(Baoquangngai.vn)- Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, nhiều người cao tuổi ở Quảng Ngãi, nhóm đối tượng tưởng chừng như xa lạ với công nghệ, lại đang từng bước học cách hòa mình vào dòng chảy hiện đại. Họ không chỉ học cách sử dụng công nghệ để kết nối với con cháu, mà còn để tham gia hòa nhập vào một xã hội số hóa ngày càng phát triển, mở ra những cơ hội mới cho chính bản thân.
Hòa nhập không còn là chuyện của tuổi trẻ
Trong ngôi nhà nhỏ tại thôn Phú Nhiêu 1, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), bà Phạm Thị Xuân (69 tuổi) đang kiên nhẫn thao tác trên chiếc điện thoại thông minh của mình. Tuy đôi tay còn lóng ngóng nhưng ánh mắt đầy tập trung, cứ mỗi lần bấm vào một chức năng mới, bà lại nhẩm theo: “Bấm chỗ này để gọi video, vào đây để xem tin tức, gửi ảnh thì làm sao?”, bà vừa làm vừa lẩm bẩm như một học sinh cần mẫn.
Bà Xuân học cách sử dụng công nghệ nhờ sự hướng dẫn tận tình của cháu gái. |
Trước đây, với bà Xuân công nghệ là thứ gì đó rất phức tạp và khó hiểu. Nhưng khi các con của bà sống xa nhà, còn các cháu thì bận rộn với công việc, chính vì vậy mà bà Xuân đã quyết tâm học cách sử dụng các thiết bị công nghệ, để có thể dễ dàng kết nối với mọi người trong gia đình.
“Lúc đầu tôi không biết bấm nút nào cả, nhưng nhờ các con, các cháu hướng dẫn tận tình, bây giờ tôi đã có thể gọi video, gửi tin nhắn và xem tin tức trên mạng rồi”, bà Xuân vui vẻ chia sẻ. Ngoài ra, bà Xuân còn học cách đặt hàng online, khám phá những video giải trí trên mạng xã hội, những tiện ích tưởng chừng như chỉ dành cho giới trẻ.
Không chỉ bà Xuân, ông Phạm Văn Huệ (70 tuổi), ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) cũng đang từng bước làm quen với công nghệ. Từ việc đăng ký thẻ căn cước công dân đến thanh toán hóa đơn điện nước qua các ứng dụng trực tuyến, ông Huệ đã dần nhận ra tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc sống hiện đại. Ông cho biết, trước đây ông không nghĩ mình cần sử dụng những thiết bị này, nhưng bây giờ muốn làm gì cũng phải lên mạng, nếu không biết thì cảm giác như bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, ông đã bắt đầu tìm tòi và học hỏi để không phải làm phiền đến con cháu.
Thay đổi cuộc sống nhờ công nghệ
Không chỉ là công cụ để giữ kết nối, công nghệ còn mang lại những lợi ích thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của người cao tuổi. Nhiều người đã bắt đầu sử dụng các ứng dụng trực tuyến để thay thế các thủ tục hành chính truyền thống, ví dụ như ứng dụng VNeID hay Sổ tay đảng viên điện tử,... Những ứng dụng này giúp họ dễ dàng tra cứu thông tin, xác minh danh tính mà không cần phải mang theo các giấy tờ tùy thân cồng kềnh.
Ông Nguyễn Tịnh (67 tuổi), thôn Phú Nhiêu 2, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), chia sẻ, trước đây, mỗi khi ra ngoài tôi hay quên mang theo giấy tờ như căn cước công dân hay sổ hộ khẩu. Nhưng giờ tôi chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể xác minh mọi lúc mọi nơi, rất tiện lợi và nhanh chóng. Việc sử dụng các ứng dụng công nghệ giúp ông Tịnh cảm thấy an tâm hơn, không còn lo lắng về việc mất giấy tờ hay mất thời gian chờ đợi thủ tục.
Ông Tịnh thường xuyên truy cập ứng dụng VNeID để quản lý thông tin cá nhân của mình. |
Bà Phạm Thùy Thanh (71 tuổi), sống tại thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi), lại tìm thấy niềm vui từ công nghệ qua việc tập thể dục online. “Mỗi sáng tôi thường lên mạng tìm các video tập thể dục để tập theo, nhờ đó mà sức khỏe tôi cải thiện rất nhiều. Ngoài ra, tôi còn kết bạn với những người có cùng sở thích, cùng lứa tuổi, tôi thấy vui lắm”, bà Thanh hào hứng chia sẻ.
Không chỉ giúp nâng cao sức khỏe, công nghệ còn giúp người cao tuổi cải thiện hiệu quả trong công việc thường ngày. Bà Bùi Thị Tuyết (73 tuổi), tại thôn Phú Nhiêu 2, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn), thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trên mạng để sắp xếp công việc đồng áng một cách hiệu quả. “Nhờ thông tin trên mạng, tôi biết khi nào trời mưa, khi nào trời nắng để chuẩn bị mọi thứ tốt hơn, đỡ mất công sức nhiều”, bà Tuyết nói.
Hơn thế nữa, việc làm quen với công nghệ còn giúp người cao tuổi tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến như đăng ký bảo hiểm xã hội, tìm kiếm thông tin sức khỏe hay tham gia vào các nhóm cộng đồng. Những lợi ích này không chỉ giúp họ sống chủ động hơn mà còn cảm thấy mình không bị lạc lõng trong thời đại xã hội số.
Dẫu vậy, hành trình làm quen với công nghệ của người cao tuổi không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đặc biệt đối với những người có thị lực kém, trí nhớ giảm sút, việc làm quen với màn hình cảm ứng và nhớ được các chức năng trong điện thoại là một thử thách không hề nhỏ.
Dù đã quen sử dụng điện thoại, bà Tuyết vẫn không ít lần gặp phải khó khăn. Bà Tuyết chia sẻ, lúc đầu tôi cứ bị nhầm lẫn lung tung vì không thể nhớ nổi các chức năng trên màn hình. Tuy vậy, khi nghĩ đến sự phát triển ngày càng nhanh của xã hội, dù đã già bà vẫn phải cố gắng học hỏi để không bị lạc hậu. Bà còn cho biết, việc có thể gọi video và nhìn thấy mặt con cháu mỗi ngày khiến bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc, dù khoảng cách địa lý có xa xôi.
Bà Tuyết kết nối với con cháu qua những cuộc gọi video hằng ngày. |
Anh Huỳnh Anh Phúc, con trai của bà Tuyết cho biết, kể từ khi mẹ tôi biết sử dụng điện thoại thông minh, tôi cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Các cuộc gọi video giúp tôi thấy gần gũi với mẹ hơn, dù tôi phải đi làm ở xa.
Trong một xã hội ngày càng bận rộn, vô tình công nghệ đã trở thành cầu nối quan trọng giữa các thế hệ. Những người cao tuổi ở Quảng Ngãi, dù gặp nhiều khó khăn vẫn không ngừng nỗ lực để bắt kịp thời đại, khẳng định giá trị của chính mình.
Hình ảnh những cụ già tươi cười khi gọi video trò chuyện với con cháu, hay chăm chú học cách sử dụng các ứng dụng mới là minh chứng sống động cho tinh thần học hỏi không ngừng. Họ không chỉ vượt qua rào cản công nghệ, mà còn chứng minh rằng tuổi tác không phải là giới hạn để đổi mới và hòa nhập.
Bài, ảnh: ÁI VY
TIN, BÀI LIÊN QUAN: