(Báo Quảng Ngãi)- Dấu ấn đẹp nhất trong thời tuổi trẻ của em là gì?
Tôi thấy mắt em long lanh, trong đó là cả bầu trời hạnh phúc.
- Là khi em được đứng trong hàng ngũ của đội Mầm Xanh, tự tay trồng những mầm cây xuống vùng đất cằn cỗi.
Tôi nhìn em hồi lâu, tự nhiên tôi thấy đâu đó trong em có tuổi trẻ của mình - một tuổi trẻ cuồng nhiệt, đam mê, sống hết mình vì màu xanh bất tận.
MH: VÕ VĂN |
*
Năm năm trước, khi đó tôi còn là một chàng thanh niên vừa tốt nghiệp đại học môi trường, cầm trên tay tấm bằng kỹ sư, tôi lơ ngơ không biết mình phải làm gì trong thời gian sắp tới. Bạn bè tôi đang ráo riết tìm việc. “Không tìm được việc thì về quê, mẹ nuôi”- Mẹ tôi nói vậy, giọng trìu mến. Tôi nghĩ những bà mẹ khác cũng vậy, bao giờ cũng bao dung cưu mang những đứa con của mình, dù là thành công hay va vấp. Bạn bè tôi sợ nhất là cảnh học xong phải về quê, hàng xóm - nhiều người bĩu môi: “Học cho đã, cuối cùng cũng về quê trồng lúa, phí của!”. Tôi không sợ điều đó, bởi quê nhà luôn là chốn bình yên để người xa tìm về, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng, “mẹ ơi, con muốn thử thách sự kiên định của mình thêm chút nữa, bao giờ cùng đường, con về mẹ nuôi” - Tôi nói vậy, nửa đùa nửa thật. Mẹ cười, vọng trong điện thoại là âm điệu của quê hương...
“Chênh vênh ở độ tuổi 22 là chuyện bình thường, em đừng lo lắng”. Một người anh khóa trên đã nói với tôi như thế! Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi nuôi nấng biết bao nhiêu ước mơ tuyệt vời, để rồi bây giờ những giấc mơ ấy bỏ đi đâu mất biệt, để lại tôi trong nỗi niềm trơ trọi chênh vênh. Tôi xách ba lô lên, rời thành phố. Với số tiền ít ỏi mà tôi tích luỹ được từ thuở còn chạy Grab sau mỗi giờ lên lớp, cùng một kế hoạch rõ ràng, tôi quyết định lang thang cùng mấy cậu bạn thân dọc tuyến đường ven biển miền Trung, vòng lên Tây Nguyên. Mục đích của chuyến đi đơn giản chỉ là trải nghiệm, ngắm nhìn cảnh sắc núi sông đồng biển để biết Việt Nam mình đẹp như thế nào. Đi đây đó trong Tổ quốc mến thương của mình vẫn luôn là mơ ước của tôi từ ngày thơ bé.
Khoảnh khắc đi trên con đường uốn lượn giữa màu xanh của cây cối, hai bên đường là những dãy đồi điệp trùng, xanh ngắt dưới vòm tròm màu thiên thanh, thả mắt nhìn ra xa biển xanh trập trùng sóng vỗ, tôi thấy tim mình rộn rã. Tôi muốn hét lên giữa cõi đất trời này, rằng Tổ quốc của mình đẹp đẽ và kỳ vĩ quá. Tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho Việt Nam đất nước tôi những cảnh sắc phong phú, đa dạng, những vẻ đẹp lấp lánh rạng ngời. Lũ bạn tôi hí hoáy chụp ảnh, đủ mọi góc độ, kiểu dáng. Tôi đưa ảnh lên Facebook, tài khoản “mốc meo” nay đã xanh màu trở lại.
Nhưng rồi, cảm xúc của tôi bất chợt chùng xuống, có cái gì hụt hẫng, cảm giác như thể có ai đó bóp nghẹt quả tim trong lồng ngực của mình. Trước mắt tôi là một cảnh tượng không đẹp mắt, một vùng rừng bị đốn hạ, chỉ còn trơ trọi gốc; những máy xúc ầm ì bạt núi bạt đồi, xẻ những quả đồi to ra thành ba, bốn mảnh, đất đai hoang vỡ... Mỹ cảm của tôi biến đi đâu mất hút. Tôi nhìn bạn, bạn tôi lắc đầu, thở dài. Cái đẹp mà chúng tôi chợt nhìn ban nãy đã biến đi đâu mất hút, phô bày trước mắt tôi những tan hoang, trơ trọi. Tôi tự hỏi: Những đôi bàn tay nào đã làm thương tổn mẹ thiên nhiên?
“Ở đây không chỉ có rừng, có suối, có núi đồi bị phá hủy... Cả bầu không khí mà chúng tôi hít, lòng đất mẹ dưới chân chúng tôi, nơi cây cối bám rễ để hút chất dinh dưỡng... cũng bị đào xới” - Già làng Lia nói với tôi như thế, vẻ mặt đượm buồn. Tôi hiểu một người từng trải và gắn bó với vùng núi non đại ngàn này như già Lia, thiên nhiên chính là một phần của sự sống. Già yêu thiên nhiên như máu thịt; già xót xa trước hình ảnh những cánh rừng bị cắt xẻ, những xe chở gỗ ngày đêm lăn bánh đưa thân gỗ quý hiếm ra khỏi khu rừng. Kể cho chúng tôi nghe, đãi chúng tôi những món ăn đậm phong vị của đồng bào dân tộc thiểu số và loại rượu được chưng cất kỹ lưỡng theo phương pháp truyền thống mà già nói là “đặc sản của làng Lia”. Chúng tôi chào già, ra đi. Ánh bình minh rạng ngời. Sau một đêm ngồi trong nhà già làng Lia nghe chuyện bên bếp lửa bập bùng.
Chúng tôi xuống miền Trung, theo cung đường ven biển về lại thành phố. Gió từ biển thổi vào mát rượi nhưng sao tôi thấy ngột ngạt quá. Hình ảnh những cây xanh bị cắt ngang gốc thấp thoáng trong đầu tôi.
*
Mầm Xanh ra đời, một dự án mà theo chúng tôi nó thật sự ý nghĩa, góp phần khôi phục lại màu xanh của cánh rừng ở những nơi mà chúng tôi đi qua. Ban đầu, Mầm Xanh - đứa con tinh thần của chúng tôi có quy mô khá nhỏ, số tiền mạnh thường quân đóng góp mà chúng tôi vận động được đều dành hết cho việc mua cây giống rồi tặng lại cho người dân. Cây con đi đến đâu, chúng tôi ở lại đến đó, hỗ trợ bà con từ giai đoạn vốc đất cho đến khi những cây con bén rễ.
Chúng tôi - những cậu thanh niên ngày nào ngơ ngẩn với tấm bằng đại học trên tay nhưng không biết sẽ đi đâu, về đâu, bây giờ lại dành cả lý tưởng của mình cho màu xanh của cây rừng. Cùng ngồi lại bên nhau nói chuyện Mầm Xanh trong không gian vườn cây mát mẻ, xa kia là biển xanh, cát trắng, tôi thấy như có con suối nào đó chảy trong lòng mình, mênh mông, lai láng... Tôi gọi về khoe với mẹ về những nơi mình đã qua, về những ngọn đồi mà Mầm Xanh đã phủ xanh màu chồi non mơn mởn, về hành trình đầy ý nghĩa của chúng tôi. Mẹ tôi xúc động nói: “Hạnh phúc nằm ở đó, con à! Hạnh phúc không nằm ở việc mình giàu sang hơn ai, hay làm một chức vụ cao nào, mà hạnh phúc khi mình làm được việc có ích, được mọi người quý trọng”.
*
Mấy tháng sau, chúng tôi trở lại gặp già làng Lia. Già ra đón chúng tôi, nồng hậu và ấm áp. Già dẫn chúng tôi ra rẫy, chỉ tay về phía đồi phía xa kia. Trên nền đỏ của đất bazan đã phủ dầy màu xanh của cây lá.
“Nhờ cuộc vận động trồng cây gây rừng của các chú mà làng chúng tôi đã phủ xanh những đồi trọc, quý hóa lắm, các chú ạ!” - Già Lia vuốt râu, nói bằng giọng ồ ồ như thác chảy.
Tôi cười hạnh phúc. Trong tầm mắt mình, tôi thấy những ngọn đồi chạy dài tít tắp. Những ngọn đồi cây con đã lớn ngang ngực người, rồi không lâu nữa cây sẽ vươn lên khỏi đầu người, đón ánh bình minh, đón hoàng hôn đỏ lặng buông mỗi chiều và che chắn cho làng Lia trong những năm tháng sau này... Làng Lia xanh mãi.
*
Trong đống hồ sơ trên bàn làm việc, tôi lấy ngẫu nhiên tập hồ sơ của cậu thanh niên: Lê Trung Nhân. Đúng 9 giờ 30 phút, Nhân đã có mặt tại phòng làm việc của tôi. Một chàng trai có khuôn mặt khả ái, nụ cười tươi và mái tóc xoăn nhẹ kiểu tự nhiên. Sau khi xem qua một lượt những thông tin cơ bản mà cậu ghi trong hồ sơ xin việc, tôi khe khẽ hỏi:
- Giữa bao nhiêu công việc ngoài kia, có thể đem về cho em một mức thu nhập kha khá, sao em lại nộp hồ sơ xin vào Mầm Xanh của bọn anh. Em có biết rằng ở đây áp lực mà lương bổng lại thấp lắm hay không?
Đưa tay gãi gãi sau gáy, khiến mớ tóc xoăn của cậu thêm bồng bềnh, Nhân cười tươi để lộ hàm răng trắng đều như hạt bắp, cậu nói:
- Hạnh phúc, với em là khi em sống trọn với đam mê của mình, là được làm những điều mình thích, những việc ý nghĩa như đem lại màu xanh cho đất mẹ...
Tôi nhìn em, ngỡ ngàng. Cái tuổi 23, em lại suy nghĩ điều sâu sắc đến thế! Tôi thấy đâu đó trong câu trả lời của em là những điều mà mẹ tôi dặn dò thuở tôi gọi điện về khoe với mẹ rằng Mầm Xanh vừa trồng xong bao nhiêu gốc cây, ở những vùng đất nào đã qua; tôi thấy trong đôi mắt em có bầu trời hạnh phúc; trong tuổi trẻ của em có một phần tuổi trẻ của tôi.
Ngày ấy, tôi cũng nghĩ như em. Và tôi không hối hận với quyết định của mình.
Và Mầm Xanh ngày một lớn!
Tôi nhận Nhân vào làm việc. Không thể bỏ lỡ một cậu thanh niên đầy nhiệt huyết và hết lòng với màu xanh vĩnh hằng như thế.
Mầm Xanh của chúng tôi, lý tưởng tuyệt vời của chúng tôi. Nghĩ về màu xanh cây rừng, tôi thấy lòng mình hạnh phúc biết bao!
HOÀNG KHÁNH DUY
TIN, BÀI LIÊN QUAN: