Chia sẻ cùng con ở tuổi dậy thì

06:34, 24/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuổi dậy thì là giai đoạn quan trọng đối với các con. Do thay đổi rất nhanh về ngoại hình, tâm sinh lý, nên trẻ gặp nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Do đó, bố mẹ cần dành nhiều thời gian để quan tâm chia sẻ cùng các con.

Lắng nghe và thấu hiểu 

Chị Lê Thị Thùy Trang ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) có hai cô con gái. Con gái lớn đang là sinh viên đại học năm nhất, còn con gái nhỏ học lớp 7. Trong giai đoạn con bước vào tuổi dậy thì, chị Trang chủ động tư vấn, hướng dẫn cho con các dấu hiệu nhận biết tuổi dậy thì, dặn dò con biết cách chăm sóc bản thân. “Đối với con gái, tuổi dậy thì có những thay đổi khác biệt, rõ rệt so với lúc còn nhỏ. Do đó, người mẹ cần quan tâm, theo dõi để hỗ trợ con. Nhờ sự chủ động hỗ trợ từ mẹ và các con học hỏi thêm qua sách báo, nên khi bước vào tuổi dậy thì, con không bị bỡ ngỡ”, chị Trang chia sẻ. 

Đối với giai đoạn dậy thì, bên cạnh phát triển ngoại hình, trẻ cũng có những thay đổi đột ngột về tâm lý khiến nhiều bố mẹ ngỡ ngàng. Chị Trang cho hay, dù đã chủ động hỗ trợ, nhưng khi con bỗng nhiên bày tỏ thái độ khó chịu và nhăn nhó trước một điều gì đó, khiến tôi cũng bất ngờ bởi trước đó, con vẫn là cô bé vui vẻ, gần gũi với bố mẹ. Có lần, con gái nhỏ bỗng giận mẹ, không nói chuyện với mẹ cả tuần. Tôi bảo con viết một lá thư giải thích nguyên nhân để mẹ hiểu. Sau khi đọc lá thư của con, tôi mới hiểu nguyên nhân mỗi khi đi học về, con thường kể chuyện về các bạn ở trường, lớp với mẹ, nhưng tôi hay “đánh đồng” và nghi ngờ câu chuyện con kể về lỗi của các bạn, chính là lỗi của con. Điều đó khiến con giận và quyết định không kể chuyện cho mẹ nữa. 

 

“Khi con viết thư cho mẹ, tôi hiểu hơn về con và cũng nhận ra bản thân mình có những cách ứng xử chưa phù hợp với con. Thay vì lắng nghe con bày tỏ, có lúc tôi lại chỉ trích con, trong khi giai đoạn tuổi dậy thì, con rất nhạy cảm và luôn mong được mẹ hiểu, đánh giá tích cực về con. Tôi nhận ra, những lúc mình nóng nảy, căng thẳng với con, con cũng sẽ bướng bỉnh không nghe lời. Tôi cũng viết một lá thư để chia sẻ cùng con và dặn dò con, dù có chuyện gì, cũng không được chọn cách im lặng. Hai vợ chồng tôi cũng điều chỉnh, thay đổi lại cách trò chuyện với con, không nặng lời mà trò chuyện vui vẻ, pha hài hước, con dễ tiếp thu và biết nghe lời bố mẹ hơn”, chị Trang bày tỏ. 

Trong giai đoạn hiện đại, vì guồng quay công việc, nhiều bố mẹ phải tất bật dành thời gian làm việc, ít đồng hành cùng con nhất là giai đoạn con ở tuổi dậy thì. Trong khi càng lớn, con lại càng ít chia sẻ với bố mẹ như lúc còn nhỏ. Chị Trần Thị Hồng, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) cho hay, vợ chồng tôi có 3 người con, con trai lớn đang học lớp 9. Vào giai đoạn dậy thì, con trai trở nên trầm tính, hay cáu gắt, khép mình, không thích các thành viên trong gia đình quan tâm nhiều đến mình. Trước đó, con thường chơi đùa cùng các em, nhưng sau con không thích các em hay hỏi han mỗi lần anh trai có bạn bè đến chơi...

Chị Trần Thị Hồng dành nhiều thời gian để đồng hành cùng con trai.
Chị Trần Thị Hồng dành nhiều thời gian để đồng hành cùng con trai.

Cũng giống như chị Trang, khi đọc lá thư con viết gửi cho bố mẹ, chị Hồng nhận ra con trai của mình đã có những suy nghĩ trưởng thành hơn so với mẹ nghĩ. Đó là năm con chị học lớp 8, cô giáo chủ nhiệm cho các em học sinh viết một lá thư về chủ đề “Thay lời muốn nói” để gửi đến bố mẹ. Con trai của chị Hồng đã viết lá thư dài 4 trang giấy bày tỏ công ơn sinh thành và những suy nghĩ khi bố mẹ phải đi làm xa nhà. Lá thư như cầu nối giúp chị thấu hiểu con và cũng nhận ra mình cần dành thời gian nhiều hơn cho con. 

“Vì tôi đi làm xa nhà cách 30km, sáng phải đi sớm, chiều về muộn, nên đến nửa tháng sau, tôi mới nhận ra con có những thay đổi bước vào tuổi dậy thì. Sau giờ làm, tôi tranh thủ dành nhiều thời gian gần bên con. Những lần đón con học thêm về, tôi thường chở con đi uống nước, ăn vặt để hai mẹ con có thời gian trò chuyện riêng giúp con dễ dàng chia sẻ với mẹ. Con tin tưởng và tâm sự những suy nghĩ của bản thân. Dù là con trai hay con gái, con cũng rất cần bố mẹ đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu”, chị Hồng bộc bạch. 

Làm bạn cùng con

Giai đoạn tuổi dậy thì đánh dấu sự chuyển tiếp từ một đứa trẻ sang thanh thiếu niên. Ở độ tuổi này, trẻ thay đổi về chiều cao, ngoại hình, nhiều trẻ cảm thấy cơ thể thay đổi đột ngột, dẫn đến ngại ngùng, nhưng lại có xu hướng tìm hiểu nhiều hơn về những thay đổi của cơ thể. Ngoài ra, tuổi dậy thì còn có những thay đổi rõ rệt về tâm lý, trẻ có suy nghĩ riêng và cần không gian riêng nhiều hơn. Ở độ tuổi vẫn còn những bồng bột, non nớt trong suy nghĩ, cảm xúc, trẻ cần được bố mẹ quan tâm một cách thấu đáo. Với nhiều gia đình, đây có thể là thời gian khó khăn khi con có những cảm xúc phức tạp.

Với chị Đoàn Kim Hà My, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), lúc con bước vào tuổi dậy thì là thời điểm đáng nhớ của cả hai mẹ con. Có giai đoạn con bỗng nhiên thay đổi tâm tính, không muốn chia sẻ nhiều với mẹ, ít nói nhưng lại hay khóc, khiến mẹ cũng khá “đau đầu” không biết cách giải quyết. Có lần chị My chở con đi mua quần áo, nhưng đến nơi, cái gì con cũng bày tỏ khó chịu, không thích. Chị My kể, tình cờ lúc đấy, tôi gặp người bạn, chị ấy chia sẻ hai mẹ con từng phải đi gặp bác sĩ tư vấn tâm lý. Bước vào tuổi dậy thì, con gái của chị ấy trở nên không nghe lời, hai mẹ con thường xảy ra mâu thuẫn, thậm chí nhiều lúc chị còn đánh con. Hai mẹ con quyết định gặp bác sĩ  tâm lý, bác sĩ đã khuyên nhủ, đây là giai đoạn khó khăn, đừng bực mình với con mà hãy nhẹ nhàng bên cạnh, đồng hành cùng con. 

Chị Đoàn Kim Hà My luôn quan tâm, chia sẻ cùng con gái ở tuổi dậy thì.
Chị Đoàn Kim Hà My luôn quan tâm, chia sẻ cùng con gái ở tuổi dậy thì.

“Từ câu chuyện của những người bạn, tôi nhận ra mình không nên nóng vội, lớn tiếng với con. Bởi giai đoạn dậy thì, hơn lúc nào hết, con rất cần có mẹ kề bên động viên, chia sẻ. Trong giai đoạn dậy thì, trẻ suy nghĩ nhiều, cảm xúc vui buồn lẫn lộn, nhất là gặp phải những áp lực khi thay đổi từ giai đoạn tiểu học sang THCS khiến trẻ lo lắng. Tôi cũng điều chỉnh cách ứng xử, kiềm chế, dù có những lúc bực tức cũng không to tiếng với con, vì có thể những lúc la con, không giải quyết được vấn đề mà làm ảnh hưởng đến tâm lý của con, tạo nên bức tường vô hình, con sẽ ngại trò chuyện với mẹ. Dần dần, con sẽ quen với những thay đổi của cơ thể, tâm lý ổn định và không còn những khủng hoảng của tuổi dậy thì nữa”, chị My cho biết.

Một cô giáo dạy môn Ngữ văn ở TP.Quảng Ngãi chia sẻ, có lần cô giáo nghe các em học sinh lớp 9 trò chuyện với nhau, khi em đạt điểm 9, bố mẹ không khen con, lại cho rằng con xem bài của bạn nên mới đạt điểm cao. Nhưng khi con có bài kiểm tra 4 điểm thì bố mẹ lại la mắng và phạt con. Điều đó khiến con rất buồn, cho rằng bố mẹ không tin tưởng vào năng lực con. Từ câu chuyện đó, trong giai đoạn dậy thì, trẻ gặp áp lực và có nhiều suy nghĩ về thái độ của bố mẹ dành cho mình. Khi các con bước vào tuổi dậy thì, bố mẹ cần tinh tế hơn trong cách ứng xử với con, nhất là động viên, tin tưởng con, như vậy trẻ mới lắng nghe, chia sẻ cùng bố mẹ.

Bài, ảnh: HUỲNH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:34, 24/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.