(Báo Quảng Ngãi)- Xa quê Quảng Ngãi đã nhiều năm, nên lúc nào nhạc sĩ (NS) Sông Trà cũng dành nhiều tình cảm cho quê hương và gửi gắm vào trong sáng tác. Quê hương đã trở thành một “Cõi nhớ” trong lòng ông.
Chặng đường hoạt động âm nhạc
Trong một vài lần trò chuyện với anh em văn nghệ Quảng Ngãi, tôi đã nhắc đến NS Sông Trà, một nhạc sĩ nổi tiếng trong làng bolero. Ai cũng mắt chữ a mồm chữ o, khi biết ông là tác giả và đồng tác giả của những ca khúc nổi tiếng như: Chiều sân ga, Cõi nhớ, Cõi đêm, Người đã như mơ (viết chung với Nguyễn Tùng), Hoa tím đợi chờ...
Nhạc sĩ Sông Trà. Ảnh: PV |
Nhạc sĩ Sông Trà sinh năm 1937, tên khai sinh là Trần Hữu Châu, nguyên quán xã Hành Phước (Nghĩa Hành). Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn (trước năm 1975). Từ trước giải phóng, ông là giáo viên âm nhạc tại nhiều trường học ở Vũng Tàu. Giai đoạn này, ông có bút danh khác là Hoài Thu. Và tên tuổi ông không kém cạnh gì những nhạc sĩ như: Châu Kỳ, Mặc Thế Nhân, Thanh Sơn, Trúc Phương, Lê Minh Bằng... Ông là người duy nhất được NS Châu Kỳ tin tưởng nhờ sửa bài, vì ông được đào tạo bài bản.
Năm 1970, ông đã cùng với các NS Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy, Thông Đạt sang Nhật để biểu diễn nghệ thuật. Đây là một dấu ấn mà NS Sông Trà luôn nhớ mãi.
Sau năm 1975, ông thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ sĩ Sài Gòn - Gia Định, tham gia vào công việc quản lý lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Cùng với NS Thanh Sơn, ông là người có công trong việc xây dựng các đoàn cải lương. Từ sau giải phóng, ông là Đại biểu HĐND quận Bình Thạnh từ khóa I đến khóa III.
Giai đoạn này, NS Sông Trà tập trung viết những ca khúc thiếu nhi. "Thời điểm ấy gia đình tôi quá khó khăn. Người ta lại cần những ca khúc thiếu nhi và trả nhuận bút rất cao, khoảng 300 nghìn đồng mỗi bài, nên một tháng tôi viết không biết bao nhiêu bài", NS Sông Trà kể. Chính vì thế mà NS Sông Trà có trên 200 ca khúc viết cho thiếu nhi. Riêng ca sĩ nhí Xuân Mai thời đó đã thu 65 sáng tác của ông. Cho đến nay, ông đã xuất bản một số tập nhạc như: “Trường mầm non của bé”, “Đường chúng em đi” và “Cõi nhớ”. Hiện nay, ông sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh và vẫn miệt mài sáng tác ở tuổi 86.
Sông Trà - một nhánh quê hương
Con người có gốc gác. Cái gốc ấy là quê hương và mỗi con người là một nhánh của quê hương. Và nhạc sĩ với cái tên Sông Trà ấy cũng là một nhánh của dòng Trà giang. Cái tên ấy đã thể hiện tình yêu quê hương của Trần Hữu Châu. Cái tên như tiếng gọi thân thương về con sông quê và như nhắc nhở ông phải luôn nhớ về quê nhà.
Tình yêu và nỗi nhớ quê hương không chỉ được cụ thể hóa qua bút danh Sông Trà, mà còn được trải dài trên những khuông nhạc. Điển hình như: Thương lắm Trà giang, Qua sông Trà Khúc mùa hạ, Tự tình quê hương, Tình quê nỗi nhớ, Bóng mát chở che, Về thăm quê hương... Những ca khúc ấy đã lưu giữ tình cảm chan chứa với quê hương của NS Sông Trà.
Ca từ trong những ca khúc ấy bao giờ cũng tha thiết, đầy nỗi nhớ và thổn thức: “Làm sao tôi quên, làm sao tôi quên/ Dòng sông quê hương, dòng sông quê hương/ Trà giang yêu thương, làm sao tôi quên/ Tên những địa danh, Thiên Bút, Thạch Vân, Mỹ Khê, Thiên Ấn/ Còn dư âm đây, còn dư âm đây/ Dù bao năm xa, dù bao năm xa/ Còn in trong tim...” (Thương lắm Trà giang). Hay trong "Bóng mát chở che", ông đã thể hiện nỗi lòng khi về thăm lại quê hương với những lời da diết: “Trở về quê hương một chiều mùa đông, trời đông buốt giá/ Trở về quê hương, nghe kỷ niệm, kỷ niệm đã xa”.
Điều đó chứng tỏ rằng, dù xa quê đã lâu, nhưng NS Sông Trà vẫn ôm ấp tình thương quê nhà, trái tim vẫn nồng nàn, thiết tha với Quảng Ngãi. Có lẽ vì nơi ấy có tuổi thơ, có tiếng mẹ ru và có con sông tắm mát một đời, bao giờ cũng là "Bóng mát chở che" cho người con luôn mang bên mình tình quê tha thiết - Sông Trà.
NGUYỄN NHẬT THANH