(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, trong đó có nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Hỗ trợ khởi nghiệp
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn hỗ trợ tư vấn kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu... nhằm nâng cao năng lực, kiến thức cho phụ nữ để phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Võ Thị Anh Trâm cho biết, năm 2023, Hội LHPN tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho 257 phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức hoạt động “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, kết nối đầu tư, phát huy tài nguyên bản địa”, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Trưng bày, giới thiệu 15 gian hàng với hơn 150 sản phẩm tiêu biểu từ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống, gắn với kết nối sản phẩm đặc trưng của địa phương, giới thiệu tham quan học tập mô hình. Ngoài ra, hội còn tổ chức cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023, tiếp nhận hơn 40 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, có 217 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ vốn, kiến thức, kết nối sản phẩm, giới thiệu tham quan học tập mô hình và biểu dương, tôn vinh 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiêu biểu. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 242 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp được thành lập, duy trì và phát triển, tiêu biểu tại các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi.
Những mô hình hiệu quả
Chị Ngô Thị Yến Nhi, ở thôn An Hội Bắc 3, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) là một trong những gương điển hình về phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Qua tìm hiểu về nấm bào ngư phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương, hàm lượng dinh dưỡng cao, nuôi trồng không sử dụng phân, thuốc, năm 2019, chị Nhi đã mua phôi và đầu tư nhà nấm 100m2 để nuôi trồng 10 nghìn phôi nấm. Năm 2022, chị đã xây dựng thêm xưởng sản xuất phôi giống với công suất 20 nghìn phôi/tháng.
Sau 4 năm gây dựng, đến nay, chị Nhi đã sở hữu 3 nhà nuôi trồng nấm bào ngư với 5.000 phôi nấm/nhà nuôi và xưởng sản xuất phôi giống 20 nghìn phôi/tháng. Hiện cơ sở sản xuất nấm của chị tạo việc làm cho 8 lao động; trong đó có 6 lao động nữ, thu nhập bình quân 160 nghìn đồng/người/ngày. Sau khi trừ chi phí, chị thu lãi 250 triệu đồng/năm. Trong năm 2024, chị Nhi định hướng mở rộng thêm xưởng sản xuất phôi để nâng công suất từ 20 nghìn phôi lên 40 nghìn phôi nấm và nhân rộng mô hình nuôi trồng nấm cho các hộ gia đình ở địa phương.
Còn chị Thượng Thị Bình Uyên, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) khởi nghiệp với mô hình sản xuất các sản phẩm từ cá bống Sông Trà. Phát huy lợi thế về đặc sản sẵn có của tỉnh đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng lâu nay, chị Uyên có ý tưởng kết hợp cá bống với gạo nếp để tạo ra sản phẩm cơm cháy cá bống và kết hợp với các loại bột để tạo ra sản phẩm bánh phồng cá bống. Từ ý tưởng đó, sau hơn 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm chế biến, tìm mua nguyên vật liệu, máy móc, cuối cùng chị đã sản xuất thành công các sản phẩm, được khách hàng ưa chuộng. Các sản phẩm được cung ứng trên toàn quốc với số lượng hơn 10 nghìn sản phẩm/năm. Chị Uyên cho biết, năm 2023, cơ sở của tôi sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 10 nghìn sản phẩm; sau khi trừ chi phí thu về hơn 200 triệu đồng. Hiện tại, cơ sở sản xuất giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương. Sắp tới, cơ sở đầu tư thêm máy móc, thiết bị với công suất lớn để đủ cung cấp sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.
Sản phẩm trà linh chi thảo mộc do cơ sở của chị Phạm Thị Thanh Hằng sản xuất. |
Chị Phạm Thị Thanh Hằng, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) thì triển khai dự án “Trà linh chi thảo mộc”. Trà linh chi thảo mộc là sản phẩm đầu tiên trên thị trường có sự kết hợp của linh chi và các loại thảo mộc như đậu đỏ, đậu đen, gạo lứt, gừng, hoa lài, cam thảo; là sản phẩm tốt cho người tiêu dùng. Nhờ ứng dụng các loại máy móc trong quá trình chế biến như máy sấy, máy sao, máy trộn nguyên liệu, đã tăng tính đồng đều cho sản phẩm. Sau những cố gắng không ngừng, đến nay, sản phẩm trà linh chi thảo mộc của chị Hằng đã được tiêu thụ nhiều trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Chị Hằng chia sẻ, dự án Trà linh chi thảo mộc đã cho kết quả ngoài mong đợi. Ước tính đến nay, trà linh chi thảo mộc đã bán ra thị trường hơn 5.000 hũ. Năm 2024, cơ sở sẽ liên kết thêm với nhiều hộ nông dân tại địa phương để mở rộng vùng trồng, có thêm nguồn nguyên liệu cho sản xuất và xuất bán sản phẩm ra thị trường nhiều hơn; đồng thời mở rộng thêm nhà xưởng để bảo quản sản phẩm. Cùng với đó, tôi cùng các anh chị trong câu lạc bộ khởi nghiệp của tỉnh truyền cảm hứng cũng như giúp cho các chị em phụ nữ có thể khởi nghiệp và tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình của mình.
Chị Đỗ Thị Mỹ Lợi với các sản phẩm thêu tay trên phụ kiện. |
Hay như chị Đỗ Thị Mỹ Lợi, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) khởi nghiệp thành công với mô hình kinh tế thêu tay trên phụ kiện. Chị Lợi cho biết, nắm bắt từ nhu cầu của khách hàng mong muốn có những sản phẩm thêu tay nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân mà không bị trùng lắp, tôi mạnh dạn thành lập cơ sở thêu tay. Cơ sở thành lập vào tháng 6/2023. Mỗi tháng, thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Cơ sở đã sản xuất hơn 1.000 sản phẩm để cung cấp ra thị trường; giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương.
Trên đây là các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của phụ nữ trên địa bàn tỉnh được Hội LHPN tỉnh biểu dương, tôn vinh trong Chương trình “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh năm 2023. Qua đó, cho thấy chị em phụ nữ đã phát huy ý tưởng sáng tạo của bản thân; mạnh dạn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; mang lại hiệu quả cho gia đình và địa phương; tạo nguồn cảm hứng tích cực lan tỏa đến nhiều chị em khác trong tỉnh cùng khởi nghiệp để phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: