Truyện ngắn: Màu nắng cố hương

22:21, 23/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi nói với Thu, xóm Củi Đước bây giờ không còn xa xôi nữa. Ngày trước muốn về Củi Đước phải đi hai chặng xe, một chặng đò dọc, một chuyến đò ngang, đi bộ thêm mấy cây số nữa mới đến. Tôi với Thu về đó vỏn vẹn hai chuyến, sau thấy đường xa xôi quá, phần vì khi ấy cả hai đều chưa thoải mái trong vấn đề lộ phí, nên thôi! Xóm Củi Đước chỉ còn là nỗi nhớ.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Thu cười. Đôi mắt em trong biếc. Cô y tá của trạm xá nhỏ giữa xóm nghèo hôm nào đã xin được việc tại bệnh viện lớn, ở một thành phố lớn và năng động bậc nhất. Vài lần tôi hỏi Thu rằng, nếu được quay lại, em có chọn về xóm Củi Đước hay biền biệt xứ xa? Thu nhìn thẳng vào mắt tôi, vẻ nghiêm nghị dẫu lời tôi nói ra chỉ là đùa vui mà thôi: “Về Củi Đước. Về với mảnh đất hương hỏa, với sông nhỏ êm đềm, với những người dân hiền lành nhân hậu”.

Lần này tôi không hỏi Thu vậy nữa. Vì Thu đã trả lời tôi rồi. Dù hiện tại cuộc sống có êm ấm, hoặc đủ đầy, hoặc tương lai có giàu sang đến đâu thì anh em tôi vẫn nhận mình là người Củi Đước, muốn được gắn bó với vùng đất và con người nơi ấy. Tôi nói với Thu:
- Sắp xếp công việc, về đó một chuyến, em ha.
Thu gật đầu ngay mà không cần phải nghĩ ngợi nhiều. Tôi biết Thu cũng đang nhớ xóm Củi Đước nhiều lắm!

*

Tôi vẫn không thể quên ngày má dắt díu hai anh em tôi rời khỏi Củi Đước. Lần đó, Thu buồn lắm. Tôi vuốt mấy sợi tóc lòa xòa ngang trán của Thu, nói khẽ:
- Buồn lắm phải không Thu?!
Má nghe tôi nói mà đứt ruột, sụt sùi:
- Cực chẳng đã, má con mình mới bỏ quê mà đi. Chứ có nỗi buồn nào hơn nỗi buồn xa xứ, hơn chuyện từ biệt những người thân yêu đã quen mặt, hiểu tính nết, biết họ đối đãi nhân hậu với mình như thế nào.

Ngày chúng tôi rời quê, hàng xóm sang tiễn má con tôi nhiều lắm. Nhà cửa, ruộng vườn đã mất trắng sau cơn bạo bệnh của ba tôi. Ba không muốn chữa trị vì ba hiểu được tình trạng sức khỏe của mình. Nhưng má tôi không cam lòng. Chúng tôi cũng không cam lòng. “Còn nước, còn tát” - Má tôi nói vậy. Biết là phần trăm hy vọng không cao nhưng cũng phải chạy chữa chứ ai nỡ nhìn ba quằn quại trong bệnh tật.

Ba về với gió, với mây, với cành cây ngọn cỏ quê nhà sau hơn hai năm sống cùng bệnh tật. Má tôi kiệt sức. Mọi thứ mất trắng. Vườn sầu riêng ngày trẻ ba má trồng để sau này cho hai anh em tôi hưởng, giờ cũng không còn. Gia sản còn lại chỉ là căn nhà cũ và mảnh đất nhỏ phía sau - nơi yên nghỉ của những người quá cố. Má xót lòng nhìn cảnh cũ, vườn xưa, bật khóc trong chiều gió lộng. Rồi má quyết định đi xa.

- Bỏ quê hả má? - Thu mếu máo hỏi. Đêm buông.
Má giật mình nhìn Thu, rồi má kéo đứa con gái nhỏ mà má yêu thương vào lòng, ôm ấp, xoa đầu, lau nước mắt cho Thu.
- Không đâu con. Má con mình không có bỏ quê hương. Mình chỉ rời xa xứ để tìm kế sinh nhai. Mình chẳng còn vườn tược, đất đai gì, ở đây thì lấy gì canh tác?

Tôi nhấp nhỏm. Gió ngoài sân thổi vào nhà qua song cửa. Gió mang theo hương của đất quê, của dòng sông vắt ngang qua xóm Củi Đước êm đềm... Hình như khi người ta sắp sửa xa khỏi một vùng đất mà họ gắn bó máu thịt, người ta mới thấy quý từng cọng cỏ, từng nắm đất xứ này, mới biết yêu thương và gắn bó với những người dân lành thiện. Tôi nhận ra trong gió có mùi thơm nồng nàn của quê hương mình. Tôi biết mình vẫn chưa đủ can đảm để rời xa Củi Đước, nhưng vẫn phải chấp nhận vì má nói với tôi rằng: “Mai này lớn lên, đời sẽ còn xô đẩy mình dữ dội hơn nhiều”.

Khoảnh khắc đó, tôi - người con trai duy nhất trong nhà - tự nghĩ mình phải mạnh mẽ để còn bảo vệ má và em gái bé bỏng của tôi đang tuổi ăn tuổi học...

*

Chuyện học hành tôi nhường lại phần Thu.
“Cố gắng Thu ha. Học cho phần của anh nữa”.
Thu gục mặt xuống bàn học. Má tôi an ủi em. Trong căn phòng trọ bé xíu, chúng tôi sống bên nhau. Má nói có nhau thế này là món quà quý giá mà cuộc đời ban tặng cho mình rồi, cố mà vui với đời, vì đời chưa hẳn là những chuỗi ngày buồn tẻ.

Tôi theo má đi làm công nhân ở xí nghiệp may. Hồi còn trẻ má tôi may đồ khéo lắm, có tiếng trong vùng, người ta đến để má tôi đo đạc rồi may đồ nhiều lắm. Má làm ở khâu may vá, còn tôi làm ở khâu xếp hàng. Thu vào cao đẳng y tế. Tôi hỏi em sao lại chọn học ngành y, em cười hiền lành:
- Để khi má hay anh hai “trục trặc” sức khỏe, em sẽ tự tay chăm sóc. Như vậy em mới yên tâm! Giá như... em được chăm sóc cho cả ba nữa thì còn gì bằng, anh ha.

Nhắc đến ba, lòng tôi trĩu xuống. Tôi chợt nhớ đến nhà cũ, vườn xưa, đến ba tôi - người đàn ông hiền từ, chất phác, ai cũng yêu quý. Tôi nhớ bóng dáng ba mỗi lúc bơi chiếc xuồng con ra sông thăm lưới cá rồi khi về đến bến sông lại í ới kêu: “Má nó ơi, đem cái rổ xuống đây gỡ cá. Cá nhiều lắm! Con nào cũng to bằng cổ tay”. Ba má tôi cặm cụi gỡ cá từ khi còn nắng cho đến lúc hoàng hôn buông đỏ ửng cả miền quê Củi Đước.
Tốt nghiệp, em tôi xin được một chân y tá tại trạm xá ở vùng ngoại ô xa xôi, nói đúng hơn là vùng sâu vùng xa, nhưng lương ổn. Độ chừng năm sau, Thu xin được việc tại bệnh viện trong thành phố, gần má.

Má tôi vẫn làm công nhân tại công ty may. Còn tôi đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài. Mấy năm trời trôi nhanh như một cái chớp mắt, sau khi đã dành dụm đủ số vốn, tôi trở về thành phố mua căn nhà rộng hơn cho má và Thu, rồi về quê thuê người sửa sang lại mộ phần của những người thân yêu trên mảnh đất hương hỏa còn lại sau biến cố năm xưa.
Tôi nói với má:
- Dù đi đâu, lòng con vẫn hướng về Củi Đước, má à! Con nhớ Củi Đước vô cùng.
Thu vỗ vai tôi. Anh em tôi lặng đi. Tôi biết Thu cũng đang trôi theo dòng hồi ức để trở về Củi Đước.

*

Qua đò. Xóm Củi Đước hiện ra trước mắt.
Đường sá bây giờ đã được trải nhựa, thông thoáng hơn xưa. Vài nhà ở đầu xóm cắm biển đề chữ “chạy xe ôm”, nhưng tôi không đi mà cuốc bộ với Thu. Con đường mà tôi và Thu đang đi - con đường men theo bờ sông nơi xóm Củi Đước dung dị mà trữ tình - từng là con đường anh em tôi khao khát, thương nhớ. Mùa này, kèn hồng thắp lửa rực rỡ. Xóm Củi Đước đẹp như một bức tranh.

- Nhà mình kìa, anh Hai - Thu reo lên.
Tôi nhìn theo tay em, lòng dâng lên một nỗi niềm xúc động. Hai tiếng “nhà mình” sao nghe tha thiết quá, dù căn nhà ấy, đã lâu mấy má con tôi không thắp đèn mỗi đêm, mở cửa mỗi sớm mai thức giấc.
Chúng tôi đi theo con đường nhỏ sát vách nhà ra thăm mộ của ba tôi. Sau tiết thanh minh, hoa huệ dại nở rộ cả một vùng đất trống. Chúng tôi ngồi xuống trước mộ ba, khe khẽ:
- Ba, chúng con về với ba rồi đây! Con nhớ ba lắm, ba ơi!
Em tôi nức nở. Tôi cũng thấy mắt mình cay cay.
Giá như mình không xa xứ, có lẽ giờ đây mình đã không phải lao đao, chạy vạy nơi xứ người. Tôi hiểu rằng, đối với mỗi người, niềm hạnh phúc nhất là khi được sống trên quê hương của mình, bên những người mình yêu dấu.
- Thu à, anh muốn đưa má về quê sống. Về Củi Đước. Em nghĩ sao?

Thu trố mắt nhìn tôi. Trong mắt em có chút gì bàng hoàng, xen lẫn niềm hạnh phúc. Thu thều thào:
- Còn vườn tược, đất đai... Anh Hai, mình còn lại gì ngoài cái nền nhà và phần đất nơi tổ tiên yên nghỉ đâu?

Tôi lặng người đi. Nhưng trong đầu tôi đang tính toán một điều mà cả Thu và má chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi sẽ mua lại mảnh đất cũ bên dòng sông Củi Đước hiền lành, sửa lại căn nhà ở quê, làm lại cái sân, dựng lại cái bếp. Tôi sẽ xây dựng mái ấm mà bấy lâu nay chúng tôi đã rời xa, để nếp nhà lạnh lẽo, mái ngói ủ dột, u buồn. Tôi biết mình sẽ đủ sức để làm được điều đó, vì niềm hạnh phúc của má tôi.
Rồi xóm Củi Đước sẽ lại vui vẻ như xưa. Má con tôi về để giữ gìn hơi ấm rạ rơm, giữ lấy mảnh đất quê mà chúng tôi xem như máu thịt, linh hồn mình vậy.

Thu nhìn tôi hồi lâu, rồi nước mắt em đầm đìa trên má.
Còn tôi nhìn ra dòng sông Củi Đước miên man chảy về phía cuối xóm. Dòng sông của nguồn cội, của tình yêu thương. Dòng sông này, chúng tôi đã từng đi đò sang ngang để rời đi, và rồi sẽ trở về, cũng trên chuyến đò chòng chành giữa mùa lục bình trổ bông tím ngát.

Nắng chiều lấp loáng khoảng sân cỏ trước căn nhà cũ. Màu nắng quê hương đẹp đẽ, dịu dàng và trong biếc như màu mắt của Thu.

HOÀNG KHÁNH DUY

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:21, 23/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.