Sự hồn nhiên của con trẻ

14:17, 26/05/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trẻ con có một thứ “đặc quyền” mà người lớn ít khi có được, đó là sự thơ ngây, hồn nhiên làm tan chảy trái tim người khác.  Chúng là sợi dây gắn kết tình cảm vợ chồng với nhau đôi khi chỉ bằng những câu hỏi ngô nghê.
 
Chị tôi lấy chồng 6 năm không sinh nổi một mụn con, những lúc mâu thuẫn với chồng chị đều ước “giá mà có đứa con thì tốt biết bao nhiêu”. Đừng tưởng những đứa trẻ chỉ biết ăn, biết ngủ, biết vui chơi mà thôi. Chúng như những “vị thần hòa bình” trong mỗi nếp nhà để xoa dịu mọi mâu thuẫn của người lớn. Những người mẹ khôn khéo bao giờ cũng muốn lôi kéo con về phe mình và huấn luyện trẻ thành người giảng hòa chuyên nghiệp. Để lúc nóng giận còn có người kiềm lại, để khi định nặng lời, thấy nụ cười của con mà nguôi ngoai. Để trước lúc chồng đi nhậu có đứa nói “bố nhớ về sớm với con”. Để đêm khuya chưa thấy chồng về thì đã có con gọi điện thủ thỉ “con chờ bố về rồi mới ngủ”. Để người đàn ông có ham vui đến bao nhiêu cũng sẽ biết đường trở về nhà, vì con đang ngóng đợi. 
Con trẻ là vị thần của hòa giải. (Ảnh minh họa)
Con trẻ là vị thần của hòa giải. (Ảnh minh họa)

Bống 4 tuổi đã biết nhìn thái độ bố mẹ mà hiểu lúc nào nên im lặng, lúc nào thì lên tiếng. Bà nội dặn Bống lúc thấy bố mẹ đang nóng giận, cãi vã thì chớ có mè nheo, làm nũng là rất dễ bị uýnh đòn oan. Tốt nhất nên ngoan ngoãn im lặng chờ đến khi bố mẹ đã nguôi ngoai thì mới đến giảng hòa. Bống thường bảo “bố mẹ đừng cãi nhau, con không thích vậy đâu”. Cũng có khi cầm tay người này đặt vào tay người kia rồi ra lệnh rất oai “bố nắm chặt lấy tay mẹ đi”. Người lớn đừng hòng mà chạy trốn, “vị thần” hòa giải bé xíu vậy thôi nhưng lại rất bền bì kiên trì. Nói một lần không thấy bố mẹ thực hiện sẽ nói lần 2, lần 3. Nói cho đến khi người lớn cáu giận mấy cũng phải phì cười. Dĩ nhiên sẽ vẫn nguýt nhau một cái rõ dài hoặc càu nhàu vài ba câu rồi mọi chuyện mới trở lại bình thường. Bống phổng mũi ngồi giữa, 2 bên má bố mẹ thi nhau hôn hít. Công trạng này quả thật đâu có nhỏ. 

Với những ca “khó đỡ” hơn muốn giảng hòa cũng phải công phu. Làm sao tránh được những cuộc chiến tranh lạnh thỉnh thoảng lại diễn ra trong nhà. Tức là người lớn không thích nói với nhau, kể cả trong bữa cơm cũng chỉ mình bé con độc thoại. Nếu có việc gì quan trọng thì chuyển lời qua khâu trung gian chính là đứa con. Bố sai chạy lên tầng bảo mẹ “ngày mai là giỗ ông. Mẹ nhớ đi chợ sớm để mua đồ cúng cơm. Đừng quên mua quần áo giấy để đốt cho ông mẹ nhé!”. Rồi lại chạy xuống phòng khách thưa với bố “mẹ hỏi bố ngày mai mời những ai hay chỉ có anh em trong nhà để mẹ còn biết đường sắm cỗ?”. Cứ chạy qua chạy lại đến ù cả tai, nhiều khi bố mẹ ngồi ngay trong một phòng mà nghề “chuyển lời” của con vẫn không ngừng hoạt động. Nên Bống hỏi “bố mẹ kỳ lạ thật. Có việc gì sao không tự nói với nhau mà cứ sai con quay bên này, ngoảnh bên kia đến chóng cả mặt”.

Cũng có khi mẹ chỉ sai Bống đi hỏi “chiều bố có về ăn cơm không?”. Nhưng Bống lém lỉnh tự thêm thắt phần sau “mẹ dặn bố mặc ấm vào kẻo lạnh”. Hoặc có lúc bố nửa thật nửa đùa sai Bống “con bảo mẹ muốn đi đâu thì đi, đừng có dọa. Bố con mình tự chăm nhau khỏe re. Cần quái gì con nhỉ?”. Thì sang đến tai mẹ đã thành “bố bảo mẹ tối đi làm nhớ về sớm. Con đang ốm bố không biết chăm tài như mẹ đâu. Mới cả ăn cơm không có mẹ thì buồn ơi là buồn”. 

Nếu bố mẹ lỡ giận nhau mà việc ai người ấy lo. Thì bà đã dạy Bống đi chơi với mẹ chớ quên than “đi chơi thật là vui nhưng nếu có bố đi cùng thì vẫn vui hơn mẹ nhỉ?”. Đi mua đồ với bố thì bảo “con không biết chọn đồ, chỉ có mẹ là chọn đồ cho con đẹp nhất. Con muốn cả nhà mình cùng đi mùa đồ xinh”. Thực tế cho thấy những lời nói thơ ngây của con trẻ hiệu nghiệm hơn mọi lời hòa giải.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:17, 26/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.