(Báo Quảng Ngãi)- Tác giả Võ Tấn Thường (hội viên Hội VH-NT tỉnh) vừa ra mắt tập thơ “Hương đời”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là tập thơ thứ 3 của Võ Tấn Thường, sau tập thơ “Còn mãi hồn quê” (2021), “Ngày trở về” (2020).
Đọc tập thơ “Hương đời” ta như tìm thấy tiếng nói tri âm đồng cảm và sẻ chia. Mỗi bài thơ như những khúc tâm tình, đi vào lòng người để rồi đọng lại tình yêu đời, tình yêu cuộc sống. Tác giả Võ Tấn Thường ghi lại cảm xúc của mình với nhiều thể thơ như: Tự do, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú đường luật, thơ 7 chữ, thơ 8 chữ, lục bát truyền thống... Tất cả đều bình dị trong sáng, dễ hiểu, cách lập tứ, gieo vần và sử dụng ngôn từ khéo léo đã cuốn hút người đọc. Tôi rất thích bài thơ “Mẹ đã đi xa” bởi cách gieo vần cho thấy tài tình của tác giả.
Ở đây, tác giả gieo vần trắc xen lẫn vần bằng để nhấn mạnh hình ảnh người mẹ với bao nỗi trắc trở, vất vả và sự hy sinh. “Cha mất sớm mẹ mang phận góa/ Chưa sáu mươi vội đã xa chồng/ Một mình chống đỡ bão dông/ Dầm mưa dãi nắng thay chồng chăm con” (Mẹ đã đi xa). Hình ảnh người mẹ trong thơ Võ Tấn Thường hiện lên thật đẹp. Mẹ chở che, cưu mang, bao dung, độ lượng, hy sinh, cam chịu. Mẹ ngọt ngào, nồng ấm, thiêng liêng, cho con biết yêu bản thân, biết yêu quê hương, yêu những khoảnh khắc trong đời sống con người. Mẹ chăm lo cho con mà không đòi hỏi con phải đáp trả.
Trong tập thơ “Hương đời” có một số bài viết về nỗi đau mất mát không thể bù đắp khi người mẹ đã đi về cõi mây trắng: “Chiều nay vắng mẹ mãi u rầu/ Thấy ở mi buồn những giọt châu/ Não nuột người đi hồn phảng phất/ Trầm ngâm kẻ ở dạ âu sầu/ Linh đài khói quyện niềm hư ảo/ Mộ chí hương vờn nỗi khổ đau/ Bởi quý nào cho bằng phụ mẫu/ Lòng ta nghĩ đến lại thêm nhàu!” (Chiều vắng mẹ). Đọc bài thơ này lòng ta cứ rưng rưng. Hóa ra anh nói lên nỗi đau không của riêng anh mà đó là nỗi đau của số phận con người. Nỗi đau của những tâm hồn đẹp, trong sáng. Ở đây bài thơ tỏa sáng chất nhân văn.
Còn đối với quê hương, tác giả đã cảm nhận bằng trực quan để kể về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Không chỉ dừng lại ở lời kể, mà đôi khi anh còn gợi những suy tư về cuộc đời qua việc miêu tả cảnh vật bằng những lời thơ thiết tha, day dứt khôn nguôi: “Từ thuở nhỏ núi Cư nhìn toàn đá/ Lúa đồng Cư con gái lá xanh rờn/ Buổi cuối mùa màu lúa chín vàng rơn/ Như tranh vẽ... miên mơn người viễn xứ/ Dù bươn chải xa xăm đời lữ thứ/ Cánh đồng quê vẫn luôn giữ trong hồn/ Ở thị thành vẫn nhớ gốc nông thôn/ Quên sao được nơi nhau chôn rốn cắt” (Đồng Cư quê tôi). Võ Tấn Thường đã hồi tưởng về quê hương một thuở xa xăm với vẻ đẹp như tranh của cánh đồng quê lúa chín vàng rơn. Điều đó chứng tỏ tình yêu của anh dành cho quê hương thật sâu nặng.
Tập thơ “Hương đời” của Võ Tấn Thường nhất quán trong giọng điệu nhưng vô cùng đa dạng trong đề tài và đặc biệt tài hoa khi viết về các mùa. Viết về các mùa nhưng không dừng lại ở việc miêu tả hình ảnh thiên nhiên của mùa, mà anh đã dùng hình ảnh mùa để tâm sự với cuộc đời, với tình yêu dành cho quê hương, dành cho ký ức... Do đó, những bài thơ của tác giả viết về bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông đều phảng phất dáng dấp của tình yêu. Tình yêu như chảy tràn muôn hướng, len qua từng con chữ trong những dòng tâm tình của anh: “Nàng thu nũng nịu quay về/ Nghiêng nghiêng nụ cúc, vừa e lệ chào/ Môi son, mắt ngọc, má đào/ Khiến chàng lãng tử nao nao đứng nhìn” (Chào mùa thu).
Với thủ pháp nhân hóa và ẩn dụ khổ thơ thể hiện ký ức của sự nuối tiếc, vấn vương và khát khao một tình yêu đôi lứa. Và kí ức ấy, Võ Tấn Thường cũng viết khá nhiều ở những bài thơ về mùa hạ. Đây là một trong những điểm nhấn trong sắc màu thơ của anh, nó nhẹ nhàng và sâu lắng với ngôn ngữ thơ trong sáng giàu chất nhân văn. Đọc các bài thơ “Ngày hạ về”, “Hè”, “Nhớ mùa hạ ấy”, “Niềm vương giữa hạ”, “Rực rỡ ngày hè”, “Hạ buồn”... ta sẽ thấy rõ điều đó.
Những bài thơ viết về mùa đông, mùa xuân, cũng với những câu chuyện mùa được kể với góc nhìn khá thú vị như “Dẫu mùa đông”, “Tình chớm đông”, “Buổi đông về”, “Em và xuân”, “Thơ tình đầu xuân”... Đọc các bài thơ này, ta thấy tâm hồn của tác giả mang vẻ đẹp đa mang, đắm say với cái đẹp của sự vật, thiên nhiên. Tâm hồn nhà thơ giao hòa với vẻ đẹp của các mùa như một sự đồng điệu, tri âm.
Tập thơ “Hương đời” của Võ Tấn Thường chan chứa tình yêu con người, cuộc sống và ẩn chứa sự an nhiên, tự tại của tâm hồn. Qua tập thơ, ta thấy sức viết của anh thật dồi dào và mạnh mẽ. Hằng ngày, anh vẫn đều đặn sáng tác thơ như sự tôi luyện, tự khám phá bí ẩn nội tâm của chính mình. Đó cũng là tấm lòng của anh mong gửi lại chút “Hương đời”.
PHẠM VĂN HOANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: