(Báo Quảng Ngãi)- Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng để tiến đến chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, huyện Minh Long tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Nhiều mô hình hiệu quả
Buổi sinh hoạt của học sinh, đoàn viên Trường THPT Minh Long diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp với chủ đề: “Bạn sẽ làm gì để xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Dưới sự hướng dẫn, gợi ý của cô giáo Đinh Thị Cảm - Bí thư Đoàn trường, học sinh, đoàn viên hào hứng thảo luận và chia sẻ những thông tin, kiến thức liên quan và mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình.
Đoàn viên, học sinh Trường THPT Minh Long trao đổi, thảo luận và chia sẻ thông tin, kiến thức, kỹ năng phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. |
Em Đinh Thị Hiền, học sinh lớp 10A5 bộc bạch, lúc đầu tham dự các buổi sinh hoạt chuyên đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, em rất e ngại và dè dặt. Thế nhưng, sau khi được thầy cô giáo động viên, hướng dẫn, em chịu khó tìm hiểu và trang bị kỹ năng, kiến thức để biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân; đồng thời mạnh dạn chia sẻ những thông tin, kiến thức có được đến người thân, bạn bè và láng giềng.
Còn em Đinh Thị To Ky Na, học sinh lớp 12 cho biết, bố mẹ ly hôn, em sống cùng ông bà ở thôn Làng Giữa, xã Long Môn. Từ năm học 2022 - 2023, em học tại Trường THPT Minh Long và ở bán trú nên được thầy cô quan tâm, gần gũi, thường xuyên trò chuyện, chia sẻ về những kiến thức liên quan đến tình yêu, hôn nhân gia đình cũng như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, em biết lựa lời nói chuyện với ông bà để từ bỏ những quan niệm, phong tục không còn phù hợp; mạnh dạn “nói không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chuyên tâm học hành để có tương lai tươi sáng hơn.
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một trong hai bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Hôn nhân cận huyết thống là kết hôn giữa nam và nữ có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời - đây là điều cấm được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình. |
Theo cô giáo Đinh Thị Cảm, xác định học sinh là chủ thể chính của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nên ngoài chương trình học chính khóa, nhà trường, thầy, cô giáo chú trọng giáo dục kỹ năng, trang bị kiến thức liên quan đến vấn đề này qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp... Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức về hôn nhân gia đình để học sinh có nhiều thông tin, kiến thức và chia sẻ đến người thân, bạn bè. Nhờ đó, những năm qua, trường không có tình trạng học sinh tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Ngoài nhà trường, chính quyền các địa phương ở huyện Minh Long còn phát huy vai trò của hội, đoàn thể, người có uy tín... trong tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ những hủ tục lạc hậu; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, gắn với biểu dương cách làm hay, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phòng, chống tảo hôn.
Cô giáo Đinh Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Long, thường xuyên chuyện trò, dặn dò và động viên học sinh bán trú của trường chuyên tâm học hành, mạnh dạn “nói không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Thị Xuân Hương cho rằng, với những phong tục, tập quán đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì việc thay đổi không thể thực hiện trong “ngày một, ngày hai”, mà cần thời gian tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách pháp luật nói chung, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nói riêng trên các nền tảng số. Qua đó, lan tỏa thông tin nhanh hơn, giúp người dân tiếp cận dễ dàng và thuận lợi hơn. Như năm 2024, huyện tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, kết hôn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống huyện Minh Long năm 2024” và “Tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc”, thu hút gần 3.000 lượt người tham gia.
Chú trọng công tác dân số
Bên cạnh tuyên truyền, thì sự can thiệp quyết liệt và kịp thời từ phía chính quyền cơ sở đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được xem là một trong những giải pháp căn cơ, nhằm ngăn chặn, tiến đến xóa bỏ tình trạng này. Tại xã Thanh An, bên cạnh lồng ghép các hoạt động, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về giảm thiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống... thì cộng tác viên dân số còn kiên trì tuyên truyền, vận động theo phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”. Đối với những trường hợp nguy cơ cao, chính quyền địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể địa phương rà soát, giám sát và yêu cầu ký cam kết không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Long Đinh Thị Súc tuyên truyền, phổ biến các thông tin liên quan đến hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến người dân thôn Gò Tranh, xã Long Sơn. |
Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Văn Dục cho hay, qua tuyên truyền, người dân nhận ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo đói nên dần từ bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu này. Ngoài ra, xã cũng đưa tiêu chí “nói không với tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống” vào hương ước các dòng họ và quy ước thôn. Điều này đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Một trong những giải pháp căn cơ mà huyện Minh Long đã và đang thực hiện là thực thi hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, gắn với đầu tư chuyển đổi và hỗ trợ phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số tăng cường khả năng tiếp cận, mở rộng giao thương, giao lưu với cộng đồng, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Minh Long tích hợp thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2025” trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “kép”: Thay đổi từ nhận thức đến hành vi và hành động, thúc đẩy giảm nghèo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và dân số.
Cùng với chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, huyện tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân số, xem đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Ước đến cuối năm 2024, huyện Minh Long còn 581 hộ nghèo (gần 11%), thu nhập bình quân đạt trên 39 triệu đồng/người/năm. Minh Long cũng là điểm sáng của tỉnh trong thực hiện giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: