hội đồng Tiền lương quốc gia hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Hội đồng đã thống nhất thì doanh nghiệp, người sử dụng lao động tuân thủ và chấp hành nghiêm những điều đã được thông qua.
"Đây cũng là sự cảm thông chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ. Người sử dụng lao động mong muốn người lao động cảm thông chia sẻ"- ông Phòng bày tỏ.
Theo NLĐO