(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ cần yêu thương và thấu hiểu thì mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu luôn khăng khít, cùng nhau vun vén mái ấm gia đình hạnh phúc, ấm êm.
Gần 10 năm trôi qua kể từ ngày chị Nguyễn Thị Hồng về làm dâu gia đình bà Nguyễn Thị Trưng, ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa). Suốt ngần ấy thời gian, hàng xóm láng giềng chưa bao giờ nghe hai mẹ con bà Trưng lời qua tiếng lại. Tình cảm mà bà Trưng và chị Hồng dành cho nhau không khác gì ruột thịt, như mẹ và con gái.
Niềm hạnh phúc của bà Nguyễn Thị Trưng là con cháu quây quần bên nhau. Ảnh: Hiền Thu |
Vừa đi làm đồng về, bà Trưng đã vội hỏi chị Hồng đã nấu nướng gì cho bữa trưa chưa, để bà vào phụ giúp. Đối với bà Trưng, không có phân chia công việc nào là của con dâu, công việc nào của mẹ chồng, mà suốt nhiều năm qua, hai mẹ con bà luôn san sẻ, cùng nhau gánh vác trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. “Vợ chồng tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái và đều đã lập gia đình. Hai người con trai sau khi lấy vợ đều ở chung với vợ chồng tôi. Vài năm trước vì nhà có thêm nhiều thành viên, các cháu lần lượt ra đời, không gian sống chật chội nên vợ chồng con trai thứ xin ra ở riêng, còn vợ chồng Hồng thì vẫn ở chung với tôi. Từ ngày đầu về làm dâu nhà tôi cho đến giờ, tôi không bao giờ có suy nghĩ áp đặt, hà khắc với con dâu mà ngược lại, tôi luôn mở lòng, chủ động tâm sự, trò chuyện, lắng nghe các con”, bà Trưng bộc bạch.
Theo bà Trưng, với vai trò là người mẹ, là người đi trước nên mẹ chồng phải yêu thương, chia sẻ với con dâu, nhất là những giai đoạn đầu, lúc con mới bỡ ngỡ về chung sống với gia đình. Không chỉ quan tâm, chia sẻ bằng lời nói mà còn phải thể hiện bằng hành động, san sẻ việc nhà và chuyện chăm sóc con cháu cùng với con dâu.
Từ sự yêu thương, mở lòng của mẹ chồng mà gần 10 năm làm dâu, chị Hồng không bị áp lực, gia đình chồng trở thành tổ ấm hạnh phúc. Chị Hồng là thợ may, lập gia đình năm 20 tuổi. Còn trẻ tuổi nên việc ứng xử với họ hàng, quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái... mọi thứ đều mới mẻ với chị. “Tôi lấy chồng mà chưa có nhiều kiến thức về việc chăm sóc gia đình, làm con dâu, làm mẹ. Thế nhưng, tôi may mắn có được người mẹ chồng tâm lý, luôn chỉ dạy và yêu thương tôi. Điều gì tôi chưa biết, chưa hiểu, mẹ luôn ân cần giải thích, hướng dẫn tận tình. Mỗi khi tôi và chồng có chuyện mâu thuẫn, không vui, cũng chính mẹ là cầu nối để hàn gắn chúng tôi”, chị Hồng xúc động nói.
Kể về cô con dâu Nguyễn Thị Minh Hằng, hiện làm dược sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phúc Hưng, bà Huỳnh Thị Hà, ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), nhiều lần rơi nước mắt vì tình cảm của mẹ con bà không phải là mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu mà như người bạn tâm giao, không khác gì con gái và mẹ đẻ. Bà Hà chia sẻ, Hằng về làm dâu gia đình tôi từ năm 2017.
Bà Huỳnh Thị Hà và con dâu Nguyễn Thị Minh Hằng, ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), cùng nhau chăm sóc vườn cây của gia đình. Ảnh: Hiền Thu |
Khoảng hơn 2 năm đầu, con trai tôi chưa sắp xếp được công việc nên vẫn phải ở lại TP.Hồ Chí Minh, còn con dâu thì ở quê cùng với gia đình chồng. Những ngày đầu về làm dâu, Hằng không có chồng bên cạnh nên người làm mẹ như tôi thấy thương con dâu. Lúc con mang thai rồi sinh con, tôi luôn kề cận, chăm sóc để con không có cảm giác tủi thân. Trong suy nghĩ của tôi, Hằng là đứa con không phải tôi mang nặng đẻ đau, nhưng đã yêu thương con trai tôi và về chung sống, làm con của vợ chồng tôi, nên tôi trân trọng điều đó và yêu thương Hằng như con ruột của mình.
Bà Hà có 3 người con, thế nhưng ngày bà bị ung thư tuyến giáp phải đi mổ, điều trị bệnh, người bà tin tưởng, mong muốn cùng bà vượt qua giai đoạn khó khăn lại không phải chồng, con ruột mà chính là cô con dâu. “Mẹ con tôi luôn sống hòa thuận, yêu thương, chăm sóc nhau nhưng đến khi tôi bị bệnh, Hằng chăm lo cho tôi ở bệnh viện, tôi mới hiểu hết được tình cảm của con dành cho mình chân thành và nhiều đến như thế nào. Có những lúc, mẹ con tôi cùng ôm nhau khóc, cùng động viên nhau vượt qua những chuyện buồn, khó khăn trong cuộc sống”, bà Hà trải lòng.
Ngày thường, công việc ở bệnh viện khá bận rộn nên chuyện đưa đón hai con đi học, cơm nước hầu như vợ chồng Hằng đều nhờ cha mẹ chồng phụ giúp. Thế nhưng, khi nhà có việc hay giỗ chạp, chị Hằng luôn cố gắng sắp xếp công việc để đi chợ, nấu nướng, phụ giúp gia đình. Chị Hằng cho biết, tôi may mắn vì có người mẹ chồng tâm lý, tốt bụng và luôn đồng hành cùng con dâu. Những năm đầu vợ chồng chị ở xa nhau, có nhiều lần giận hờn, mâu thuẫn nhưng nhờ mẹ chồng luôn động viên, làm cầu nối mà vợ chồng tôi mới hạnh phúc như hôm nay. “Công việc vợ chồng tôi khá bận rộn, nếu không có ba mẹ thì chắc vợ chồng tôi sẽ rất vất vả. Từ khi về làm dâu mẹ Hà đến nay, tôi chưa bao giờ nhắc đến mẹ bằng hai tiếng mẹ chồng, mà gọi là mẹ Hà. Với tôi, mẹ Hà như người mẹ thứ hai, người luôn yêu thương, che chở cho tôi”, chị Hằng chia sẻ.
Theo chị Hằng, để mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu ngày càng khăng khít, tốt đẹp, ngoài sự đồng cảm, thấu hiểu nhau thì người con dâu nên học cách lắng nghe, biết quan sát để hiểu mong muốn, tâm tư của gia đình chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Từ đó, tạo được không khí vui vẻ và mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ trở nên hòa thuận, cùng vun vén cho tổ ấm ngày càng hạnh phúc.
Thay nhau gánh vác việc nhà
|
HIỀN THU