(Báo Quảng Ngãi)- Cấp ủy, chính quyền TP.Quảng Ngãi đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào "Dân vận khéo" gắn với giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trao sinh kế để thoát nghèo
Chồng qua đời vì bị bệnh nan y, bà Bùi Thị Thùy Dương (50 tuổi), ở thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi), phải gồng gánh mưu sinh để lo cuộc sống gia đình và trả nợ phần chi phí mà bà từng mượn họ hàng, hàng xóm để thuốc thang cho chồng. Song, với người phụ nữ đã bước sang tuổi trung niên này, để có thể vực dậy kinh tế gia đình là cả một quá trình chông gai. Bởi, bà chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và 2 con bò lai.
Tiểu thương chợ Núi Cấm, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi), góp tiền vào thùng tiết kiệm để hỗ trợ phụ nữ nghèo, trẻ em khó khăn. |
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của bà Dương, Hội Nông dân xã Tịnh Ấn Đông đã kịp thời hỗ trợ heo giống để giúp bà có thêm sinh kế. Đây là heo giống từ nguồn xã hội hóa của mô hình dân vận khéo "Hỗ trợ heo giống cho hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn", được Hội Nông dân xã Tịnh Ấn Đông triển khai từ năm 2023 đến nay.
Sau hơn nửa năm thực hiện mô hình sinh kế mới, bà Dương đã nhân được đàn từ 1 con heo giống ban đầu lên 6 con. "Nuôi bò thì ít nhất phải 2 năm mới có thu nhập, còn nuôi heo lại có đồng ra đồng vào hằng năm. Được hỗ trợ thêm sinh kế mới thật sự ý nghĩa với một người nghèo như tôi. Hiện, tôi đang chờ heo nái đẻ lứa thứ 2, rồi sẽ chọn 1 - 2 con heo trong đàn giao cho Hội Nông dân xã để trao cho các hộ khó khăn khác trong xã", bà Dương bộc bạch.
Năm 2024, TP.Quảng Ngãi có 218 mô hình "Dân vận khéo", với 61 mô hình đăng ký xây dựng mới và duy trì 157 mô hình. Trong các mô hình này, có 50 mô hình gắn với trao sinh kế, hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo, cận nghèo. Qua đó, tạo động lực để người nghèo vươn lên trong cuộc sống. |
Những mô hình thiết thực
Không chỉ trao sinh kế, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP.Quảng Ngãi còn xây dựng mô hình dân vận khéo gắn với giúp đỡ người nghèo bằng nhiều việc làm thiết thực.
Tại xã Tịnh Long, từ năm 2022 đến nay, Đoàn xã đã xây dựng và duy trì mô hình dân vận khéo "Sửa chữa nhà nhân ái", vì người nghèo, cận nghèo. Theo Bí thư Đoàn xã Tịnh Long Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, hằng năm, Đoàn xã huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa và đóng góp ngày công để sửa chữa ít nhất một ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo địa phương. Qua đó, góp phần hỗ trợ các hộ gia đình khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống.
Cùng tiết kiệm để chung tay vì phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các tiểu thương ở chợ Núi Cấm, thôn Hạnh Phúc, xã Tịnh Ấn Đông, cũng ngày ngày chắt chiu, góp tiền vào thùng tiết kiệm đặt tại chợ. Bà Nguyễn Thị Cúc, tiểu thương ở chợ Núi Cấm bảo, chúng tôi buôn bán ở một chợ nhỏ, ngày lãi nhiều thì được vài chục nghìn đồng, còn ngày ế, có khi lỗ vốn. Nhưng chúng tôi quan niệm "của ít lòng nhiều", mình cứ cho đi trong khả năng của mình, vì ngoài kia, còn biết bao nhiêu người khó, khổ đang cần. Khi cho đi, chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.
"Thùng tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, trẻ em khó khăn đặt tại chợ Núi Cấm" là mô hình dân vận khéo do Hội LHPN xã Tịnh Ấn Đông triển khai từ năm 2022 đến nay. Theo Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hạnh Phúc Lê Thị Mỹ Lệ, chợ Núi Cấm là chợ chiều, chỉ có khoảng 10 tiểu thương buôn bán. Tình hình buôn bán những năm gần đây cũng không mấy khả quan, song điều đáng trân quý là gần 3 năm qua, các tiểu thương cùng một số người đi chợ đã chắt chiu đóng góp đều đặn khoảng 100 nghìn đồng/tháng, để giúp đỡ người nghèo.
Từ mô hình thùng tiền tiết kiệm này, các tiểu thương ở chợ Núi Cấm đã góp một phần để đồng hành cùng Hội LHPN xã trong nhận đỡ đầu một học sinh mồ côi mẹ. Chính nghĩa cử chung tay vì người nghèo, lối sống sẻ chia của các chị em tiểu thương đã giúp mô hình này được duy trì bền vững.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: