Tuổi thơ với trò chơi dân gian 

16:05, 19/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày trước, trẻ em tham gia nhiều trò chơi dân gian. Bây giờ, nhiều người đã lớn tuổi vẫn nhớ như in trò chơi thuở nào. 

Đối với trẻ em gái thường chơi trò nhảy dây. Một sợi dây dừa dài được hai người đứng ở hai đầu quay và những em khác vào nhảy, làm sao không vướng dây quay, rồi ra khỏi dây để em khác vào nhảy tiếp. Có khi thiếu người quay, một đầu dây buộc vào cây, và đầu dây kia chỉ một người quay. Nếu ít người thì một người quay, một người nhảy. Nếu đông người có thể hai, ba người vào cùng nhảy. Hơn thua nhau là nhảy được bao nhiêu lần theo số đếm. Trẻ em gái cũng thường chơi trò “cút kiếm”, người che mặt, kẻ chạy đi trốn để người khác đi tìm. Trẻ em nữ còn chơi trò rồng rắn, với những câu hỏi, đáp rất vui nhộn; chơi trò ô ăn quan...

Trẻ em chơi trò nhảy dây.  		                      ẢNH: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Trẻ em chơi trò nhảy dây. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Trò chơi của trẻ em trai thường thiên về sức mạnh, nào là thả diều, bắn bi, đánh đáo, chơi vụ, chơi trỗng... Ở miền Bắc, chơi vụ còn được gọi là đánh cù, tức đẽo con quay, chốt đinh, dùng dây quấn quanh, đánh xuống đất, vụ ai chạy lâu hơn là thắng. Trái vụ đẽo bằng tay, kích cỡ to, nhỏ, hình thù khác nhau. Đẽo, gọt được tròn thì trái vụ chạy tốt. Trẻ em ngày xưa có câu: “Ổi trầm, trâm chạy, duối nhảy, bời lời u”, ý nói trái vụ đẽo gọt bằng cây ổi thì chạy đằm, bằng cây trâm thì chạy lâu, bằng cây duối thì cứ chạy tưng tưng, còn bằng cây bời lời thì kêu “u” rất dài. Đánh vụ rất vui, nhưng cũng có khi tai nạn xảy ra, khi trái vụ đánh không như ý, bay thẳng vào người khác.

Còn đối với trò chơi trỗng cũng khá đơn giản. Trỗng là hai khúc cây nhẹ như cây gòn, vừa tay cầm, một khúc dài chừng 4 tấc, khúc kia dài khoảng 2 tấc. Làm trỗng chỉ cần dùng rựa chặt khúc cây vừa tầm, gọt bỏ vỏ là được. Khi chơi mỗi người cầm bộ trỗng của mình, đào một cái lỗ nhỏ và dài, đặt khúc trỗng ngắn nằm nghiêng, đầu trỗng nhô lên khỏi mặt đất. Cầm cây trỗng dài gõ lên đầu chiếc trỗng ngắn, cái trỗng ngắn tung mình bay lên không trung, tiếp tục dùng trỗng dài tưng lên trỗng ngắn vài ba lần rồi đánh cho trỗng ngắn bay thật xa. Dùng trỗng đo từ lỗ tới chỗ trỗng ngắn, vừa đo vừa đếm. Lần lượt hết người nọ đến người kia, ai đánh được trỗng đi xa hơn thì thắng.

Cánh diều tuổi thơ.  								     Ảnh: Đoàn Vương Quốc
Cánh diều tuổi thơ. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Nhiều trẻ em còn chơi trò đi cà kheo. Trẻ em đã lên tuổi “teen”, có thể chẻ tre, đục lỗ chốt, làm cặp cà kheo cho mình. Người đi cà kheo có vẻ cao lớn oai vệ, đi trên đường, đi trên bãi, thậm chí còn đi được trên mặt ruộng vừa gặt xong. Thi đi cà kheo có thể thi đi nhanh, thi đi qua địa hình khó, hoặc thi tính theo thời gian, xem ai có thể đứng trên cà kheo lâu hơn.

Tuổi mới lớn thường hiếu động, không thể ngồi yên, nên chơi những trò nghịch. Có khi đang buổi trưa trời nắng chang chang, đồng cuốc ải đất khô, bọn trẻ rủ nhau đi ném đất. Hoặc nhiều trẻ em dùng quả dầu lai khô, tròn và có khía, giữa có lỗ làm cái bánh xe, lấy que tre nhỏ chẻ đôi làm trục và cần, đẩy chạy kêu tách tách vui tai. Có khi trẻ em lượm vành xe đạp rồi dùng một cái que đẩy đi. Hầu như chỗ nào cũng có thứ để tự tạo đồ chơi. Ngày trước, điều kiện kinh tế khó khăn, không có sẵn các đồ chơi, trẻ em phải tự làm đồ chơi, hoặc nhờ người lớn làm giúp.  

Ngày nay, dù đã lớn tuổi nhưng nhiều người vẫn còn nhớ về những trò chơi thuở niên thiếu của mình, với bao nhiêu kỷ niệm đẹp. Tiếc là nhiều trò chơi dân gian nay đã vắng bóng. Một số trường học đã tạo điều kiện để học sinh tham gia các trò chơi ngày xưa như nhảy dây, đi cà kheo... Trò chơi cũng là một bộ phận của văn hóa vùng miền. Chơi các trò chơi dân gian để rèn luyện sức khỏe, đồng thời cũng là cách để trẻ em rời xa các thiết bị điện tử, nhất là trong dịp hè để các em có kỳ nghỉ đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ.

CAO CHƯ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:05, 19/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.