Cái vầng sáng thương nhớ 

20:03, 07/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi chưa được gặp nhà thơ Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) lần nào. Khi tôi vào đại học Tổng hợp thì anh vừa ra trường, và sau đó, nghe nói anh đi chiến trường Nam Bộ. Suốt những năm học đại học nơi núi rừng sơ tán, tôi đã đọc những bài thơ của anh Hiến gửi từ miền Nam ra với bút danh Lê Anh Xuân. Có hai câu thơ trong một bài thơ của Lê Anh Xuân cứ ám ảnh tôi mãi: “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”.

Ấy là hai câu trong bài thơ Lê Anh Xuân viết về Sài Gòn, cái thành phố vô vàn thương nhớ của anh. Vì thương quá, nhà thơ đã tưởng tượng thành phố như mẹ mình, người mẹ đã khắc khoải chờ con bao nhiêu năm.

Lê Anh Xuân là một hồn thơ thật trong trẻo và rất đa cảm. Đó là một người - thi - sĩ ngây thơ từ bản chất. Mang hai câu thơ ấy trong lòng, tôi cũng bắt đầu tưởng tượng về Sài Gòn, cái thành phố tôi chưa một lần đến và cũng khó hình dung nó thế nào.

Nhưng nó đã bắt đầu ám ảnh tôi, từ hai câu thơ của Lê Anh Xuân. Và tôi đã thử viết về thành phố ấy trong bài thơ “Mặt trời - Thành phố” với những tưởng tượng còn khá non nớt của mình: “Người bạn thân màu xanh bên cửa sổ/ giữa ngày xám/ cây ơi, hãy nói: Rằng thành phố ta đang thai nghén một mặt trời”.

Đường phố Sài Gòn về đêm, năm 1967. 					   Ảnh: Internet
Đường phố Sài Gòn về đêm, năm 1967. Ảnh: Internet

Tôi nhớ, trong bài thơ khá dài ấy, tôi có viết câu “Cha còng lưng chạy xe lam” mặc dù lúc đó, tôi không biết xe lam là xe gì. Bấy giờ, ở Hà Nội chỉ có vài chiếc xe máy “cá vàng” của Pháp, và hoàn toàn không có ti vi. Thỉnh thoảng, cũng có một vài bức ảnh chụp một góc phố Sài Gòn in trên báo, nhưng khá lờ mờ.

Với người làm thơ, thì không nhất thiết phải thấy chiếc xe lam mới làm được thơ về Sài Gòn, cũng không nhất thiết phải “đi thực tế” Sài Gòn mới có thơ về thành phố ấy. “Cái vầng sáng bồn chồn” mà Lê Anh Xuân thấy từ rất xa, lại thành cái vầng sáng trong tâm tưởng anh, nó không chỉ giúp anh viết được bài thơ hay, nó còn giúp anh sống trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, nó như cái đích cho cả tâm hồn anh hướng tới.

Sau này, khi vào chiến trường Nam Bộ, tôi mới được biết Lê Anh Xuân trong hành trình đi tới vầng sáng của mình, anh đã vĩnh viễn dừng lại ở cửa ngõ thành phố, tại huyện Đức Hòa (Long An) - chỉ cách Sài Gòn khoảng hai mươi cây số đường chim bay. Anh đã chết trong hầm bí mật - một cái lu chôn trong vùng đất ngập nước - vì thiếu dưỡng khí.

Cùng hy sinh với anh là anh Hồng Tân, một nhà phê bình trẻ sắc sảo và nhiều triển vọng, anh ruột một người bạn của tôi. Cả hai người đã chết trong bóng tối, chỉ cách “cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ” của mình khoảng vài mươi cây số. Và như thế, mãi mãi Sài Gòn sống trong tâm tưởng họ, là “cái vầng sáng” mà họ sống để bụng, chết mang theo.

Vào năm 1972, khi xuống chiến trường Mỹ Tho, tôi mới thực sự được thấy cái “vầng sáng” mà Lê Anh Xuân đã thấy. Đêm đêm, nằm ven lộ Bốn nhìn về một hướng, hiển hiện trước mắt tôi cái vầng sáng của đô thành Sài Gòn.

Lần nào cũng vậy, cái vầng sáng ấy đều gây cho tôi một cảm giác bồn chồn khó tả. Lê Anh Xuân đã dùng chữ “bồn chồn” vô cùng chính xác. Có thể trước tôi 4 - 5 năm, anh cũng đã từng đêm nhìn về vầng sáng ấy, từ một địa hình, một vùng ven, bên một con rạch hay dòng kinh. Nhìn và tưởng tượng, và khắc khoải, và thơ. Với tôi, thi sĩ là người biết dùng chữ một cách chính xác, chính xác đến kinh người. Nếu không, anh chỉ là người viết văn vần, hay văn không vần.

Lê Anh Xuân đã từ một tình yêu mãnh liệt mà bật ra chữ, ra thơ. Trước cái chết của anh Xuân vài năm, nhạc sĩ Hoàng Việt cũng ngã xuống bên một con rạch ở Cái Bè (Mỹ Tho): “Người nghệ sĩ đã ngã xuống/ bên con rạch gần cửa sông/ ánh chớp mìn clâymo/ bàn tay chầm chậm buông rời tàu dừa nước...” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo).

Và có thể, trước khi ánh chớp tàn sát của mìn trùm lên, thì trong mắt của người nhạc sĩ tuyệt vời ấy đã cư trú cái “vầng sáng bồn chồn thương nhớ” của Sài Gòn. Hình như giữa nhạc Hoàng Việt, thơ Lê Anh Xuân và văn Nguyễn Thi có một tương đồng nào đó.

Đó là ba nghệ sĩ thực sự có tâm hồn. Và theo thứ tự, Hoàng Việt ngã xuống cách Sài Gòn 100 cây số, Lê Anh Xuân cách 20 cây số, còn Nguyễn Thi, anh đã nằm lại ngay trên đường Minh Phụng của Sài Gòn. Phải chăng, đó cũng là cái khoảng cách định mệnh của nhạc, thơ và văn xuôi với đối tượng mà những nghệ thuật ấy muốn tiếp cận?

Với văn xuôi, muốn viết về Sài Gòn thì phải vào sống ngay trong lòng thành phố ấy. Chứ không thể “anh đi một chốc về ngay...” như có nhà văn đã thử viết về một huyện anh hùng ở miền Trung trong lúc đang ở Hà Nội.

Sau này, khi được đọc nhật ký Nguyễn Thi qua công trình sưu tập của nhà phê bình Ngô Thảo, tôi càng thấm thía với những gì Nguyễn Thi đã phải chịu đựng, đã vượt qua để giữ lại cho mình một tâm hồn cực kỳ trong sáng, và gửi lại cho đời những trang viết đứng vào hàng trong trẻo nhất của văn xuôi Việt Nam. Những thời đại khác sẽ có những nghệ thuật khác.

Nhưng sẽ thiếu đi bao nhiêu cho nghệ thuật thời chiến tranh chống Mỹ nếu những Hoàng Việt, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân không trực tiếp đi vào chiến trường, trực tiếp trải nghiệm những ấn tượng của chiến tranh để cuối cùng, bằng chính máu mình chứng thực cho những trải nghiệm ấy.

Có thể nhiều trang viết họ để lại mới là những phác thảo, nhưng nó đã ấn vào ta những nét của máu chứ không chỉ là mực, càng không phải là nước lã. Và bây giờ, nếu có một phép lạ nào cho những con người ấy, những nghệ sĩ ấy sống lại, tôi chắc họ vẫn sẽ sống như thế, yêu như thế, đau khổ như thế và trong sáng như thế.

Tâm hồn là cái gì không thể thay đổi. Hiểu ra điều ấy, thực sự là một niềm an ủi. Và cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó, cái kinh thành Cordoba trong thơ Lorca “xa thẳm và đơn độc” ấy, có thể là đích tới cuối cùng của những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam đích thực.

NHẬT CHUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 20:03, 07/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.