Tăng cường phòng cháy, chữa cháy ở các khu dân cư ven biển

15:17, 07/05/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Các xã ven biển với đặc điểm đông dân cư, có nhiều tuyến đường chính nhỏ hẹp nên các loại xe chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận hiện trường khi có vụ cháy xảy ra. Do vậy, việc phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) được các xã ven biển ở huyện Bình Sơn chú trọng thực hiện.
 
Hiệu quả từ mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”
 
Tại các khu dân cư thuộc xã Bình Hải, Bình Thuận, Bình Châu (Bình Sơn) có nhiều đoạn đường hẹp, các loại xe chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận hiện trường khi có vụ cháy xảy ra. Trong khi đó, nhiều nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh liền kề, sát nhau nên có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Nếu không làm tốt công tác phòng ngừa, để xảy ra cháy, không kịp thời cứu chữa, có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo đó, việc xây dựng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại các hẻm sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được có ý nghĩa thiết thực, sẵn sàng phương tiện để xử lý cháy, nổ ngay từ ban đầu.
 
Lực lượng Công an xã Bình Hải (Bình Sơn) tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy.
Lực lượng Công an xã Bình Hải (Bình Sơn) tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy.

 

Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Hải đã xây dựng 6 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, gồm 30 tủ phương tiện với 60 bình chữa cháy; xã Bình Thuận đã xây dựng 10 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, gồm 10 tủ phương tiện với 20 bình chữa cháy được lắp đặt trên các tuyến đường ở các thôn... Công an các đã lắp đặt tủ đựng phương tiện chữa cháy ở vị trí phù hợp, không làm cản trở việc di chuyển của người dân.
 
 “Thời điểm vàng” để chữa cháy hiệu quả, phòng ngừa cháy lan, cháy lớn là khi đám cháy mới phát sinh; việc trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ đã cho thấy tác dụng ứng cứu khẩn cấp khi có vụ cháy xảy ra. Trưởng thôn, kiêm Đội trưởng Đội Dân phòng thôn Phước Thiện 1, xã Bình Hải Đặng Thế Mỹ nhận định, việc xây dựng “Điểm chữa cháy công cộng” rất hiệu quả. Ngày 1/4/2023, người dân trong xã đã kịp thời sử dụng bình chữa cháy xách tay để dập tắt đám cháy trên tàu cá của ông Đỗ Duy Hiến, đang neo đậu tại khu vực biển xã Bình Hải.
 
Đại úy Nguyễn Thanh Thủy - Phó Đội trưởng, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) cho biết, qua kiểm tra các mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại các xã ven biển thuộc huyện Bình Sơn cho thấy, các mô hình đã góp phần từng bước đáp ứng yêu cầu công tác PCCC tại địa phương.
 
Chủ động phòng ngừa cháy, nổ
 
Cùng với việc xây dưng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, chính quyền và công an các địa phương ven biển ở huyện Bình Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình tự trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ. Tiêu biểu như xã Bình Hải, hiện có hơn 60% hộ gia đình đã trang bị bình chữa cháy xách tay. Công an xã đã tăng cường tổ chức các đợt tập huấn, tuyên truyền kiến thức PCCC và hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy, nhằm sẵn sàng về lực lượng để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ xảy ra.
 
Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam trao tặng 200 bình chữa cháy cho UBND xã Bình Hải. 
Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam trao tặng 200 bình chữa cháy cho UBND xã Bình Hải. 

 

Thời gian qua, chính quyền các xã ven biển ở huyện Bình Sơn đã làm tốt công tác xã hội hóa, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác PCCC tại địa phương. Chủ tịch UBND xã Bình Hải Ngô Văn Thính cho biết, xã đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất, mạnh thường quân, con em xã Bình Hải công tác ở các cơ quan, đơn vị và nhân dân hỗ trợ nguồn kinh phí để mua bình chữa cháy các loại, đặt tại các khu dân cư, nhất là ở các thôn vùng biển, để người dân chủ động chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra.
 
Thời gian đến, nhất là cao điểm nắng nóng, tình hình cháy, nổ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Xác định công tác phòng ngừa là chủ yếu, chính quyền và lực lượng công an các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy xách tay và có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình về PCCC, nhất là mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”, phát huy khả năng PCCC từ cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
 
Bài, ảnh: TÀI ĐỨC
 
 

Ý kiến bạn đọc


.