(Báo Quảng Ngãi)- Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bình Sơn đã tập trung giải ngân cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là chính sách tín dụng giúp người hoàn lương có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng.
Trước đây, trong một phút nông nổi anh T (35 tuổi), ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đã vướng vào vòng lao lý. Nhờ cải tạo tốt, anh T đã được trả tự do sớm. Trở về quê, anh T chí thú làm ăn, cùng với người cha của mình hằng ngày chèo thúng ra biển đánh bắt cá, mực.
Tuy nhiên, do thiếu vốn mua sắm ngư lưới cụ nên hiệu quả đánh bắt chưa cao. Vì vậy, khi biết có chính sách cho vay theo Quyết định số 22, gia đình anh T đã đăng ký vay vốn. Sau khi được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn cho vay 50 triệu đồng, anh T mua thêm ngư lưới cụ để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản.
Anh T chia sẻ, trong thời gian tôi đi tù, ba mẹ tôi ở nhà rất khổ tâm, vất vả. Tôi không muốn cảnh này lặp lại nên quyết tâm tu chí làm ăn. Hy vọng nguồn vốn này giúp tôi làm ăn ngày một hiệu quả để gia đình có thu nhập, có tiền trả nợ ngân hàng. Tôi cũng mong muốn mọi người xung quanh cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bình Sơn giải ngân cho vay vốn theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. |
Gia đình anh T.T, ở thôn Châu Thuận Tây, xã Bình Thuận (Bình Sơn) cũng vừa được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn giải ngân 70 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Chị T.T.L (vợ anh T.T) tâm sự, do mâu thuẫn đất đai trong gia đình, dẫn đến xô xát. Trong lúc nóng giận, chồng tôi đã gây thương tích cho người khác, sau đó bị xử phạt 8 tháng tù treo. Vợ chồng tôi có tàu đi biển, sau khi chấp hành xong án phạt, được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, chúng tôi rất mừng. Với số vốn này, vợ chồng tôi đầu tư thêm ngư lưới cụ để hành nghề biển.
Theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.
Mức cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người; mức cho vay để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người, 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở. Lãi suất cho vay bằng lãi suất vay dành cho hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (hiện tại là 6,6%/năm).
Tính đến thời điểm này, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 12 trường hợp vay, với tổng dư nợ 800 triệu đồng. Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã xây dựng đề án nguồn vốn để đảm bảo trong thời gian tới đáp ứng đủ nhu cầu của đối tượng này.
|
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Mười cho biết, thực hiện Quyết định số 22, phòng giao dịch đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương, công an xã cùng ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành rà soát, xác định đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách có nhu cầu vay vốn để sớm cho vay. Hiện phòng giao dịch đã giải ngân cho 2 trường hợp vay, với tổng dư nợ 120 triệu đồng.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho các trường hợp chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này", ông Mười cho hay.
Theo Công an huyện Bình Sơn, toàn huyện hiện có 173 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thuộc diện quản lý của Công an huyện. Để các đối tượng này tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi theo Quyết định số 22, Công an huyện đã tổ chức quán triệt cho công an các xã, thị trấn mời những người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống ở địa phương đến tuyên truyền, phổ biến chính sách này. Hằng tháng, công an xã sẽ lập danh sách các hộ đủ điều kiện vay vốn gửi Ngân hàng CSXH để thẩm định, xét duyệt hồ sơ cho vay.
Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được ban hành nhằm tạo điều kiện giúp gia đình có người mãn hạn tù tiếp cận nguồn vốn để học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: