Điểm tựa của dân làng

15:15, 28/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, nhiều cá nhân đã ra sức phát triển kinh tế, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần không nhỏ vào sự đổi thay của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tỉnh.
 

Tiên phong phát triển kinh tế

Những năm qua, từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với việc thực hiện có hiệu quả công tác và chính sách dân tộc, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, tạo việc làm và giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Ông Đinh Xuân Phăng (bên phải) hướng dẫn người dân thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao (Sơn Hà) trồng bưởi da xanh. 
Ảnh: THANH THUẬN
Ông Đinh Xuân Phăng (bên phải) hướng dẫn người dân thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao (Sơn Hà) trồng bưởi da xanh. Ảnh: THANH THUẬN

Tiêu biểu như ông Đinh Xuân Phăng, ở thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao (Sơn Hà). Cách đây hơn 5 năm, gia đình ông Phăng được hỗ trợ đầu tư mô hình trồng hơn 400 cây bưởi da xanh, cùng 500 cây mít Thái trên diện tích 1ha. Khi mới thực hiện mô hình, ông Phăng gặp rất nhiều khó khăn, do thời tiết không thuận lợi, có năm hạn hán kéo dài, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây ăn quả. Tuy nhiên, không nản lòng, ông tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt. Đến năm 2020, gia đình ông Phăng đã có thu nhập ổn định từ diện tích cây ăn quả này.

“Trung bình mỗi năm, tôi thu hoạch được 4,5 tấn mít Thái và 1,5 tấn bưởi da xanh, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá; đồng thời góp phần phát triển các mô hình kinh tế của địa phương”, ông Phăng cho hay.

Bằng những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình trồng cây ăn quả, ông Phăng đã hướng dẫn nhiều hộ gia đình, động viên họ làm theo, cùng nhau phát triển kinh tế. Đến nay, ông Phăng đã giúp 20 gia đình ở thôn Làng Trăng cách làm ăn, chủ yếu là trồng các loại cây ăn quả. Ngoài ra, ông còn vận động người dân trong thôn đưa giống lúa mới vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng; vận động trồng đậu phụng xen canh để tạo thu nhập ổn định.

Góp sức giữ gìn văn hóa dân tộc

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), là một trong những điển hình trong việc giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Hrê. Không chỉ am hiểu về chiêng và chơi chiêng điêu luyện, nghệ nhân Sây còn nổi tiếng là người hát ta lêu, ca choi rất hay, từng đoạt giải cao trong các kỳ liên hoan văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nghệ nhân Sây còn sử dụng thành thạo một số nhạc cụ tre, nứa, trong đó có chiêng tre của người Hrê, còn gọi là chinh kala.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây (bìa phải) biểu diễn đánh chiêng của người Hrê.               Ảnh: THIÊN HẬU
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây (bìa phải) biểu diễn đánh chiêng của người Hrê. Ảnh: THIÊN HẬU

Nói về niềm đam mê với âm nhạc truyền thống, nghệ nhân Sây cho biết, từ khi còn nhỏ tôi thường tới nhà của những người am hiểu nhạc cụ của đồng bào Hrê để nghe và theo dõi cách chơi, cách chế tác các nhạc cụ. Từ đó, tôi luôn tự nhủ, phải giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. “Tôi được sống trong không gian âm nhạc truyền thống từ nhỏ. Vì thế, những giai điệu đó đã trở thành máu thịt của tôi”, nghệ nhân Sây thổ lộ. 

Nghệ nhân Sây còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bằng cách thường xuyên tham gia trình diễn đánh chiêng và hát các làn điệu ta lêu, ca choi tại các lễ hội, liên hoan... Qua đó góp phần gìn giữ, quảng bá những nét đẹp âm nhạc của người Hrê.

“Ông dân vận”

Là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung (Sơn Tây), ông Đinh Văn Bin luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thôn Huy Măng có 326 hộ dân, với 1.101 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Ca Dong chiếm gần 93%. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. “Tôi xác định công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Xem công tác dân vận là nòng cốt, đoàn kết là chìa khóa để mở ra tất cả các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc”, ông Bin cho biết.

Vì thế, ông thường xuyên học hỏi, nâng cao kiến thức, tập trung nghiên cứu các văn bản, công văn của cấp trên để vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thực tế của địa phương để nâng cao đời sống.

Ông Đinh Văn Bin (bên phải) tuyên truyền người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.                                                                                            Ảnh: THANH KHÁNH
Ông Đinh Văn Bin (bên phải) tuyên truyền người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: THANH KHÁNH

Ông Bin cũng đến từng gia đình trong thôn để tuyên truyền cho người dân biết thực hành tiết kiệm, xóa bỏ tập tục lạc hậu. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong thôn được nâng lên, nhà ở xây dựng vững chắc. Ông Bin còn hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân, giúp tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết. 

XUÂN HIẾU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:15, 28/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.