Tinh tế sản phẩm thêu tay

08:56, 16/10/2023
.
 

(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc sống hiện đại, sản phẩm thêu công nghiệp khá phổ biến. Dẫu vậy, nhiều người vẫn thích sản phẩm thêu tay với nét đẹp tinh tế, thể hiện sự kỳ công và pha chút cổ xưa, hoài niệm. 

Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của người thợ, những đường kim, mũi chỉ tạo thành những bông hoa, cành lá, họa tiết tạo nên điểm nhấn cho trang phục. Mỗi sản phẩm thêu tay là một nét đẹp riêng, độc đáo, mà chẳng sản phẩm nào trùng lắp.

Tôn thêm vẻ đẹp cho trang phục

Để tạo ra sản phẩm thêu tay, đòi hỏi sự kỳ công của người thợ. Làm sản phẩm thêu tay gồm nhiều công đoạn từ chọn mẫu, vẽ phác họa, tạo khung rồi chọn chỉ thêu, vất vả nhất là công đoạn tỉ mỉ thêu từng đường nét, hoa văn. Để hoàn thiện sản phẩm có khi phải mất vài ngày, nhất là các sản phẩm đòi hỏi công phu. “Thêu truyền thống chủ yếu các mũi thêu chìm. Còn thêu tay hiện đại có ưu điểm là kết hợp nhiều mũi thêu, chỉ thêu đa sắc màu và sản phẩm đa dạng hơn. Người thợ khéo léo kết hợp giữa các mũi thêu cộng với sự sáng tạo để tạo nên sản phẩm đẹp, độc đáo”, chị Lê Thị Thanh Thắm (29 tuổi), chủ một cơ sở thêu tay trên đường Võ Thị Sáu, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), chia sẻ.
 
 

 

 
Những sản phẩm thêu tay hiện đại là sự kết hợp của các mũi thêu khác nhau như đâm xô, lướt vặn, xương cá, thêu nổi... Trong đó, nhiều khách hàng yêu thích các mẫu thêu nổi vì sản phẩm sống động, tự nhiên và có chiều sâu. Dù chỉ là nét thêu điểm xuyến trên phần vai, tay, vạt áo, hay là những mảng họa tiết thêu công phu, dày dặn, những sản phẩm thêu tay đều có một nét đẹp riêng. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, người thợ có thể tạo nên sản phẩm thể hiện cá tính, mang dấu ấn cá nhân riêng. Người thêu chủ động phối màu để tạo nên nét riêng cho từng sản phẩm. Một chiếc đầm màu xám, phần eo được thêu những bông hoa nổi bật có màu sắc tươi sáng. Một chiếc ruy băng xanh lá buộc ngang phần bó hoa, tạo nên điểm nhấn ấn tượng của trang phục. Hay như một chiếc đầm màu vàng trở nên thu hút bởi những bông hoa hồng xinh xắn thêu phía trước ngực.
 
 

Bên cạnh kỹ thuật thêu, điều quan trọng nữa là người thợ sắp xếp, tính toán chọn màu chỉ thêu phù hợp. Từng cánh hoa, cành lá... được cân đối để tạo nên sản phẩm hài hòa giữa các họa tiết với nhau và giữa sản phẩm thêu với trang phục. Có khách hàng chọn mẫu hoa văn có sẵn rồi đặt thợ thêu. Có khách giao hẳn để thợ chủ động chọn mẫu thêu. Mỗi lần như vậy, tùy theo chất liệu vải và nhu cầu sử dụng trang phục, người thợ thêu tay tư vấn cho khách hàng các họa tiết phù hợp nhằm tôn lên giá trị, vẻ đẹp cho bộ trang phục.

Nghề của đam mê

Chị Lê Thị Thanh Thắm đã hơn chục năm gắn bó với nghề thêu tay. Ban đầu cô gái 9X này mày mò học việc, nhận hàng về thêu, rồi chia sẻ, dạy nghề cho những người có nhu cầu. Cũng có vài bạn trẻ học nghề nhưng rồi bỏ cuộc vì muốn môi trường làm việc sôi động hơn. Nghề thêu tay, nghe tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người làm phải chịu khó, kiên nhẫn mới gắn bó lâu dài với công việc làm đẹp cho trang phục này.
 
Chị Lê Thị Thanh Thắm (người đứng) hướng dẫn thợ thêu tay hoàn chỉnh sản phẩm.
Chị Lê Thị Thanh Thắm (người đứng) hướng dẫn thợ thêu tay hoàn chỉnh sản phẩm.
Chị Phạm Thị Đạo (44 tuổi), ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), từng làm công nhân tại một công ty chuyên sản xuất bàn ghế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty giảm nhân công, chị Đạo tìm đến cơ sở của chị Thắm để học nghề thêu tay. “Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, quen tay, bây giờ tôi đã thêu được những sản phẩm khó, công phu. Để làm nên những sản phẩm kỳ công, có khi người thêu phải ngồi miệt mài hàng tiếng đồng hồ hoặc đến vài ngày mới thêu xong”, chị Đạo chia sẻ.
 

 

Mỗi ngày, các chị em miệt mài bên khung thêu. Ai nấy đều tập trung, chăm chú vào từng đường kim, mũi chỉ, tạo nên họa tiết đẹp mắt. Những năm gần đây, các sản phẩm từ nghề truyền thống, thủ công trong đó có sản phẩm thêu tay được ưa chuộng trở lại. Không chỉ nhận thêu tay cho các sản phẩm áo dài, đầm váy từ các nhà may, cửa hàng và khách lẻ trên địa bàn tỉnh, chị Thắm còn nhận nhiều đơn đặt hàng thêu áo dài, đầm từ TP.Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành, chị Thắm thường đăng hình ảnh sản phẩm thêu tay trên Facebook cá nhân. Những sản phẩm thêu tay được nhiều người quan tâm, thích thú. 

 
 

Với những người thợ thêu tay, công việc tốn nhiều thời gian nhưng bù lại có thể chủ động chăm sóc con cái. Song, những người thợ đều có chung nỗi niềm là thu nhập từ nghề thêu tay thấp hơn so với đi làm tại các nhà máy. Bởi để tính giá cho tương xứng với công sức, thời gian làm ra sản phẩm rất khó, chủ yếu tính giá vừa phải để giữ khách hàng. Với niềm đam mê, nhiều người vẫn chọn gắn bó với công việc thêu tay như muốn níu giữ nghề truyền thống giữa nhịp sống hiện đại.
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 
Xuất bản lúc: 08:56, 16/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.