Bảo tồn tiếng đồng bào dân tộc thiểu số 

14:12, 11/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) tiếng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là yêu cầu cấp thiết, nhằm bảo tồn ngôn ngữ của các DTTS ở tỉnh ta trước nguy cơ mai một.

Cơ sở dữ liệu số đầu tiên về ngôn ngữ

Ở tỉnh ta có khoảng 187 nghìn người DTTS. Trong đó, hơn 166,3 nghìn người dân tộc Hrê và Co. Điều đáng lo ngại là tiếng nói của người Hrê, Co đang dần bị mai một. Để tra cứu, học tiếng của người Hrê, Co, người học tốn nhiều thời gian tìm kiếm các giáo trình, tài liệu nghiên cứu hoặc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ những người có chuyên môn hướng dẫn mới có thể đọc, phát âm. Trước thực trạng này, năm 2022, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi (Sở TT&TT) chủ trì, phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh thực hiện đề tài Xây dựng CSDL điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt - Hrê, Việt - Co. Đây là CSDL số đầu tiên về ngôn ngữ của đồng bào DTTS ở tỉnh ta.

Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi mở lớp tập huấn, hướng dẫn công chức, giáo viên ở huyện Trà Bồng sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. 
  ẢNH: ĐVCC
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi mở lớp tập huấn, hướng dẫn công chức, giáo viên ở huyện Trà Bồng sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. ẢNH: ĐVCC

Thạc sĩ Trần Duy Linh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi (chủ nhiệm đề tài) cho biết, người Hrê và người Co đều có tiếng nói riêng, điểm chung là cùng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer (ngữ hệ Nam Á). Từ trước năm 1975, họ đã có chữ viết của dân tộc mình, bằng cách dùng hệ thống ký tự Latinh để phiên âm tiếng nói. Loại chữ viết này từng được sử dụng rộng rãi nhưng hiện nay không còn nữa. Trước bối cảnh đó, vấn đề đặt ra là làm sao để người DTTS có thể vừa nói, viết thông thạo tiếng Việt, vừa sử dụng ngôn ngữ của chính dân tộc mình. Đồng thời, người Kinh công tác, sinh sống tại các huyện có đông người DTTS cũng có thể giao tiếp với người dân bằng ngôn ngữ của dân tộc nơi đó. Cùng với đó, bảo tồn và phát huy giá trị của tiếng nói cũng như giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trong điều kiện hội nhập đang diễn ra sâu rộng.

Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Duy Linh đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số Việt - Hrê, Việt - Co.                                                                               Ảnh: MỸ DUYÊN
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Duy Linh đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số Việt - Hrê, Việt - Co. Ảnh: MỸ DUYÊN

Sau hơn 2 năm triển khai đề tài, Ban Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành việc xây dựng CSDL điện tử ngôn ngữ của người Hrê, Co và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận diện giọng nói để nhận biết tiếng Hrê, Co. Việc triển khai xây dựng đề tài đã giải quyết cùng lúc 3 bài toán đặt ra, đó là số hóa dữ liệu, xây dựng CSDL điện tử và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Để xây dựng CSDL tiếng đồng bào DTTS, Ban Chủ nhiệm đề tài đã dựa trên cơ sở nguồn dữ liệu tiếng Hrê và tiếng Co tại 2 bộ tài liệu: “Đào tạo, bồi dưỡng tiếng Hrê (dùng cho cán bộ, công chức tại miền núi và công tác dân tộc tỉnh Quảng Ngãi)” và tài liệu “Bai hok Apok Kool (Bài học tiếng Co)”, kết hợp với khảo sát, nghiên cứu thực tế địa bàn các huyện miền núi để thu thập vốn từ tiếng Việt, Hrê và Co thường xuyên sử dụng trong cuộc sống. Từ đó, thực hiện số hóa đồng nhất các từ tương ứng để thành lập CSDL điện tử Việt - Hrê, Việt - Co. Từ kho dữ liệu đã xây dựng, Ban Chủ nhiệm đề tài đã phát triển thành công bộ phần mềm CSDL điện tử có thể sử dụng được trên các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh, với mục đích tra ngữ nghĩa giữa các ngôn ngữ Việt - Hrê, Việt - Co. Hiện nay, phần mềm CSDL điện tử Việt - Hrê, Việt - Co có thể được truy xuất trên nền tảng website tại địa chỉ: csdlhreco.nuian.vn và ứng dụng di động “Hrê - Co - Việt” chạy trên cả hai nền tảng Android và iOS.

Giao diện phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số Việt - Hrê, Việt - Co.                     Ảnh: MỸ DUYÊN
Giao diện phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số Việt - Hrê, Việt - Co. Ảnh: MỸ DUYÊN

“Quá trình triển khai CSDL tiếng đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn. Bởi việc phát âm của người Hrê, Co ở các huyện miền núi trong tỉnh mang đặc trưng khác nhau. Đều là người đồng bào DTTS Hrê, nhưng người Hrê ở 2 huyện Ba Tơ và Sơn Hà lại có một số từ đọc khác nhau, mặc dù đồng nghĩa. Vì thế, chúng tôi mất nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, thu nhập dữ liệu nhiều giọng nói khác nhau và xin ý kiến đóng góp của các chuyên gia về công tác số hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xây dựng kho ngữ vựng song ngữ Việt - Hrê, Việt - Co, để quá trình tra cứu tiếng đồng bào DTTS bằng giọng nói được tối ưu nhất”, ông Trần Duy Linh chia sẻ.

"Cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt - Hrê, Việt - Co là kho dữ liệu từ vựng dạng số của tiếng Hrê, Co, giúp cho người bản ngữ có ý thức bảo tồn, phát triển tiếng mẹ đẻ. Qua đó, hình thành kho tài nguyên thông tin đầy đủ, chân thực, giúp cho các thế hệ nghiên cứu hiện tại và sau này có tư liệu chính xác. Đồng thời, góp phần gìn giữ cho các thế hệ mai sau không chỉ ngôn ngữ mà còn những giá trị văn hóa  truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng CSDL điện tử trực tuyến đầu tiên trên địa bàn tỉnh cũng góp phần nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, góp phần xây dựng đội ngũ công dân số, phát triển xã hội số, hòa vào dòng chảy chuyển đổi số chung của tỉnh và cả nước”.

Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Trưởng ban 

Dân tộc tỉnh TRẦN VĂN MẪN

 

Đến nay, Ban Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành xây dựng CSDL điện tử với hơn 3.000 từ Hrê và Co đặt trên hạ tầng máy chủ do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi cài đặt. Xây dựng được hệ thống website sử dụng giao diện API cho phép tìm kiếm, tra cứu; có chức năng gõ từ, website có khả năng cho phép 3.000 kết nối đồng thời; xây dựng công cụ hỗ trợ gõ tiếng dân tộc Hrê, Co trên giao diện. Cơ sở dữ liệu điện tử cung cấp các tính năng, gồm dịch nghĩa từ, phát âm từ, xem ví dụ minh họa, xem từ đồng nghĩa, gần nghĩa, dịch xuôi và dịch ngược giữa tiếng Việt - Hrê, Hrê- Việt; giữa tiếng Việt - Co và Co - Việt. Ngoài ra, còn có kênh tiếp nhận các đóng góp của người sử dụng CSDL điện tử (tính năng “phản hồi - góp ý”) để thu thập thêm dữ liệu ngôn ngữ, hoàn thiện hơn sản phẩm từ điển và làm cơ sở cho các nghiên cứu khác.

Thiết thực, hiệu quả 

Thời gian qua, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi đã triển khai 5 lớp tập huấn hướng dẫn quản lý và khai thác CSDL điện tử cho gần 300 học viên là cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên và học sinh thuộc 5 huyện miền núi trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Yên, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Sơn Trung (Sơn Hà) chia sẻ, vì không biết tiếng Hrê nên đôi lúc tôi chưa nắm bắt hết tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh. Thông qua lớp tập huấn CSDL điện tử tiếng đồng bào DTTS, tôi biết cách sử dụng phần mềm trên ứng dụng điện thoại để tra cứu tiếng Hrê và có thể tự học phát âm tiếng Hrê ở mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Từ đó sự tương tác, giao tiếp giữa cô và trò trở nên gần gũi, gắn bó hơn.

Mã QR tải ứng dụng cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số Việt - Hrê, Việt - Co.                                                                                            Ảnh: MỸ DUYÊN
Mã QR tải ứng dụng cơ sở dữ liệu điện tử tiếng đồng bào dân tộc thiểu số Việt - Hrê, Việt - Co. Ảnh: MỸ DUYÊN

Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh  Trần Văn Mẫn (đồng chủ nhiệm đề tài) nhận định, thông qua CSDL điện tử tiếng đồng bào DTTS Việt - Hrê, Việt - Co, khoảng cách giao tiếp, ngôn ngữ giữa người Kinh và người DTTS được thu hẹp, góp phần hỗ trợ có hiệu quả cho cộng đồng người DTTS trong quá trình học hỏi, thực hành tiếng Việt, nâng cao kiến thức, tiếp cận thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, pháp luật, quốc phòng - an ninh... Ngoài ra, giúp cho cán bộ người Kinh đang làm việc tại vùng đồng bào DTTS sinh sống có thể hiểu và giao tiếp thuận lợi hơn, qua đó truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào DTTS, cũng như tiếp thu kinh nghiệm và các vấn đề của đồng bào DTTS hiệu quả hơn.

PH.DUNG - MỸ DUYÊN

TIN, BÀI LIÊN  QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:12, 11/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.