Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

09:30, 10/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)-  Phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản.  Đây là kết quả từ các chính sách hỗ trợ của Dự án 8, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I (2021 - 2025). 

Sinh con thứ 2 vào năm 2023, chị Đinh Thị Phước, ở thôn Xà Nay, xã Sơn Nham (Sơn Hà) được cán bộ hội phụ nữ xã hướng dẫn đến các cơ sở y tế để khám thai định kỳ và sinh đẻ an toàn. Sau khi sinh mổ tại bệnh viện, chị Phước còn được hỗ trợ gói chính sách sinh đẻ an toàn của Dự án 8 là 2,8 triệu đồng. “Nhờ cán bộ hội phụ nữ tuyên truyền, giúp tôi tiếp cận gói chính sách hỗ trợ sinh đẻ an toàn, nên tôi đã mạnh dạn sinh con tại cơ sở y tế. Sau sinh, sức khỏe của tôi hồi phục rất nhanh, con tôi cũng được theo dõi, chăm sóc tốt, được hướng dẫn tiêm các loại vắc xin. Vợ chồng tôi cũng quyết định chỉ sinh 2 con, để có điều kiện chăm lo cho các con, tập trung phát triển kinh tế gia đình”, chị Phước bộc bạch.

Các cơ quan, đơn vị ký cam kết hưởng ứng chiến dịch truyền thông vận động phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại cơ sở y tế. Ảnh: H.THU
Các cơ quan, đơn vị ký cam kết hưởng ứng chiến dịch truyền thông vận động phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại cơ sở y tế. Ảnh: H.THU

Không chỉ chị Phước, mà từ năm 2022 đến nay, có gần 40 trường hợp phụ nữ trong xã Sơn Nham sinh con thứ nhất và thứ 2 tại cơ sở y tế được chi trả tiền hỗ trợ sinh đẻ và chăm sóc tại nhà sau sinh. Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Nham Hà Thị Thúy Nga cho biết, gói chính sách hỗ trợ sinh đẻ an toàn của Dự án 8 hỗ trợ theo phương thức khoán cho người mẹ. Theo đó, gói hỗ trợ bao gồm hỗ trợ chi phí đi lại cho người mẹ đi khám thai tại cơ sở y tế 4 lần trong suốt thai kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hỗ trợ chi phí đi lại khi đến sinh con tại cơ sở y tế; hỗ trợ gói vật tư chăm sóc khi sinh; hỗ trợ tiền ăn cho người mẹ và người chăm sóc; hỗ trợ 1 lần lương thực, dinh dưỡng cho người mẹ nuôi con bú trong 6 tháng đầu sau sinh. Nhờ gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn mà phụ nữ địa phương có điều kiện đến các cơ sở y tế để khám thai và sinh đẻ.

Trước đây, xã Hương Trà (Trà Bồng) là một trong những địa phương có tình trạng sinh con tại nhà cao. Nhưng nhờ công tác tuyên truyền và gói hỗ trợ sinh đẻ của Dự án 8, mà nhận thức của phụ nữ ở xã về chăm sóc sức khỏe, sinh đẻ an toàn được nâng cao, giảm rõ rệt các trường hợp sinh con tại nhà.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Trà Mai Thị Xinh, xã có gần 700 hội viên phụ nữ; trong đó, đồng bào Cor chiếm 98%. Người dân còn có nhiều tập tục lạc hậu trong sinh đẻ, chăm sóc người mẹ sau sinh; đồng thời sợ tốn kém khi sinh đẻ tại cơ sở y tế, nên trước đây, đã có một số trường hợp sản phụ sinh con tại nhà tử vong. Trong 2 năm qua, phụ nữ trong xã được tiếp cận với gói chính sách hỗ trợ sinh đẻ an toàn đã góp phần giúp họ thay đổi suy nghĩ, biết quan tâm đến sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh gói hỗ trợ sinh đẻ, những năm qua, các cấp hội phụ nữ thuộc vùng Dự án 8 đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế và tập huấn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, khám, theo dõi sức khỏe định kỳ cho trẻ trong vòng 2 năm đầu đời... Từ đó, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số được tuyên truyền, tư vấn, tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn, góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong cho mẹ và con ngay từ khi mang thai, trong khi đẻ và suốt thời kỳ hậu sản.

H.THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:30, 10/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.