(Báo Quảng Ngãi)- Thuở xưa, đời sống còn khó khăn, người dân thường đi đánh bắt cá dưới các sông, suối để phục vụ bữa ăn gia đình. Vì thế, dụng cụ và cách đánh bắt cá của người xưa cũng rất phong phú.
Tú tài Đinh Duy Tự, người làng Trà Bình Trại, một nhà nho ẩn thân nơi đồng quê hồi thế kỷ XIX, có bài vịnh cảnh bắt cá ở đập Ông Cá quê ông, với những câu thơ biếm mang đậm sắc thái dân dã: “Bấy lâu khao khát chỉ canh rau/ Làng xóm rủ nhau rập cá bàu/ Trai để lưng trần dò dẫm bước/ Gái dầm quần ướt đuổi theo sau”. Bắt cá kiếm thực phẩm tươi, còn là một thú vui, gợi hứng cho văn chương.
Cá sống trong nước, nhìn thấy đó, nhưng bắt được cá không dễ. Để đánh bắt cá ở xứ đồng, người ta phải có các công cụ khác nhau. Đi câu là hình thức phổ biến. Cắm câu là cách dùng nhiều cần câu ngắn, chiều chiều cắm vào bờ mương, bờ suối, sáng hôm sau ra nhổ cần, những con cá ham ăn mắc vào lưỡi câu móc mồi. Còn úp nơm thì dùng ở nơi có nước cạn, vừa đi vừa úp, cá nằm trong nơm giãy đành đạch, người úp nơm thò tay vào bắt. Khi xưa, ở sông Kinh, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), khi triều xuống có nhiều người đánh nơm, nên mới có câu: “Đoàn người Đồng Nón đi nơm ban chiều”.
Hiện nay, người dân ở khu vực Cửa Đại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) vẫn dùng cách thả rớ để bắt tôm, cá. Ảnh: PV |
Đối với vùng nước sâu thì dùng ghe rải lưới một khoảng dài trên mặt nước, dùng dầm gõ đập mạnh cho cá sợ chạy mắc vào lưới, rồi thu lưới bắt cá. Với nơi có nước chảy mạnh, cá theo nước “ngao du”, thường trong mùa mưa lũ, người ta đi kéo nhá, kéo vó. Nhá hay vó đều là lưới hình vuông, có 4 gọng tre móc vào cần kéo. Nhá hay vó thả xuống nước, một hồi lâu lại kéo lên, cá nằm trong phạm vi mặt lưới không thoát ra được, người ta bắt cá, bỏ vào đụt. Đặt lờ cũng là một cách bắt cá...
Có nhiều cách và nhiều công cụ bắt cá, tùy theo điều kiện ở từng vùng, từng loại cá. Còn có cách bắt cá không cần dùng công cụ, đó là tát cá.
Thời xưa, con người ta không có nhiều công cụ, nên cách bắt cá rất đơn giản. Trong môi trường nước hẹp và cạn, như đìa, bàu, ao hồ khô dần, người ta dùng cách tát nước bắt cá, nói gọn là tát cá. Liệu sức chỉ vài người thôi không thể tát cạn nước, người ta rủ anh em, bạn bè hàng xóm để cùng tát, cùng bắt và cùng chia cá. Cũng có khi khoảng nước quá lớn, cả xóm rủ nhau đi tát cá. Người ta áng chừng khoảng nước có thể tát cạn, dùng cuốc, hoặc đơn giản là bàn tay móc bùn lên tạo bờ ngăn, từ đó tát cho hết nước chỗ mình định bắt cá. Be bờ xong, người dùng gàu sòng, kẻ dùng thau chậu tát cho đến khi hết nước. Nhiều người thấy tát nước bắt cá xúm lại xem, trầm trồ vui như hội. Khi nước cạn, cá bắt đầu “lộ diện”, những con cá to chạy qua chạy lại tìm nguồn nước. Bấy giờ, người ta mới bắt đầu bắt cá.
Một khoảng nước thường đủ loại cá, nào là cá tràu, cá trê, cá rô... Có loại cá vùi sâu trong bùn là cá chạch, muốn bắt được phải dùng tay bới bùn. Thường thì người nào tham gia be bờ tát nước thì người ấy mới được bắt cá. Tuy nhiên, cũng có người đứng trên bờ đến khi nước cạn có nhiều cá, bèn nhảy xuống bắt. Cũng có người đợi nhóm người tắt nước bắt cá xong hết thì mới xuống mót cá, đôi khi cũng bắt được những con cá to. Cũng có khi do be bờ cao, khoanh khoảng nước quá rộng, suốt buổi lo tát cho hết nước, đến khi nước gần hết thì do mực nước chênh nhau quá cao, nước bẻ bờ ào trở lại chỗ cũ, thành ra công cốc, ai nấy tiu nghỉu mang giỏ, đụt ra về. Ngẫm mà thấy vui! Tát nước bắt cá có lẽ là loại hình đánh bắt xưa nhất, gắn với đời sống của người dân quê.
CAO CHƯ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: