Truyện ngắn: Cơn gió đêm

14:57, 31/05/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở xóm Dưng ai mà không biết thằng Đậu Đũa được ông nội nó lượm về trong một lần lên đồi cắt cỏ. Mỗi khi nhắc tới Đậu Đũa, người xóm Dưng thường kể lại chuyện ông Mành chiều hôm đó về, tay kéo bao cỏ, tay kia ôm nó đang oặt xuống như tấm giẻ rách, trên người đầy mụn ghẻ. Hôm đó bà nội nó như thường lệ lùa đàn vịt dưới ao vô chuồng, quay ra vẫn chưa thấy ông về, bà nhìn trời lo lắng. Lúc trưa ông cầm lưỡi hái với cái bao tời đi bà đã dặn: “Chiều nay coi bộ mưa đó ông, đi nhanh rồi về!”. Ông ậm ừ: “Bà cứ coi tui như con nít”.
 
Bà vô bếp sửa soạn bữa cơm chiều, vừa vần nồi cơm xuống tro đã nghe tiếng lao xao ngoài ngõ. Bà nhìn ra, trong ráng chiều ông đi như chạy, theo sau là ông Bường, bà Nhu, bà Mân trong xóm. Cầm đôi đũa cả chưa kịp xới nồi cơm, bà vất đó chạy ra. Trên tay ông thằng bé chừng một tuổi, mũi phì bong bóng. “Nhanh kiếm cái gì cho nó ăn, nó đói!”, ông la lớn.
 
Không hiểu chuyện gì nhưng bà cũng quýnh quáng vô bếp xới cơm ra cái chén, gắp khúc cá kho. Trong khi bà Nhu đỡ thằng bé xuống đút cho nó, bà ra ảng nước giặt cái khăn. Thằng bé ăn xong chén cơm là tỉnh táo, ngơ ngác nhìn quanh. Bà lau mặt mũi cho nó, gương mặt lau xong coi bộ cũng sáng sủa nhưng người nó cứ bốc mùi tanh tanh. Bà Nhu quay mặt đi: “Tội nghiệp, mụn chốc đầy đầu!”. “Coi kìa, tay nó bị làm sao?”, bà Mân chỉ cánh tay trái của thằng bé thõng xuống như một khúc thịt thừa.
 
Lúc này bà nội mới thẽ thọt hỏi: “Con nhà ai vậy ông?”. “Tui có biết đâu, đang cắt cỏ gần bãi dứa nghe tiếng con nít khóc, chạy lại thấy nó nằm giữa đám cỏ, mình mẩy đỏ lè vì kiến cắn”. “Giờ biết cha mẹ nó ở đâu mà trả?”. “Để chờ coi ra sao, họ không nhận thì tui đem lên thành phố cho vợ chồng thằng Mạnh nhà mình nuôi”. “Thằng Mạnh á? Ông nghĩ nó nuôi thằng bé sao?”, bà kêu lên. “Sao không? Vợ chồng nó cưới nhau hơn sáu năm nay có chửa đẻ gì đâu, giờ có thằng bé là phước trời cho đó bà!”, ông cười phô hàm răng đã rụng hơn một nửa.

Bà nén tiếng thở dài. Ông Bường, bà Nhu, bà Mân nhìn nhau ái ngại. Bàn tán một lúc họ kéo về, ra đến ngõ, bà Nhu lẩm bẩm: “Nhìn thằng bé thương thiệt, mà nuôi cái đứa như vậy có mà hầu cả đời”.
 
Bữa cơm chiều dọn ra, ông Mành vừa ăn vừa ngắm thằng bé. Trái với ông, bà bưng chén cơm mà mắt ngó ra đồng, như hiểu ý bà, ông cười: “Có gì mà lo, thằng Mạnh không nuôi thì tui với bà nuôi. Ngày mai thả vịt xong bà tranh thủ lên núi hái nắm ba gạc về nấu nước tắm ghẻ cho nó, đợi cha mẹ nó tới, không tới tui dắt lên thành phố”.

Bà yên lặng nghĩ bụng: “Với ông chuyện chi trên đời cũng nhẹ”. Quay sang thằng bé đang rụt rè nhìn bà, nó như hiểu chuyện. Bà thấy tội, kéo nó lại gần mân mê cánh tay thõng thượt của nó, rồi thở dài: “Thương quá chừng, mở mắt ra đã khổ...”.
 
 
Hơn hai tháng trời nhờ người đánh tiếng đến nay cũng chẳng thấy tăm hơi cha mẹ thằng bé. Từ ngày về với ông bà, nó có da có thịt hơn, gặp ai nó cũng biết khoanh tay “ạ”. Cách tuần, bà lại lên đồi hái lá ba gạc về nhét đầy cái bao tời để dành tắm cho nó. Ghẻ chốc trên đầu, trên hai cẳng chân nay khô rang. Buổi chiều lùa đàn vịt xong, quay vô bà đã thấy ông ngồi ở phản. “Tui tính, thằng nhỏ nay ổn rồi, tuần sau tui dắt lên thành phố”. “Ờ... mà tui lo...”, bà tư lự nhìn ra đồng, cái tật mỗi khi có chuyện gì khó nghĩ. “Bà cứ để tui! Từ nay mình kêu nó là Đậu Đũa”, ông cười phà phà. “Tháng ba mươi ngày bà xào đậu đũa tui ngán tới óc mà nó vẫn ăn ngon lành, cái thằng tội thiệt chớ!”.  

Bà cười, mắt rơm rớm nhìn Đậu Đũa đi lại quanh sân, miệng nó xùy xùy đuổi gà, bắt chước bà y chang...

Sáng Chủ nhật, ông Mành dậy thiệt sớm, bà cũng dậy tất tả nấu cơm, gói ghém thức ăn đi đường. Biết ông cháu Đậu Đũa lên thành phố, ông Bường chở giúp lên quốc lộ. Con đường đất đỏ gồ ghề hết lên dốc lại xuống dốc, ông Mành ngật ngưỡng phía sau, Đậu Đũa được kẹp ở giữa, mặt mũi nó cứ ngơ ngác. Đoạn đường hơn ba trăm cây số, đến nơi trời đã chiều, ông Mành vẫy anh xe ôm đưa địa chỉ ghi trong giấy. Anh xe quen đường phóng ào ào, mấy lần ông Mành ngợp, đập vô vai anh xe ôm nói: “Cho ông cháu tao xuống đi bộ!”. Anh xe ôm cười ha hả, lại phóng ào ào.

Ông Mành đứng hồi lâu ngó nghiêng cánh cổng chạm trổ bằng đồng cao ngất. “Chậc chậc... cổng ngõ gì như lâu đài”, ông lẩm bẩm. Đậu Đũa bấu lai áo ông rụt rè nhìn quanh. “Mạnh ơi!”, ông gọi, rồi đập vào cánh cổng rầm rầm, một con chó béc giê to tướng xồ ra.
 
MH:  VO VĂN
MH: VO VĂN

Cánh cổng mở, người đàn bà phốp pháp thò đầu ra sẵng giọng: “Ông hỏi ai!?”. “Thằng Mạnh đâu cô?”, ông cười phô hàm răng rụng trống hoác. “Ông tên gì để tôi vào thưa”, người đàn bà hỏi vẻ khó chịu. “Tui là cha hắn! Được chưa?”, ông cắm cảu.
 
Người đàn bà dạ ran rồi nhanh nhảu mở cánh cổng. Leo lên hết bậc cấp hiên, ông thở phì phò, ngẩng lên đã thấy con trai đứng trước mặt. “Ủa ba?”. “Ờ, chờ hoài hông thấy anh về, tui lên có chuyện quan trọng”. “Chuyện gì vô nhà đã ba!”, nói rồi anh quay qua thằng Đậu Đũa: “Con ai đây ba?”. “Thủng thẳng vô nhà tui nói chuyện”.
 
Ông Mành dặn Đậu Đũa ngồi yên trên chiếc ghế ngoài vườn, vẫy anh Mạnh lại: “Thằng nhỏ ba lượm được trên đồi khi đi cắt cỏ. Mặt mũi nó sáng sủa, hiền lành, mỗi tội cánh tay bị tật. Con nhận nó về nuôi, vợ chồng hiếm muộn, có nó vui cửa vui nhà, mà mình lại làm phúc nữa”.

Nghe chưa hết câu, anh Mạnh giãy nảy: “Ba nghĩ sao vậy? Con không nhận nuôi thằng bé đó đâu, ba cứ nghĩ đi...”. “Thôi thôi!”, ông Mành xua tay. “Anh không nuôi thì tui nuôi, khỏi nghĩ chi cho mệt”, ông huỳnh huỵch đi ra cửa, đến bên thằng Đậu Đũa đang say sưa nhìn mấy con chim yến trong lồng. Ông bế Đậu Đũa, chụp cái mũ vải lên đầu nó. “Về con, về với ông bà, có gì ăn nấy!”. “Ba...”, anh Mạnh đứng bên hiên gọi với theo. Ông Mành đi đầu không ngoảnh lại.
 
Bà mất mới đó đã năm năm. Thằng Đậu Đũa nay đã mười hai tuổi, nó giờ thay ông cắt cỏ, thả bò, thay bà nấu cơm. Có lúc ông nhìn nó không chớp, cứ như ông trời thấy ông ăn ở hiền lành đem nó đến cho ông lúc tuổi già.
 
Đậu Đũa một buổi đi học, một buổi lên rẫy, đi đâu xa một chút cũng ba chân bốn cẳng chạy về với ông. Vợ chồng con trai trên thành phố một năm đảo về hai lần rồi đi. Lúc ông ốm đau bên cạnh chỉ có Đậu Đũa, nó tình cảm nhưng gương mặt lúc nào cũng tư lự. Đậu Đũa giờ lớn, biết chuyện ông nội lượm nó trên đồi, những lúc việc nhà xong, nó hay kiếm cớ cắt cỏ, nó đi một mình, ngồi chỗ ông đã nhìn thấy nó khóc. Đậu Đũa ngồi thiệt lâu, chiều lại lầm lũi trở về. Tuổi thơ của nó chỉ quẩn quanh trong vườn với gió, với ông, với ngọn đồi này. Nó nhớ ngày còn nhỏ, bà nội thường hát ru “Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh...”, lời ru buồn bã đó đã ăn sâu vào ký ức nó.
 
Có lúc nó tưởng tượng gương mặt cha mẹ nó giống người này, người kia trên ti vi nó đã xem, rồi nhìn xuống cánh tay như khúc thịt thừa, ngậm ngùi: “Lớn lên con vẫn làm được đủ việc đó thôi... sao lại bỏ con...”. Nó tức tưởi trong câm lặng. Nhiều đêm nó ngủ, ông Mành ngồi bên cầm cái quạt tre phe phẩy. Có lúc ông nghe nó ú ớ rồi nấc lên trong mơ. Ông thương thằng cháu nuôi còn hơn thằng con ruột trên thành phố.Trời chiều nhập nhoạng, có tiếng còi xe ting ting ngoài ngõ, con trai ông lại về. Dạo này nó về liên tục, lần nào cũng có quà cho ông. Từ ngoài ngõ ông đã nghe tiếng nó vồn vã: “Đậu Đũa, ông nội đâu con?”. “Dạ, ông nội cuốc đất ở vườn sau”, Đậu Đũa lễ phép trả lời rồi lẩn ra vườn kiếm cớ bỏ rơm cho bò.
 
Hai cha con ngồi bên hiên, anh Mạnh ghé tai ông thì thầm: “Đất nhà mình giờ là vàng đó nghen ba, người ta chuẩn bị mở đường lớn qua đây, con đường này dẫn vô một khu du lịch. Giờ con tính vầy...”. Anh hạ giọng: “Sắp tới con cho người về đây coi mảnh đất nhà mình rồi thiết kế một căn nhà vườn theo kiểu Châu Âu, vợ chồng con sẽ về đây ở với ba luôn, căn biệt thự trên phố cho thuê...”.
 
“Ờ, anh nói tui nghe cũng hay, nhưng tui là nông dân, tui ở kiểu nhà nông quen rồi, cứ để tui ở vầy nuôi bò, nuôi vịt, trồng rau, anh cứ ở thành phố cho lành”. “Ba này!”, anh Mạnh bực bội. “Cha con gì mà chưa bao giờ nói được quá hai câu”.  Nói rồi anh đứng lên vuốt lại đầu tóc láng o: “Con đi đây, tuần sau con về nói chuyện với ba, ba nghĩ lại đi...”.
 
Ông Mành yên lặng xếp chồng rổ vừa đan, không buồn nhìn lên thằng con. Ôm chồng rổ chất vô hiên, ông ra vườn tìm Đậu Đũa. Trong màn chiều nhá nhem, Đậu Đũa ngồi bên cây rơm chưa khô, cánh tay lành lặn vòng qua ôm gối, cằm tì lên cánh tay thừa, mắt nó mênh mang...
“Đậu Đũa! Lại đây với ông!”.
 
Đậu Đũa quay lại, trong ráng chiều nó thấy gương mặt ông nội âu lo, không hiểu chuyện gì khiến ông buồn đến thế. Ông nhìn vào đôi mắt trong veo của nó, đôi mắt lúc nào cũng ngơ ngác, ưu tư. Ông ôm nó vào lòng hít hà cái lưng chua loét mùi mồ hôi.
 
Đêm. Đậu Đũa ngủ say, dưới ánh đèn gương mặt trẻ thơ rạng rỡ, ông lặng ngắm say sưa. Chặp lâu, ông lọ mọ đi tìm tờ giấy với cây bút bi, run run cúi xuống cái phản kê giữa nhà, nắn nót viết “Bản di chúc... Tôi tên là...”.

Ngoài kia cơn gió đêm vẫn thổi.
 
VŨ NGỌC GIAO
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
 
Xuất bản lúc: 14:57, 31/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.