(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường thực hiện giảm nghèo về thông tin, giúp người dân tiếp cận các thông tin về chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo... Đây là nhiệm vụ quan trọng, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Đinh Thêm (57 tuổi), ở thôn Hà Liệt, xã Long Hiệp (Minh Long), vừa đầu tư hơn 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi heo kiên cố. Ông Thêm vui mừng cho biết, tôi xem tivi, xem báo thấy mô hình nuôi heo sinh sản ở xã Trà Phú (Trà Bồng) mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi heo thịt. Vậy nên, vợ chồng tôi quyết định thay đổi tập quán nuôi heo thả rông và mạnh dạn đầu tư vào chuồng trại để phát triển chăn nuôi theo hướng mới.
Nhờ nhạy bén tiếp cận các thông tin về thị trường và sản xuất trên Internet, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên đã phát triển được nhiều sản phẩm chất lượng. Ảnh: Ý THU |
Từ lâu, ông Thêm cũng như nhiều hộ dân người Hrê ở địa phương giữ tập quán nuôi heo thả rông ngoài vườn, thay vì làm chuồng trại để nuôi nhốt. Với cách chăn nuôi này, bình quân mỗi năm, ông chỉ thả nuôi từ 1- 2 con heo nái sinh sản. Sau khi có chuồng trại, ông Thêm mở rộng quy mô, nuôi 13 con heo nái. Cùng với đó, ông tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi. Sau hơn 1 năm, mô hình chăn nuôi heo sinh sản của ông Thêm bước đầu phát triển tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình ông.
Còn tại xã Sơn Liên (Sơn Tây), những năm qua, các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên cùng nhiều hộ dân nơi đây đã học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm thông qua mạng xã hội. “Từ khi thành lập đến nay, HTX đã sử dụng mạng xã hội như một kênh bán hàng chủ yếu. Thông qua mạng xã hội, những sản phẩm của HTX đã đến với nhiều khách hàng ở đồng bằng. Cùng với đó, nhiều kiến thức bổ ích về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản cũng được HTX tìm kiếm, chọn lọc và học hỏi trên môi trường mạng”, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết.
Sau hơn 3 năm thành lập, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên hình thành và phát triển được nhiều nhóm hộ sản xuất, gắn với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi như ổi, bưởi, heo ky, bò... Trong đó, nổi bật là nhóm liên kết trồng ổi đã phát triển được 4ha ổi và hiện đã cho thu hoạch bình quân 4 tấn/tháng. Sản phẩm này đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap và truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch và mã QR. Điều quan trọng nhất là, mô hình này đã mang lại thu nhập bình quân cho các thành viên của nhóm trồng ổi hơn 5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập ổn định đối với người dân vùng cao.
"Khi chưa tham gia nhóm trồng ổi, vườn nhà tôi chủ yếu trồng mì. Thu nhập từ cây mì không đủ để tôi trang trải cuộc sống. Hơn nữa, cây mì thường xuyên bị dịch bệnh. Từ khi tham gia trồng ổi Soli, tôi có thu nhập ổn định và không phải đi làm thuê nữa. Trái ổi mà tôi trồng ra còn được gắn mã QR, được bán qua mạng. Đây là những kiến thức sản xuất hoàn toàn mới mẻ, mở ra hướng đi mới cho chúng tôi”, anh Đinh Văn Thiếu, ở xã Sơn Liên, phấn khởi nói.
Giảm nghèo về thông tin là một trong những tiểu dự án quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Theo Sở TT&TT, để người dân không thiếu hụt về thông tin, việc phổ cập dịch vụ Internet, phổ cập mạng di động và đưa thông tin về cơ sở... có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Trong giai đoạn từ năm 2021- 2025, Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin thực hiện hỗ trợ người dân tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ viễn thông. Cùng với đó, tăng cường cung cấp thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động sản xuất cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Trong năm 2023, tổng kinh phí thực hiện tiểu dự án giảm nghèo về thông tin trên địa bàn tỉnh hơn 2,3 tỷ đồng, tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông, sản xuất mới các tác phẩm báo chí để cung cấp thông tin thiết yếu và nâng cấp, chuyển đổi đài truyền thanh xã sang công nghệ ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông. Trong đó, nhiệm vụ nâng cấp, chuyển đổi đài truyền thanh xã là trọng tâm, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Sở TT&TT đã phân bổ kinh phí và đang khảo sát vị trí lắp đặt 56 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 6 huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và Lý Sơn.
ĐÔNG YÊN - THÙY DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: