Tác giả - Tác phẩm: Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Trương Đăng Quế

14:22, 29/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong các sáng tác của mình, danh thần Trương Đăng Quế (1793 - 1865) có nhiều vần thơ đặc sắc dành riêng cho phụ nữ. Bên cạnh thơ vịnh các nhân vật nữ nổi tiếng trong lịch sử với tấm lòng cảm phục, ông còn viết về những người phụ nữ đời thường, nhất là người thân của mình.

Trong thơ, Trương Đăng Quế dành nhiều tình cảm cho những số phận phụ nữ bất hạnh. Ông Nhà thơ cảm thương người chinh phụ với nỗi nhớ chồng nơi biên ải trong gió thu lạnh về. Dịch nghĩa: “Thu đến sầu lên quan ải xa/ Phòng khuê vắng ngắt tình lẻ loi” (Giặt áo). Ông xót xa và nói thay cho nỗi lòng của người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ: “Thiếp như con thuyền trong nước/ Phiêu bạt không nơi tựa nương” (Bài từ về người vợ bị ruồng bỏ). Ông thấu hiểu cả nỗi lòng cay đắng của những người phụ nữ trong chốn lầu xanh: “Người đời được mấy lúc đẹp tươi/ Nhan sắc bỏ đi lúc tuổi già” (Nỗi oán trong chốn lầu xanh).

Bìa tập thơ.
Ảnh: PTV
Bìa tập thơ. Ảnh: PTV

Đặc biệt, Trương Đăng Quế viết khá nhiều về những người phụ nữ trong gia đình mình, bên cạnh thơ viết cho anh rể, anh họ, một số người cháu... Ông viết về vợ, chị gái, em gái, em gái họ...  bằng những lời thơ chân thành, lắng sâu và dạt dào cảm xúc. Đó là những vần thơ không phải vị đại quan nào cũng có thể làm được. Với người chị gái họ ở quê, Trương Đăng Quế có hai bài "Để lại cho chị" và "Từ biệt chị" với lời thơ dung dị, khắc họa thành công hình ảnh người chị hết lòng thương yêu, tin tưởng em mình, dù là em con chú: “Thương thay chị con bác của ta/ Vì ta mà lo âu/ Xót ta lúc mới ra đi/ Chưa có gì lưu với đời/ Lòng thành chị thật quý”. Những lúc từ biệt chị để xa quê, nhà thơ không giấu được nỗi buồn như đứt ruột: “Sáng nay từ biệt chị/ Ngày mai em lên đường/ Gió bấc se se thổi/ Cuối thu mảnh trăng non/ Lên đường buồn đứt ruột/ Há đợi nghe vượn kêu”.

Với người em gái mất sớm, Trương Đăng Quế có hai bài thơ "Khóc em gái" vô cùng cảm động, là tiếng lòng bi thiết của người anh dành cho đứa em bạc mệnh của mình: “Mẹ già anh quẫn nhà lại nghèo/ Em sinh chưa được một ngày trời/ Nỗi đau tử biệt bao giờ dứt/ Mưa gió ba năm thêm xót thương”. Dù em mất đã lâu nhưng nỗi buồn thương vẫn day dứt khôn nguôi trong lòng anh trai, để rồi những vần thơ về em mình lúc nào cũng ám ảnh, xót xa: “Vườn xưa xa cách, nước vây quanh/ Chợt thấy em ta đứng cạnh mình/ Chiếc bóng u hồn lên tiếng gọi/ Đèn tàn tắt lửa, bóng trăng tan”. Có lẽ, trong thơ chữ Hán thời trung đại, hiếm có nhà thơ nào viết về chị và em gái hay và cảm động như Trương Đăng Quế.

Trong gia đình, Trương Đăng Quế dành cho người vợ tào khang của mình tình cảm hết sức sâu nặng. Ông yêu thương, trân trọng và biết ơn người vợ luôn bên cạnh nâng khăn sửa túi cho mình từ thuở còn hàn vi. Bởi thế, mỗi khi từ biệt vợ để lên đường công cán, dù vợ cố tỏ bình thản, ông đều nhận ra và không giấu được niềm mong nhớ, buồn thương: “Trước chén biệt ly, làm ra cứng rắn, khuyên đừng gượng nói/ Hai má yêu kiều, lệ rưng rưng/ Lên đường nên tránh làm chùng bước/ Không nỡ nhìn nhau lúc biệt ly” (Từ biệt vợ).

Khi vợ mất vì bệnh nặng, Trương Đăng Quế đau xót làm liên hoàn 6 bài thơ "Truy điệu vợ". Trong chùm thơ này, tác giả bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn với người phụ nữ mà bản thân “vừa kính trọng vừa yêu thương”, gắn bó cùng mình suốt “ba chục năm trời”: “Rất kính trọng nhau rất thương nhau/ Ba chục năm ân tình, một ngày thành ra bỏ hết”. Đặc biệt, trong bài thứ 3, Trương Đăng Quế nêu lên một quan niệm vô cùng tiến bộ về vai trò của người vợ đối với sự hiển đạt của người chồng nói riêng, với sự phát triển của đất nước nói chung: “Mới hay việc tề gia trị quốc, giúp người hiền/ Xưa nay luôn có nhiều công lao của phụ nữ”. Thật khó để tin đây là những dòng thơ của một vị đại quan đương triều, sáng tác trong bối cảnh văn hóa phong kiến vốn “trọng nam khinh nữ”, xem nhẹ vị trí của người phụ nữ.

Có thể nói, thơ viết về phụ nữ rất giá trị trong sự nghiệp thơ ca của danh thần Trương Đăng Quế. Đặt trong bối cảnh thơ ca trung đại, nhất là thơ chữ Hán vốn xem nặng vấn đề “nói chí, tỏ lòng”, chưa coi trọng đề tài gia đình thì những vần thơ sâu lắng, cảm động về vợ, chị, em gái và những người phụ nữ đời thường cũng như những người thân khác trong gia đình của Trương Đăng Quế là một đóng góp đáng ghi nhận.

PHẠM TUẤN VŨ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:22, 29/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.