Gian bếp ngày xưa ở xứ Quảng

09:07, 05/10/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng nhiều người vẫn không thể quên căn bếp thuở xưa. Không gian bếp tuy giản đơn nhưng ấm áp, đong đầy tình yêu thương trong mỗi gia đình.  

Ngày xưa, căn bếp được tổ chức làm 3 tầng. Tầng dưới cùng là nơi cất giữ các nông sản ở dạng hạt, củ, quả và là nơi sơ chế các món ăn cho gia đình, để chum đựng nước, mo đài bằng cau và gáo dừa để múc nước, các loại dao...  Tầng tiếp theo để trữ củi khô dùng cho việc đun nấu, là không gian quan trọng và linh thiêng, thờ cúng ông Táo. Nơi đây để đun nấu, đặt các loại nồi niêu, dụng cụ chứa đựng và chế biến thức ăn để chuẩn bị cho bữa ăn hằng ngày. Tầng trên cao là giàn bếp và vách bếp với những dụng cụ quen thuộc, đặc biệt là chiếc rế treo nồi làm bằng mây, tre để tránh chó mèo. Trên vách bếp treo nhiều vật dụng nhà bếp và dụng cụ lao động sản xuất bằng mây, tre đan như nơm úp cá, nhủi xúc cá, giỏ đựng cá... Ngoài ra, các loại hạt giống cũng được dự trữ, bảo quản tại nơi đây cho mùa vụ gieo trồng tiếp theo. Tất cả công cụ đan lát đều được treo ở giàn bếp để khói bếp tạo lớp bảo vệ chắc chắn, giúp các dụng cụ này tránh được mối, mọt. Văn hoá ẩm thực đặc thù vùng nông nghiệp trồng trọt với ấm nước chè nóng luôn sẵn có trên bếp, với hũ mắm treo đầu giàn, hay cơi thuốc lá bó sẵn treo vách bếp.

 
Tủ mèo, một phương tiện phổ biến trong nhà bếp.
Tủ mèo, một phương tiện phổ biến trong nhà bếp.
Đi cùng gian bếp có một vật dụng thân thuộc không thể thiếu trong mỗi gia đình vùng quê xứ Quảng, đó là chiếc “tủ mèo”. Có thể ở những vùng khác nó được gọi bằng nhiều cái tên khác, nhưng với người dân xứ Quảng thì rất thực tế, từ mục đích dùng để cất gia vị, thức ăn, chén bát... để tránh chó mèo, nên nó được gọi với cái tên “tủ mèo”. Cạnh gian bếp là bàn ăn cơm - nơi cả gia đình quây quần dùng cơm, trò chuyện sau những giờ lao động mệt nhọc với mâm cơm dân dã.  
Tủ mèo, một phương tiện phổ biến trong nhà bếp.
Những vật dụng quen thuộc ở góc bếp xưa. 

Gian bếp không thể thiếu chiếc cối xay bằng đá dùng để xay đậu, xay bột tráng bánh xèo, làm bánh để cúng cơm mới, cúng ông bà, cúng tiền hiền khai khẩn, cúng thần hoàng... cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng sau bội thu. Nó là dụng cụ rất hữu ích của các bà, các mẹ quê để làm nên những món ăn bình dị cho gia đình. Bên trong, cạnh chái bếp là những dụng cụ lao động của nông dân như cuốc, rựa, rìu, quang gánh, thúng, mũng, gàu giai, gàu sòng tát nước. Đôi quang gánh là phương tiện để người dân gồng gánh những bó rau tươi xanh, những gánh hoa màu từ đồng ruộng về nhà và gánh những mũng trái cây đầy ắp từ vườn vào nhà, từ nhà ra chợ...

 Bàn ăn ở vùng thôn quê ngày xưa.
Bàn ăn ở vùng thôn quê ngày xưa.

Bếp là không gian sinh tồn của người Việt, nơi hình thành nếp sống, truyền thống văn hóa của từng gia đình. Ngày nay, dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay, căn bếp với nhiều vật dụng tiện lợi, sang trọng, song nhiều người vẫn nhớ mãi không gian bếp xưa. Ngọn lửa trong từng gian bếp ở miền quê một thời vẫn sưởi ấm, tiếp sức cho nhiều người trong hành trình đi đến tương lai.

Bài, ảnh: TẤN VỊNH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:07, 05/10/2023
TỪ KHÓA: Quảng Ngãi ấm áp

Ý kiến bạn đọc


.