(Báo Quảng Ngãi)- Giữa khói lửa chiến tranh, nhiều chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, chỉ có thể “gặp nhau” qua những dòng thư chứa chan tình yêu và nỗi nhớ. Những lá thư tay ấy đã tiếp thêm sức mạnh để họ hướng về nhau, một lòng đợi chờ nhau...
Vườn nhà của vợ chồng ông Bùi Quốc Thìn (71 tuổi) và bà Võ Thị Phương (75 tuổi), ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), lúc nào cũng thơm ngát hương hoa, với hàng trăm chậu hoa khoe sắc. Ở tuổi xế chiều, ông bà vẫn thường dắt nhau đi tập thể dục mỗi ngày, cùng nương tựa, chăm sóc nhau và gọi nhau là anh - em rất đỗi ngọt ngào.
Vượt qua bao khó khăn để đến với nhau, ông Bùi Quốc Thìn và bà Võ Thị Phương, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), luôn trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau. |
Ông Thìn, bà Phương đều là thương binh 3/4. Đã gần nửa thế kỷ kể từ ngày về sống chung dưới một mái nhà, ông bà vẫn còn nhớ như in về những ngày đầu gặp gỡ nhau tại vùng đồi núi hiểm trở của huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) vào năm 1973. “Là chiến sĩ của Trung đoàn 271, với nhiệm vụ chủ yếu vừa bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vừa sẵn sàng cơ động vào chiến trường miền Nam, tôi cùng đồng đội nhiều lần vào chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Vợ tôi, khi đó là y tá của Bệnh xá B21 (Tỉnh đội Quảng Ngãi). Chúng tôi gặp nhau khi cùng thực hiện nhiệm vụ tại Bắc Trà My và yêu nhau từ lúc ấy. Sau đó, tôi và vợ mỗi người một ngả, bởi mỗi người đều gánh trên vai nhiệm vụ riêng. Để giữ liên lạc, chúng tôi vẫn thường gửi thư qua lại cho nhau. Giữa chiến tranh khói lửa, thư có lúc đến tay, có lúc không. Mỗi lần nhận được thư, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc, vì biết rằng người thương vẫn còn sống... ”, ông Thìn bùi ngùi kể lại.
Không có cơ hội gặp được nhau, người chiến sĩ trẻ của Trung đoàn 271 và nữ y tá của Bệnh xá B21 ngày đó đã “gói ghém” yêu thương, nhung nhớ qua những lá thư viết tay. Giữa chiến tranh ác liệt, từng lá thư viết tay vội vàng, được ông bà gửi nhờ đồng đội mang đến cho "nửa kia" của mình đang chiến đấu ở mặt trận khác. Có những lá thư, gửi đi gần nửa năm mới nhận được. Dẫu xa cách, nhưng họ vẫn luôn thủy chung, đợi chờ nhau.
“Gần 3 năm yêu nhau và thư từ qua lại, anh vẫn luôn khẳng định chắc nịch trong thư rằng, ngày độc lập, miễn anh còn sống, nhất định sẽ vào Quảng Ngãi để tìm tôi. Trong mỗi bức thư, chúng tôi luôn động viên nhau, cầu mong cả hai còn sống đến ngày nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất. Tình yêu thời chiến tranh là thế, luôn lo nghĩ cho nhau, cầu mong còn được nhìn thấy nhau là đủ rồi”, bà Phương rưng rưng.
Hòa bình lập lại, thực hiện theo đúng lời hứa hẹn đã viết trong thư, ông Thìn rời quê hương Hà Tĩnh vào Quảng Ngãi tìm người con gái mình thương. Một đám cưới giản dị, ấm cúng giữa hai thương binh 3/4 đã diễn ra ngay sau đó, trong sự chúc phúc của đồng đội, gia đình. Ngày về chung một nhà, cả hai thầm cảm ơn nhau. Bà cảm ơn ông vì đã trở lại Quảng Ngãi tìm bà. Ông Thìn cũng thầm cảm ơn vợ, vì tuổi xuân ngắn ngủi, nhưng bà vẫn tin tưởng đợi chờ ông, dẫu cả hai chỉ liên lạc, gửi gắm yêu thương qua những bức thư.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thái và ông Hồ Minh Lan có với nhau 3 người con là Thiên Ấn, Thiên Trà và Thiên Phong. Lý giải về tên của các con mình, bà Thái cười bảo, chồng tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, nhưng yêu và chọn ở lại quê hương của vợ mình. Ông lấy núi Ấn, sông Trà đặt tên cho con trai đầu và con trai giữa, còn con trai út thì lấy chữ Phong trong địa danh Phong Điền - quê hương của ông. Tình yêu thương của ông dành cho mẹ con tôi và rộng hơn là yêu mảnh đất Quảng Ngãi, cứ dạt dào như thế! |
Ở tuổi xế chiều, bà Nguyễn Thị Thái, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) vẫn lần giở những lá thư mà chồng gửi cho bà từ cách đây hơn 40 năm để đọc. Ảnh:Ý THU |
Chồng của bà Nguyễn Thị Thái là ông Hồ Minh Lan, nguyên Chính trị viên Trung đoàn 94. Gần 2 năm sau ngày giải phóng, ông Lan cùng bà Thái nên duyên vợ chồng. Nhưng hạnh phúc của ông bà vẫn chưa thể trọn vẹn khi đất nước vẫn chưa bình yên. Để lại người vợ trẻ đang mang thai đứa con đầu lòng, ông Lan lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam. Suốt những năm cùng đồng đội bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, ông đã gửi về cho vợ hàng trăm lá thư. Nhận được thư của chồng, bà Thái cất giữ cẩn trọng và xem như kỷ vật quý báu. Ông Lan cũng vậy, luôn trân trọng giữ gìn những lá thư của vợ. Ngày đoàn tụ, ông bà vỡ òa hạnh phúc.
“Ông bảo, ông không nghĩ rằng, ở quê nhà, tôi một thân một mình vừa lo kinh tế, vừa chăm con nhỏ cực nhọc, nhưng vẫn tỉ mỉ giữ gìn kỹ lưỡng từng lá thư, thậm chí còn ghi chú vào đấy ngày giờ nhận được thư của chồng. Còn tôi, tôi cũng bất ngờ, khi chồng mình chiến đấu vào sinh ra tử, gian truân đủ điều, nhưng vẫn giữ đầy đủ những lá thư tôi viết. Chúng tôi trân trọng nhau trân trọng từng lá thư của nhau và xếp ngay ngắn vào trong một chiếc hộp giấy, để giữ lại kỷ niệm của những năm tháng đầy gian khổ nhưng tự hào”, bà Thái xúc động kể.
Cầm trên tay những lá thư đã ố vàng theo thời gian, bà Thái bảo, những lá thư của chồng là niềm động viên đối với bà khi còn trẻ, nay lại tiếp tục tiếp sức để bà vượt qua những năm tháng tuổi già xa ông. Chồng trở về với "đất mẹ" cách đây 7 năm cũng là ngần ấy thời gian bà Thái dành thời gian đọc lại những lời dặn dò, động viên, an ủi mà ông viết cho bà ngày trước để có thêm động lực sống hạnh phúc, bình an bên con cháu mỗi ngày.
Bà Thái bảo, những lá thư này không còn là thư riêng tư của hai vợ chồng, mà đó chính là tài sản tinh thần quý giá mà bà cùng chồng để lại cho con cháu mình. “Những lá thư tràn ngập sự lo lắng, quan tâm của chồng tôi khi nghe tin con trai bị đau. Những chia sẻ, quan tâm của anh dành cho tôi nơi quê nhà. Những dòng thông báo đầy vui mừng của tôi đến anh, khi sức khỏe của mẹ chồng có tiến triển, khi tôi hóa giải được khúc mắc để mẹ không còn giận anh... Những tình cảm ấy, tôi rất mong muốn con cháu khi đọc sẽ thấu hiểu và yêu thương, quan tâm nhau như vậy”, bà Thái bộc bạch.
Bài, ảnh: Ý THU