(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu Các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Ngãi lần thứ III - năm 2019, vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đã phát triển vượt bậc, toàn diện. Thành quả ấy có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, cùng những giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đổi thay toàn diện
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh cho biết, những năm qua, Quảng Ngãi luôn xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được triển khai một cách tích cực và toàn diện trên cơ sở “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Mặc dù điều kiện đời sống, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Quảng Ngãi đã triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Qua đó, tạo bước chuyển biến về mọi mặt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được cải thiện và nâng cao rõ rệt.
Một góc thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng). Ảnh: HỮU THƯ |
Giai đoạn 2019 - 2024, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Việc phát triển kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, rõ nét. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng, tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đơn cử như tại huyện Sơn Tây, từ năm 2021 - 2024, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn huyện đạt 788 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện Sơn Tây đã đầu tư làm mới và sửa chữa gần 200 công trình các loại, đáp ứng nhu cầu giải trí, sinh hoạt, đi lại và nhiều nhu cầu thiết yếu khác của người dân; hỗ trợ làm mới, sửa chữa gần 300 ngôi nhà... “Từ nguồn lực các chương trình, chính sách dân tộc, huyện đã tăng cường đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Tây Lê Văn Cường chia sẻ.
Phụ nữ dân tộc Hrê huyện Ba Tơ giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: LÊ MINH THỂ |
Đồng bào các DTTS trong tỉnh sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp hoặc các hoạt động liên quan đến nông nghiệp. Vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ của KH&CN vào sản xuất nông, lâm nghiệp được tỉnh đẩy mạnh; các mô hình kinh tế có hiệu quả được nhân rộng.
Trà Bồng là huyện có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên thời gian qua, huyện quan tâm khuyến khích nông dân phát triển các mô hình áp dụng KH&CN vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng hiệu quả thành tựu KH&CN. Đối với chăn nuôi, người dân chuyển dần từ việc chăn thả rông sang nuôi bán thâm canh, chăn nuôi theo hình thức trang trại. Huyện cũng tập trung phát triển các vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu... góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá.
Quảng Ngãi có hơn 200 nghìn người DTTS, chiếm 14,1% dân số toàn tỉnh; trong đó, có 3 DTTS có tỷ lệ dân số cao là Hrê, Cor và Ca Dong. Các DTTS sinh sống chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh, với 61 xã và 8 thôn, thuộc 5 huyện miền núi là Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và 3 huyện đồng bằng là Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Trong đó, có 10 xã đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, 1 xã khu vực II, 50 xã khu vực III và có 241 thôn đặc biệt khó khăn. |
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Quảng Ngãi còn quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đồng bào DTTS, gắn với phát triển du lịch. Chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS có nhiều chuyển biến tích cực.
Ngoài ra, tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019 - 2024 như: Chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS...
Đến nay, khu vực miền núi trong tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, cứng hóa; 94,8% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 95,5% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Các công trình thủy lợi, chợ, cấp nước sinh hoạt, điện... từng bước được đầu tư đồng bộ; tỷ lệ người dân sử dụng điện quốc gia đạt 98%; có 91% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 40 sản phẩm OCOP, trong đó có 34 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Tỷ lệ trường học được kiên cố hóa đạt 100%; có 67,7% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế có bác sĩ, thôn có nhân viên y tế; 76% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS trên địa bàn tỉnh giảm bình quân gần 5%/năm, dự kiến năm 2024 giảm 7%.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đồng bào các DTTS trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, đóng góp công sức, nhân vật lực trong thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phải kể đến những đóng góp tích cực của đồng bào các dân tộc với tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do các cấp, ngành phát động; cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS trong tỉnh.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây (Sơn Tây) và lễ hội ẩm thực truyền thống người Ca Dong được tổ chức tại trường. Ảnh: THANH NHỊ |
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc, Quảng Ngãi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Trước hết, phải thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng gắn với ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Người dân xã Long Hiệp (Minh Long) phát triển vùng trồng cây chè truyền thống của địa phương. Ảnh: TL. |
Xây dựng, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS ở các cấp gắn với quy hoạch, đào tạo, sử dụng phù hợp. Xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS, xác định đây là lực lượng tiêu biểu, nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để phát huy, nhân rộng.
Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc và các chương trình MTQG. Tranh thủ các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, có ý thức phấn đấu, tự lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình để thoát nghèo nhanh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số biểu diễn các tiết mục nghệ thuật tại Lễ hội Điện Trường Bà (Trà Bồng). Ảnh: TL |
Tăng cường, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận của nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm hoạt động đồng bộ, có hiệu quả theo cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các đoàn thể vận động nhân dân tham gia thực hiện. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật và các chính sách dân tộc; giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vững mạnh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, ý thức chấp hành pháp luật, phát huy dân chủ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Với tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua những khó khăn, thách thức, tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, những đóng góp tích cực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã củng cố khối đại đoàn kết, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên trong đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần quan trọng vào những kết quả mà Quảng Ngãi đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, tạo tiền đề để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc trong thời gian tới.
VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: