Truyện ngắn: Tiếng chim lẻ đàn

22:29, 10/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ánh trăng mười sáu len qua khung cửa, loang mềm cả con đường đất ngập ngụa cỏ gai trước nhà. Người đàn bà dụi mắt nhìn ra. Ngoài kia trăng sóng sánh như rót mật xuống vườn nhãn đang mùa sai quả. Trên cái chuồng chim phía sau nhà, đôi chim câu lại tình tự gù nhau, ríu ran ríu rít như vợ chồng mới cưới.

Người đàn bà quay đi nén tiếng thở dài, cúi xuống khâu nốt vạt áo đã sứt chỉ, chốc chốc chị dừng tay ngóng ra bến sông. Đêm trăng suông, bến im lìm như ngủ. Gió từ đồng trên thổi về vọng tiếng u u nghe rợn người. Người đàn bà đưa mắt nhìn căn buồng lạnh lẽo, chiếc giường cưới 5 năm rồi chăn chiếu vẫn như mới, chỉ chiếc gối chị nằm đã cũ mèm, lõm xuống một hõm sâu. Tiếng mối mọt nghiến kèn kẹt từ cánh cửa buồng mạng nhện giăng chằng chịt, đã bao lâu rồi chị mặc kệ chẳng buồn quét nó đi. Hết đêm này sang đêm khác, tiếng kèn kẹt như rúc rỉa, ăn mòn da thịt chị. Đêm nào dưới ánh đèn vàng nhện mẹ cũng giăng tơ, trên cọng tơ mỏng manh nhện bám vào đong đưa rồi bất thần vụt xuống, chạm vào vai chị... Lần nào chị cũng giật mình co rúm, riết rồi chị nhận ra, chị đâu có sợ con nhện hiền lành kia, chị sợ là sợ nỗi trống trải mỗi đêm đang gặm mòn thân thể chị.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Đêm nay, tiếng sáo bên sông lại vút lên. Hơn năm năm, nghe tiếng sáo da diết ấy ngực chị vẫn nhói đau như có ai vừa cầm dao cứa qua một đường ngọt bén. Chồng chị sau những chuyến đi dài, lần nào về đến cửa cũng nhìn qua chị một cái nhẹ hẫng rồi kiếm cớ đi, đến bữa cơm lại về ăn qua loa rồi vác sáo ra sông...

Hôm chị cùng chồng qua bên kia sông giỗ hội, cuối con đường chạy dọc mương nước là căn nhà có bóng dáng người con gái đó, người đã đem hồn vía chồng chị qua sông. Đến cuối con đường chị cố tình đi chậm lại, kín đáo nhìn qua. Vẫn gương mặt kín bưng như ngày chị mới về làm vợ anh,  đôi mắt luôn nhìn vào khoảng không vô định. Chị khẽ giật áo chồng, giọng tỉnh khô như lúc chị ngồi bên hiên đập mấy con muỗi “Ghé vô thăm vợ chồng cô May đi mình!”. Lặng yên. Chị nghe một tiếng hực, anh bực bội bỏ đi trước. Chị bỗng giận mình, ai đời biết rồi mà còn nói, biết đau mà vẫn cố dằng dai. Nhớ ngày mới về làm vợ anh, hôm ra chợ cùng mẹ, các bà các cô nhìn chị bằng con mắt tò mò, thương cảm, chị loáng thoáng nghe hai tiếng “cô May”. May là cô em gái mồ côi, mẹ anh mang về nuôi khi May mới một tuổi. Hai mươi năm May là em gái của anh, có gì để chị bận lòng?

Anh đi biền biệt, chị ở nhà quanh quẩn vào ra với sào ruộng, với đàn vịt dưới ao. Năm năm làm vợ, năm năm chị ngóng đợi chồng. Anh về lần nào cũng ra sông, có ống sáo làm bạn anh thổi đến đêm. Có đêm chị lò dò đi theo, đến sau lưng anh vẫn không hay. Chị khẽ khàng gọi “Về đi mình!”, tiếng gọi da diết đến gió cũng vấn vít. Anh quay lại, vẫn gương mặt lầm lì kín bưng, nhìn chị lạ lẫm. Anh hầm hầm đứng lên đi về, chị lủi thủi theo sau.

Nhiều đêm nhìn bóng anh đổ dài, câm lặng trong đêm trăng khuya, chị ước phải chi lòng anh như manh áo, rách chỗ nào chị lấy kim khâu lại. Người làng kể ngày cô May theo chồng qua bên kia sông, anh ra đồng cuốc hai sào đất, đến đêm anh vác sáo ra sông. Mà linh cảm đàn bà thiệt lạ.
Ngày đặt chân về nhà chồng, chị đã nhìn thấy lẩn quất đâu đó hình bóng một người con gái trong từng bữa ăn giấc ngủ của chồng, đến cái bậc thềm anh cũng đăm đắm, thẫn thờ như thể bao năm đi xa giờ gặp lại. Người ta nói đàn bà là sinh vật lạ, càng đau càng tàn nhẫn với nỗi đau. Buổi trưa anh ngồi bên hiên tẩn mẩn lau cây sáo, chị trong buồng đứng chải đầu, thình lình chạy ra dốc ngược lu nước đổ lênh láng rồi vần nó ra bụi chuối, vừa vần chị vừa gióng giả “Dẹp bớt cái lu cho rộng, nhà có ảng nước mưa để chi cho chật”. Cái lu vần chưa tới nơi đã nghe tiếng anh gầm lên “Để đó cho tui!”.

Chị khựng lại nhìn thấy trong mắt anh vằn lên những tia máu đỏ, không dưng chị rút người lại đau như thể vừa bị ai đi qua đạp cho chúi nhủi. Mẹ từ ngoài chợ sấp ngửa chạy về biết chuyện thầm thì “Thôi để đó đi con, cái lu hồi ở nhà con May hay hứng nước mưa gội đầu”.

Đêm chùng như võng. Chị một mình trong căn buồng lạnh ngắt, chiếc áo anh treo trên móc chị cố tình không giặt, vậy mà đến nó cũng chẳng giữ được mùi anh. Chị ôm chiếc gối vào lòng se sẽ vuốt ve. Năm năm, chị gầy như con cá khô, tới tháng chị lại nhìn xuống cái bụng lép xẹp nén tiếng thở nhẹ như gió thoảng. Nhiều đêm mẹ vào buồng, bàn tay xương xẩu xoa lên tấm lưng gầy của chị, run run “Sao lâu quá vậy con?”. Hỏi chưa hết câu mẹ đã kéo vạt áo lên dặm con mắt đỏ hoe “Tại mẹ nên giờ con khổ”. Chỉ chờ có vậy, chị gục vào lòng mẹ tức tưởi. Chỉ mẹ mới biết, đêm tân hôn chị vò võ trong căn buồng lạnh ngắt, anh mượn rượu lang thang ngoài bến đến sáng ra mới về, gương mặt thất thần như vừa đánh rơi thứ quý giá nhất đời.

Mắt anh còn đăm đắm ra bến sông, lòng chị còn thấp thỏm ngóng theo. Hôm rồi anh về qua ngày thứ hai đã khăn gói chuẩn bị đi. Đêm anh không ra sông, lòng chị khấp khởi. Chị quýnh quáng vào buồng thay cái áo mới, nói áo mới chứ thiệt ra chị sắm đã ba năm rồi mà có mặc đâu. Mặc áo đẹp để làm gì khi chồng đi biền biệt? Chị soi vào mảnh gương vỡ giắt trên cửa buồng, nhan sắc người đàn bà ngoài ba mươi vẫn đằm thắm, chỉ tội nhàu đi trong nỗi buồn giấu kín.

Cái hạnh phúc của đàn bà thiệt bé mọn, chỉ cần có ai đó để mà được chăm sóc, chắt chiu, có ai đó để được sớm ngóng chiều trông, rồi thấp thỏm khi người ta về trễ bữa. Chị xõa mái tóc mượt dài, khẽ khàng lại gần, đập con muỗi đang bu vào chân anh, con muỗi bay rồi mà tay chị còn se sẽ miết. Anh khẽ giật mình quay lại nhìn chị đăm đăm. Chị ngượng ngùng như thể đang vụng trộm, bàn tay này, cái chân kia chẳng phải là của nhau. Chị rũ mái tóc che kín gương mặt sượng trân đang rặn ra nụ cười như mếu. Anh ráo hoảnh “Sao thức khuya vậy? Tối nay đi cấy công à?”. Chị nghẹn đắng như thể vừa uống xong chén thuốc, chua chát hiểu lòng anh vẫn còn mải miết bên sông.

Chị vò võ trong căn buồng ẩm lạnh, trên mái nhà lũ mèo meo lên như tiếng trẻ con quấy khóc. Ánh đèn vàng tù mù trên tường lúc mờ lúc tỏ. Trong lòng chị, hình bóng anh nhập nhoạng như bóng chiều hôm. Những chuyến đi của anh ngày càng dài ra. Anh đi xa để được một mình. Còn chị, đêm vẫn nghẹn ngào bấm đốt ngón tay tính tháng tính ngày, tính luôn cả những chiếc lá rụng ngoài song.

Cô bé May còi cọc năm xưa mẹ mang về lớn lên bên anh, anh chứng kiến May trở thành thiếu nữ, từ làn môi cong đến sóng mắt u buồn. May cũng nhìn thấy trong anh, người đàn ông luôn tỏ ra cộc cằn, lầm lì kia là cái tình miên miết như sông. Hơn ba tuổi, May đã biết ra ngõ ngóng anh Hai về. Năm hai mươi tuổi May vẫn đợi anh Hai về như thuở lên ba.

Linh cảm của người mẹ, lần nào ra bến mẹ cũng kéo May theo, gặp đám trai nào hiền lành mẹ cũng tìm cách đánh tiếng mối mai. Lòng mẹ, anh và May là anh em một nhà. Gả May qua bên kia sông, May đi rồi mẹ buồn mà lòng nhẹ tênh, như trút được mối lo đè nặng từng ngày. Ngày anh cưới vợ, mẹ thở phào, đâu ngờ sự thể hôm nay, con trai tháng ngày biền biệt, bên hiên, con dâu chiều nào cũng ngóng ra sông đến héo úa. Mẹ như người có lỗi. Đứa qua bên kia sông còn tần ngần nhìn lại, đứa ở lại tìm quên bằng những chuyến đi miệt mài, về rồi đêm lại ra sông nhờ tiếng sáo gửi hồn qua bờ bên kia, đứa con dâu hiền lành ngày về nhà chồng miệng cười khấp khởi, giờ như chiếc lá héo khô...

Ánh trăng lùi qua bên kia cửa sổ, rọi một luồng sáng nhợt nhạt vào căn buồng lạnh lẽo. Tiếng con thạch sùng tắc lưỡi sau cánh cửa, chị run rẩy đến bên chiếc rương, sẽ sàng gấp mấy bộ quần áo cho vào chiếc túi cũ sờn. Năm năm, chừng đó thời gian đủ cho một người thôi chờ đợi. Chị ra đi. Để một ngày tỉnh lại, anh nhận ra tình yêu khổ đau kia đã tước đi của anh một tổ ấm gia đình, có lẽ anh sẽ tự cởi trói cho mình. Và chị, sẽ vá víu lại cái phần đời nát bươm cho lành lặn, đắp lên đó những mảnh vá thơm tho. Chị soi vào mảnh gương vỡ, người đàn bà ngoài ba mươi vẫn đằm thắm, dịu dàng, trên gương mặt u buồn kia đôi mắt đã ánh lên một niềm hy vọng...

Chị băng qua cánh đồng, chân đi như chạy, ngước lên cao chị chợt thấy mảnh trăng như đang cười. Đâu đây tiếng chim đêm lẻ đàn lảnh lót vút lên như thể nó đã tìm thấy ánh sáng sau những đêm dài...

VŨ NGỌC GIAO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 22:29, 10/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.