(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh cùng các địa phương vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, nhất là vùng có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao để ngăn chặn tình trạng này.
Xã Trà Thủy (Trà Bồng) là địa phương từng xảy ra nhiều vụ tảo hôn, nhưng nhờ triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, tình trạng này đã được cải thiện. Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Thủy Hồ Thị Sơn cho hay, xã hiện có trên 700 phụ nữ ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên. Trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã để lại những hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và sự phát triển của địa phương. Trước thực trạng đó, xã Trà Thủy đã đẩy mạnh công tác dân vận để thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân, nhằm giảm thiểu, tiến đến xóa bỏ tình trạng tảo hôn.
Năm 2022, Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Trà Thủy đã thành lập mô hình "Gia đình nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống", với hơn 20 thành viên. Các thành viên tập trung tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, đặc biệt là phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình để nâng cao ý thức chấp hành cho phụ nữ trong thôn, xóm.
Đồng thời, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường nắm địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp tảo hôn.
Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ba Vì (Ba Tơ). Ảnh: PV |
“Để thay đổi nhận thức của người dân, cần phải có thời gian lâu dài. Vì vậy, chúng tôi luôn kiên trì tuyên truyền, vận động với mong muốn các em nhỏ không ai phải bỏ học vì tảo hôn; phải làm mẹ khi độ tuổi còn quá trẻ. Từ đó, giúp phụ nữ vùng cao có cuộc sống ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc hơn”, chị Sơn bày tỏ.
Tại huyện Sơn Hà, thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, giúp người dân hiểu các hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Nếu năm 2016, trên địa bàn huyện có 92 cặp vợ chồng tảo hôn, thì từ năm 2022 đến nay, tình trạng này đã không còn. Cả 12 trường hợp có dấu hiệu tảo hôn đều được chính quyền địa phương nắm bắt, kịp thời tuyên truyền và thuyết phục người dân đồng thuận, không để xảy ra tình trạng này.
Trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có Tiểu dự án 2 (Dự án 9) về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương miền núi triển khai các hội nghị phổ biến, tuyên truyền giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật tại trường học. Từ đó, truyền tải thông điệp đến học sinh, thanh thiếu niên nâng cao nhận thức trong việc chấp hành pháp luật, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm với Ban Dân tộc các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Nông và Gia Lai về công tác triển khai thực hiện Tiểu dự án 2. Qua đó, học tập được những cách làm hay như: Các địa phương đã nắm bắt tình hình tảo hôn ở từng địa bàn, từng thành phần dân tộc, phong tục tập quán... để có biện pháp tuyên truyền phù hợp.
Có địa phương đưa nội dung thực hiện công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hệ thống tiêu chí đánh giá, xếp loại hằng năm của cấp ủy, chính quyền và hội, đoàn thể ở thôn, xã. Đồng thời, trang bị, chú trọng cung cấp những kiến thức bổ ích, thực tiễn cho cán bộ cơ sở, đặc biệt là đối với cán bộ đang công tác tại vùng DTTS và miền núi...
PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN: