Gia đình chị Nương có nghề làm bánh tráng truyền thống đã mấy chục năm, nhưng với phương pháp làm thủ công, không thể mở rộng quy mô sản xuất. Bởi vậy, năm 2016, chị Nương bàn bạc với gia đình đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng máy móc hiện đại để nâng cao năng suất. “Tôi đầu tư máy móc khoảng 100 triệu đồng, trung bình mỗi ngày làm ra gần 5.000 chiếc bánh tráng mỏng, riêng tháng cuối năm, sản xuất hơn 10 nghìn chiếc/ngày. Dù làm bằng máy móc, quy trình hiện đại nhưng những chiếc bánh tráng mỏng ở cơ sở sản xuất của gia đình tôi vẫn giữ được hương vị thơm ngon và độ dẻo đặc trưng. Bí quyết nằm ở việc lựa chọn gạo, thời gian ngâm và vo gạo”, chị Nương cho biết.
Chị Lê Thị Mỹ Nương, ở thôn Hương Nhượng Nam, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) phát triển kinh tế nhờ sản xuất bánh tráng mỏng. |
Với chất lượng thơm ngon, giá cả phải chăng nên những chiếc bánh tráng mỏng của cơ sở chị Nương được nhiều đại lý, tiểu thương nhập hàng. Cơ sở hiện tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động nữ ở địa phương. Từ nghề làm bánh tráng, các phụ phẩm trong sản xuất như nước vo gạo, vụn bánh tráng thừa, chị Nương tận dụng làm thức ăn cho bò. Hiện chị đang chăn nuôi 6 con bò thịt theo hình thức gối đầu, trung bình mỗi năm xuất bán 6 con với lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/con. Chị Nương cho biết, nghề làm bánh tráng mỏng mang lại nguồn thu nhập khá ổn định, các phụ phẩm trong quá trình sản xuất còn được tận dụng để chăn nuôi. Từ mô hình này, gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng/năm. Thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục thăm dò thị trường để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Đông Trương Thị Kiều cho biết, chị Nương là hội viên phụ nữ trẻ ở địa phương có mô hình kinh tế hiệu quả, ổn định. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà chị Nương còn giúp nhiều phụ nữ nông thôn lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn có việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Bài, ảnh: H.THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: