Rừng Nà – Căn cứ xanh giữa lòng đồng bằng

08:44, 30/05/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Rừng Nà ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức) trong thời kỳ chống Mỹ là căn cứ cách mạng của vùng đông huyện Mộ Đức, gắn với nhiều chiến tích oanh liệt. Giờ đây, rừng Nà vẫn xanh màu lá, sừng sững hiên ngang giữa đất trời và là “lá phổi xanh” của địa phương.

RỪNG CHE BỘ ĐỘI

Trên con đường liên xã nối từ Quốc lộ 1 đến Đức Thạnh (Mộ Đức), Di tích lịch sử Căn cứ rừng Nà xanh mướt giữa cánh đồng lúa. Rừng Nà có diện tích khoảng 17ha là rừng ngập nước tự nhiên, bao gồm 3 Nà, trải dài qua các thôn Lương Nông Bắc, Lương Nông Nam và Đôn Lương như một vành đai án ngự, phân ranh giữa 2 khu tây và đông huyện Mộ Đức.

Phát huy lợi thế của rừng ngập nước, sình lầy, với nhiều loại cây rừng chằng chịt, phủ kín, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, rừng Nà trở thành nơi giữ quân, che chở cho cán bộ chiến sĩ hoạt động và là nơi xuất kích nhiều trận đánh lớn của ta gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Di tích lịch sử Căn cứ rừng Nà ở xã Đức Thạnh (Mộ Đức).
Di tích lịch sử Căn cứ rừng Nà ở xã Đức Thạnh.

Tôi lần giở những ký ức của vùng Căn cứ cách mạng rừng Nà qua cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Đức Thạnh. Một quá khứ hào hùng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được tái hiện lại qua các tư liệu, sử liệu và hồi ức của các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt từng sống, chiến đấu tại Căn cứ rừng Nà qua các thời kỳ.

Theo lịch sử Đảng bộ xã Đức Thạnh, trong những năm 1930 - 1931, rừng Nà là nơi trú ẩn, hoạt động của một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Từ năm 1954, các đồng chí cán bộ lãnh đạo huyện Mộ Đức được phân công ở lại hoạt động cũng lấy rừng Nà làm nơi trú ẩn ban ngày, đến đêm ra bên ngoài hoạt động, chỉ đạo phong trào.

Từ năm 1965, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Huyện ủy Mộ Đức, rừng Nà được xây dựng thành căn cứ cách mạng của huyện Mộ Đức và của tỉnhQuảng Ngãi cho đến ngày giải phóng huyện Mộ Đức (23/3/1975). Căn cứ rừng Nà còn là nơi trú ẩn, nơi làm việc, chỉ đạo phong trào cách mạng và là địa bàn đứng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh và Quân khu V.

Ông Vũ Trọng Hà thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh vì độc lập dân tộc tại Di tích lịch sử Căn cứ rừng Nà.
Ông Vũ Trọng Hà thắp nén hương tưởng nhớ, tri ân các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh vì độc lập dân tộc tại Di tích lịch sử Căn cứ rừng Nà.
Với những giá trị lịch sử, Căn cứ rừng Nà được UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định bảo vệ năm 1998 và xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2020. Nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” cho thế hệ trẻ tưởng nhớ và phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc.

Đưa chúng tôi đi thăm rừng Nà và thắp nén hương tại tấm bia di tích đặt phía bên ngoài rừng Nà, ông Vũ Trọng Hà (70 tuổi) ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh không giấu nổi tự hào khi được sinh ra, lớn lên và chiến đấu gắn bó với rừng Nà. “Trong bối cảnh “giặc đến, giặc lùng”, rừng Nà như người mẹ thiên nhiên mở rộng lòng chở che, đùm bọc, bảo đảm an toàn cho các cán bộ chiến sĩ. Rừng Nà cũng là lá chắn để quân ta chiến đấu, khiến địch bao phen khiếp sợ”, ông Hà nói.

Vào ngày 9/9/1969, một đơn vị lính Mỹ có máy bay và xe tăng yểm trợ càn quét vào thôn Lương Nông. Dựa vào rừng Nà, lực lượng vũ trang xã Đức Thạnh phối hợp với bộ đội huyện và bộ đội chủ lực tỉnh đã lợi dụng địa hình để cơ động đập tan các mũi tiến công bằng xe tăng, xe bọc thép của địch, tiêu diệt 18 lính Mỹ, làm bị thương 12 tên khác, thu nhiều quân trang, quân dụng.

với nhiều loại cây rừng chằng chịt, phủ kín, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, rừng Nà trở thành nơi giữ quân, che chở cho cán bộ
Với nhiều loại cây rừng chằng chịt, phủ kín, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, rừng Nà trở thành nơi che chở cho bộ đội.

“Năm 1974, địch bắt dân trong xã phải tự tay phá hết rừng Nà. Tuy nhiên, với tinh thần cách mạng, trí thông minh dũng cảm của nhân dân, rút kinh nghiệm lần chặt rừng Nà Đôn Lương trước đó (1973), nguời dân cố ý chặt cao, bỏ sót, để lại những chồi nhánh cây non… Nhờ vậy, rừng Nà vẫn rậm rạp và sau một thời gian vẫn xanh tốt trở lại, tiếp tục phát huy được tác dụng “rừng che bộ đội” như cũ”, ông Hà kể. 

"LÁ PHỔI XANH" GIỮA LÀNG

Hòa bình lập lại, rừng Nà đến nay vẫn xanh màu lá, sừng sững hiên ngang giữa đất trời. Dấu tích hố bom ngày nào đã nhòa nét và trở hồ trữ nước tự nhiên quanh năm tạo độ ẩm, nước tưới cho hơn 20ha ruộng lúa, hoa màu xung quanh. Nhờ vậy, các cánh đồng xung quanh rừng Nà không năm nào bị khô hạn, năng suất, sản lượng các loại cây trồng luôn ổn định.

Những cánh đồng xung quanh rừng Nà luôn tươi tốt và cho những mùa vàng bội thu.
Những cánh đồng xung quanh rừng Nà luôn tươi tốt và cho những mùa vàng bội thu.
Theo cách gọi cổ xưa của người dân địa phương, từ “Nà” có nghĩa là “Ruộng”, bởi rừng Nà gắn với diện tích đất canh tác xung quanh, có vai trò duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Rừng Nà còn được người dân ví như “lá phổi xanh” có tác dụng chắn gió vào mùa mưa bão, điều hòa nhiệt độ vào những ngày nắng nóng. Đặc biệt, rừng Nà có một hệ sinh thái vô cùng đa dạng.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh Võ Hữu Sơn cho biết, qua nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, rừng Nà có khoảng 123 loài động vật có xương sống, 52 loài thực vật, trong đó có 28 loài có giá trị sử dụng làm thuốc, cây ăn quả... Tại đây, có hàng chục loài chim như cuốc, bìm bịp, cúm núm, vạc, cò... sinh sống với số lượng lớn đến hàng nghìn cá thể. 

Người dân xem rừng Nà như báu vật của làng và tự nguyện gìn giữ, bảo vệ.
Người dân xem rừng Nà như báu vật của làng và tự nguyện gìn giữ, bảo vệ.

Người dân Đức Thạnh không biết chính xác rừng Nà bao năm tuổi, chỉ biết lớn lên đã sống dưới tán rừng. Dù giữa những trận cuồng phong, bão tố, bom đạn chiến tranh nhưng rừng Nà vẫn hiên ngang chở che cho dân làng.

Để bảo vệ rừng Nà, UBND xã Đức Thạnh đã giao các thôn có diện tích rừng xây dựng hương ước, cam kết không lấn chiếm, chặt phá rừng. Mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ và tố giác những ai vi phạm. “Người dân chúng tôi giữ rừng trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi xác định việc giữ rừng không chỉ là giữ gìn di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh hào hùng của cha ông, mà còn giữ được nguồn nước cũng như không khí trong lành. Rừng Nà chẳng khác gì báu vật truyền đời",  ông Vũ Trọng Hà chia sẻ. 

Cuộc sống của người dân vùng quê cách mạng ngày càng được nâng cao, đời sống kinh tế phát triển.
Cuộc sống của người dân vùng quê cách mạng ngày càng được nâng cao, đời sống kinh tế phát triển.

Tự hào về mảnh đất quê hương đã ghi dấu một “địa chỉ đỏ”, người dân lấy đó làm động lực để vươn lên từng ngày trong phát triển kinh tế, không để cho đói nghèo có chỗ “nương náu”. Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, gian khổ trong quá khứ, giờ đây xã Đức Thạnh đã “thay da đổi thịt”, chuyển mình mạnh mẽ với nhiều thành tựu đạt được trên các lĩnh vực. Các chỉ tiêu kinh tế năm sau đạt cao hơn năm trước. Đời sống của người dân được cải thiện rõ nét từ vật chất đến tinh thần. 

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 56 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm còn 2,95%. Hiện xã Đức Thạnh đã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và đang hoàn thiện thủ tục để đề nghị UBND tỉnh công nhận. 

Khung cảnh bình yên nơi vùng căn cứ cách mạng năm xưa.
Khung cảnh bình yên nơi vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

“Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và giá trị lịch sử, địa phương cũng đã tiến hành xây dựng các phương án để phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn liền với Di tích lịch sử Căn cứ rừng Nà. Qua đó nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy tốt giá trị di tích, giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng cho các thế hệ mai sau”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thạnh Võ Hữu Sơn chia sẻ.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 08:44, 30/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.