Tác giả - Tác phẩm: Thi hào Nguyễn Khuyến viết về Quảng Ngãi

16:27, 22/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm Tự Đức thứ 30 (1877), Nguyễn Khuyến được triều đình bổ dụng làm Bố chánh Quảng Ngãi. Ông giữ chức vụ này chưa đầy 2 năm, đến năm 1879 thì được điều trở lại triều đình làm việc tại Quốc sử quán. Trong thời gian tòng sự tại Quảng Ngãi, Nguyễn Khuyến đã đến nhiều nơi và có một số tác phẩm về vùng đất nơi mình nhiệm sở.

Trong Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến do Trần Văn Nhĩ tuyển chọn và dịch thơ (NXB Văn nghệ, 2005), có 3 bài thơ chữ Hán liên quan đến Quảng Ngãi. Trong đó, "Mông Sơn tịch trú" và "Sơn cốc tự" được viết trực tiếp trên đất Quảng Ngãi, còn Đại mạo sơ được sáng tác vào những năm cuối đời tại quê nhà Yên Đổ của nhà thơ.

 


"Mông Sơn tịch trú" (qua đêm ở Mông Sơn) viết về một lần qua đêm ở đồn quân thứ trên Mông Sơn, một dãy núi phía tây vùng Chương Nghĩa, với nhiều cảm xúc trong lòng của vị quan Bố chánh trên bước đường công vụ miền biên viễn xa xôi, dịch nghĩa: "Nước chảy khiến bóng trăng tròn lại khuyết/ Gió xô trận mây hợp rồi tan/ Sương xâm vào tiếng trống, ốc hòa tiếng thu u tịch/ Cây ôm bóng cờ xí làm sắc đêm lan tỏa/ Đâu quản gì mưa khói nơi lam chướng/ Bao nhiêu kẻ nhân trí dạ bồi hồi".

Ở bài "Sơn cốc tự" (chùa trong hang núi), Nguyễn Khuyến miêu tả quang cảnh thanh vắng như tranh thủy mặc của chùa Hang trên núi Long Phụng thuộc huyện Mộ Đức, một trong 3 danh thắng chùa Hang của tỉnh Quảng Ngãi (cùng với chùa Hang Lý Sơn, chùa Hang ở núi Phú Thọ), dịch nghĩa: “Một hang thăm thẳm bên sườn núi biếc/ Có chùa nên danh được đời truyền tụng/ Trong động không sư ai làm chủ/ Trong núi có chùa tức chốn thiền/…/ Nhìn trong cây rậm chẳng thấy ai/ Từ sâu trong lau lách một thuyền câu bơi ra".

Nếu 2 bài thơ trên chủ yếu tả cảnh thì "Đại mạo sơ" (lược đồi mồi) mang đến cho bạn đọc nhiều điều thú vị. Câu thơ mở đầu cho biết nguồn gốc chiếc lược đồi mồi của nhà thơ: “Kỳ trân sản xuất Lý Sơn châu” (Vật quý lạ được sinh ra từ cù lao Lý Sơn). Câu thơ này hàm chứa một thông tin đáng chú ý là Lý Sơn dưới thời Nhà Nguyễn là nơi cung cấp nhiều sản vật quý hiếm mà đồi mồi là một trong số đó. Những câu thơ tiếp theo, tác giả thể hiện niềm yêu quý, gắn bó đối với chiếc lược này, dịch nghĩa: "Liền với cân, tráp của ta đã hai mươi năm/ Vật này từ khi về với ta/ Suốt đời riêng được nâng lên trên đầu người".

Đặc biệt, ngoài vẻ đẹp như ngọc châu, nhà thơ còn quý sự bền bỉ, thủy chung của chiếc lược đồi mồi: “Chỉ lòng bền bỉ đó đã đáng được ưa chuộng/ Nữa là bên ngoài còn đẹp tựa minh châu". Bài thơ chỉ nói đến chiếc lược, có lẽ được tặng khi Nguyễn Khuyến còn làm Bố chánh Quảng Ngãi, nhưng qua sự ưu ái của nhà thơ đối với vật quý này, ta có thể cảm nhận được tình cảm sâu kín mà ông dành cho Quảng Ngãi, dù ông làm quan tại đây không lâu. 

Thi hào Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam thế kỷ XIX. Ông đóng góp vào gia tài văn chương viết về Quảng Ngãi thời trung đại nhiều tác phẩm giá trị, bên cạnh thơ văn của Nguyễn Cư Trinh, Phạm Phú Thứ, Trần Bích San, Cao Bá Quát, Nguyễn Thông...

PHẠM TUẤN VŨ

Xuất bản lúc: 16:27, 22/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.