Bảo tồn đa dạng sinh học

21:58, 21/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 22/5 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Quốc tế đa dạng sinh học (ĐDSH). Qua đó, kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động xây dựng một tương lai chung, dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

Cùng thế giới hành động

Vào năm 1995, Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam” ngay sau khi trở thành thành viên của Công ước ĐDSH. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1250/TTg-CP phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2022 là năm đầu tiên Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về vấn đề bảo vệ ĐDSH. Cũng trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thả cá giống xuống đầm An Khê (TX.Đức Phổ) để bổ sung, bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Ý THU
Thả cá giống xuống đầm An Khê (TX.Đức Phổ) để bổ sung, bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Ý THU

Theo đó, chiến lược này khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái. Trong đó, lần đầu tiên Việt Nam mạnh dạn mở rộng cho khối tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn ĐDSH. Chiến lược đề ra mục tiêu mới là mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền. Đối với diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3 - 5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia.

Hiện tại, Việt Nam đã được quốc tế công nhận 15 khu ngậm nước có tầm quan trọng quốc tế, 14 khu dự trữ sinh quyển, 15 vườn di sản ASEAN. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42 - 43%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay không có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; cải thiện các quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100 nghìn nguồn gen...

Sau nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã được công nhận là một nước có tính ĐDSH cao trên thế giới và là một trong các quốc gia được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở rất thuận lợi, tạo nên tính đa dạng của cả hệ sinh thái, loài và nguồn gen của Việt Nam. Ở Việt Nam nói chung và tại Quảng Ngãi nói riêng, các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và văn hóa, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu.

Nhiều hoạt động thiết thực

Hưởng ứng ngày Quốc tế ĐDSH, trong tháng 5/2023, Bộ TN&MT đã lập kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động gồm Hội thảo “Phối hợp hành động thực hiện Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh - Montreal”; trồng cây và thả các loài động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Ba Bể; triển lãm tranh, ảnh về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH... nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, phát triển bền vững ĐDSH. Mục đích các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác bảo tồn ĐDSH trong nước và quốc tế. Qua đó, tôn vinh những giá trị ĐDSH đối với đời sống của nhân loại, để cùng hành động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị ĐDSH cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại Quảng Ngãi, ngành TN&MT tỉnh đã và đang tích cực tăng cường tuyên truyền vai trò, tầm quan trọng của ĐDSH; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững ĐDSH, di sản thiên nhiên. Đồng thời, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần. Phát hiện, xử lý nghiêm hành vi săn bắn động vật hoang dã, quý hiếm, thả nuôi tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo tồn và đa dạng hóa hệ sinh thái động vật dưới nước...

THANH NHỊ

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.