Truyện ngắn: Chuyến xe thiên phúc

22:26, 11/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đêm, gió se sắt lên khoảng thinh không thâm u. Ánh đèn phía trung tâm vẫn nhấp nháy. Mấy cái bảng hiệu sáng rực rỡ như điểm thêm vào không khí rộn ràng của thị thành vào những ngày cuối năm. Tháng Chạp treo mình qua phố bằng những bước chân hối hả. Tan ca đêm, Tĩnh chở Nam ngang qua mấy con đường sầm uất. Vòng bánh xe quay kéo theo nhiều lo lắng rơi vụn phía sau. Qua cầu Thủ Thiêm là về khu xóm trọ hiu hắt. Hai mươi lăm tháng Chạp, mấy đứa sinh viên đã nô nức theo chuyến xe đò về quê ăn Tết. Mấy cô chú bán hàng rong cũng đã về sớm sau một năm bươn chải nơi thị thành. Xóm trọ chỉ còn vài căn phòng sáng đèn. Số người ở lại chắc vì chưa nhận lương thưởng, phần vì đã đăng ký làm thêm trong nhà hàng, quán ăn mở cửa ngày Tết. Phần còn lại là những đứa như Tĩnh, như Nam, hay thằng Phương, thằng Xuân. Những đứa toan tính liệu cơm gắp mắm, chần chừ với số tiền ít ỏi chắt chiu được sau một năm đồng lương eo hẹp.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Xóm trọ ven đô nằm cạnh bờ kênh ngút ngàn cỏ lau. Dân lao động thu nhập thấp thì hay dạt về các khu trọ gần nội thành để đỡ tốn chi phí. Người ở trước rước người ở sau, dần dà có những khu trọ ngó qua ngó lại toàn người đồng hương. Như khu trọ Tĩnh đang ở, hai chục phòng trọ thì hết mười lăm cái của người dân Quảng Ngãi thuê. Ban đầu lác đác hai, ba phòng, sau thì người này kéo người kia thành ra một khu trọ giọng Quảng Ngãi “rặc” đến mức mỗi lần nghe bão lũ là mỗi lần cả khu trọ xao xác. Đứa Mộ Đức hỏi đứa Bình Sơn, đứa Trà Bồng ngồi cùng đứa Sơn Tịnh, đứa Nghĩa Hành khuyên đứa Minh Long. Cứ vậy mà dân trọ đùm túm nhau đi qua những ngày thị thành đầy khốn khó. Công việc ít, hai chữ thất nghiệp treo lơ lửng mải miết nên có bận chiều mưa hiu hắt, đám nhà trọ ngồi ngó mông lung thị thành qua ô cửa rồi thở hắt nhìn nhau. Hay là về? Đâu cũng không bằng xứ quê. Câu hỏi của ai đó khiến mưa như những ngọn roi quất vào lòng những người con tha hương mưu sinh nỗi nhớ quê vọng xứ.

Mỗi người con đất Quảng đến phố thị này đều mang theo một mơ ước. Có mơ ước được thắp sáng, nhưng cũng có mơ ước vẫn nhọc nhằn kiếm tìm sự nảy nở. Rồi đi qua năm tháng mơ ước bắt đầu nhỏ dần, chỉ gói gọn trong hai chữ sống được. Sống được có nghĩa là có công việc ổn định, chắt chiu chút ít để gửi về quê phụ giúp gia đình. Năm nay, thị thành kinh tế khó khăn, nên cuối năm, xòe bàn tay vẫn thấy trống trơn những đồng tiền.
Bữa Tĩnh nói với mấy thằng bạn như vậy. Mấy thằng con trai ngồi phía bên này Thủ Thiêm, ngay đồng cỏ lau gió tháng Chạp về se se lạnh, để ngó qua khu trung tâm thành phố rồi thở dài. Tay chai sần những dấu tích của dọc ngang thị thành này. Tay gồng gánh những trĩu trịt cơm áo gạo tiền. Tay đen thui bởi nắng gió phương Nam đã làm chai sạm tuổi trẻ mất rồi. Bốn thằng từ bốn nơi của Quảng Ngãi, gặp nhau ở thành phố này, trong cái xóm trọ toàn dân cố xứ, bỗng một ngày nghe gió tháng Chạp mà thèm quê, nhớ Tết.

***

Nam người Bình Sơn về khu trọ này trước từ những ngày còn là sinh viên, ra trường rồi ở lại thành phố mưu sinh. Phương người của cánh đồng muối Sa Huỳnh, chọn thị thành này để tìm kiếm con chữ, nhặt nhạnh công nghệ mới. Những đứa con của diêm dân cần thay đổi để nghề làm muối không thể cứ trơ trọi giữa đồng nắng cháy, đến ngay cả môi mình còn tự liếm được vị mặn của mồ hôi. Xuân, một đứa con của Sa Huỳnh cũng nối gót theo Phương lên thị thành để học ngành y. Ngày Xuân nhận giấy đậu đại học, cả làng mừng rỡ. Đất Sa Huỳnh cần mấy ông bác sĩ. Bác sĩ trị cho đồng muối sao cho thu hoạch năm nào cũng nhiều. Bác sĩ trị cho người làm muối sao cho sức khỏe như biển, như sóng, như nắng, trăm năm vẫn vỗ ràn rạt lên phần đời diêm dân.

Tĩnh là đứa về phòng trọ bốn người này sau cùng. Năm đó, sau cơn biến động của công ty, dây chuyền sản xuất bị đứt hàng, đối tác chẳng đầu tư, Tĩnh thất nghiệp và lang thang rồi xin vào làm bán thời gian ngày bốn tiếng buổi đêm của một công ty chuyên làm các dự án nông nghiệp sạch cho Nhật - nơi Nam đang làm giám sát kỹ thuật. Nhìn thằng nhân viên mới da đen màu nắng, thân hình cao thước tám và gương mặt lạnh tanh có phần khô khan khó chịu, Nam nghĩ chẳng thể mong chờ anh chàng nhân viên này sự gắn bó gì. Nhưng sau chừng một tháng thì chỉ tiêu năng suất của Tĩnh tương đương những người làm ngày tám tiếng đồng hồ. Nam bắt đầu tiếp cận và phát hiện giọng quê trong một đêm thị thành mưa đì đùng vỗ đều lên mái tôn nhà xưởng. Giọng Quảng đi muôn phương dẫu có lái đi thì âm Quảng vẫn trĩu nặng khiến ai nghe thấy cũng đều nhận ra.

Tĩnh đang khó khăn chuyện thiếu tiền phòng trọ. Nam thở dài rồi quyết cứ theo Nam về. Thị thành này vẫn còn một cái xóm trọ Quảng Ngãi nằm ven đô. Ở đâu cũng vậy, ở với người xứ mình là tốt nhất. Có gì cũng đỡ nhau đi qua khó khăn. Phòng trọ khớp đủ bốn người từ đó. Cũng từ đó, Tĩnh xin hẳn vào công ty làm chính thức. Tĩnh học nông nghiệp, bôn ba vài nơi nhưng chẳng trụ được bởi đất này đâu dễ sống, một đứa từ lũng xa đi tìm giấc mơ mãi luôn chênh vênh với phồn hoa phố hội. Có lần mấy đứa ở trọ chung hỏi Tĩnh, lũng Ren nơi ấy vắng xa đến mấy? Sao ngay cả người dân Quảng Ngãi nhắc đến vẫn chưa thể tưởng tượng ra nó là nơi đâu. Tĩnh cười tỉnh bơ. Xa lắm! Xa đến độ người ta đến một lần đôi khi chẳng muốn về. Tại về thì đi năm bảy ngả đường, qua tam tứ hướng, lại khó khăn xe cộ, đường sá. Nên đến rồi thì người ta ở luôn đó. Mấy đứa bạn không tin, lắc đầu nguầy nguậy, cùng hẹn nhau một ngày nào đó về lũng Ren một phen xem cái lòng chảo nhỏ đó mê hoặc đến đâu. Mà nếu mê hoặc vậy sao Tĩnh ra đi? Câu hỏi trôi vào một đêm vắng của thị thành. Một đêm khó ngủ. Tĩnh sẽ đi hay về? Trong giấc mơ đêm đó, Tĩnh thấy lũng Ren chập chùng núi đồi. Lòng chảo nở đầy những mùa hoa thiên phúc.

***

Sắp hết tháng Chạp rồi, thị thành tưng bừng hối hả đón Tết. Sau ngày làm việc cuối cùng, Tĩnh và Nam về lại dãy nhà trọ vắng ngắt. Mấy hôm trước bốn đứa cùng ngồi bàn nhau chuyện về. Nam lừng khừng bởi nếu về rồi vào lại, thêm tiền quà cáp cũng đứt vài triệu bạc. Nam vẫn còn đang trả nợ tiền vừa sửa căn nhà cho ba má. Phương và Xuân cũng ngấp ngứ vì nếu về tốn kém, còn ở lại thì xin được vào làm trong một siêu thị, ngày công tận năm trăm ngàn, tính ra làm mười ngày Tết là bằng nửa tháng lương. Tĩnh cũng chẳng biết nên về hay ở. Thưởng Tết năm nay chỉ có phân nửa. Xem như may mắn hơn mấy chục nghìn người thất nghiệp trong các khu chế xuất hồi cuối năm. Còn việc thì còn kiếm tiền. Lũng Ren xa xôi, chuyến về chuyến vào lại mất tận bốn ngày, đâu còn bao nhiêu ngày ăn Tết. Càng lớn người ta càng cân đo đong đếm cho những chuyến về, dẫu là chuyến sum vầy đoàn viên. Bởi tiền luôn là thứ khiến những đứa tha hương bôn ba thị thành đau đáu lòng mình, nhất là ngay những lúc đồng tiền kiếm ra khó khăn đến vậy.

Đêm hai mươi tám Tết, bốn thằng đèo nhau ngược dòng Thủ Thiêm qua khu trung tâm nhìn thiên hạ dập dìu mua sắm Tết. Nhiều chuyến xe lăn bánh khỏi thành phố mang những đứa con về lại cố hương. Chạy ngang những chuyến xe đó, lòng mấy đứa xứ Quảng như có gió lùa vào. Cả đám đi lững thững vào hội hoa xuân của đô thị này. Ngập tràn sắc hoa. Rộn ràng không khí Tết. Nghe như lòng mình cũng nao nức. Mấy người bán hoa giọng từ khắp vùng miền đổ về. Đám trẻ cứ lang thang đi dọc theo chiều dài của chợ hoa xuân xứ người rồi ngẫm lại xứ mình. Chắc mùa này, chợ hoa xuân ở thành phố Quảng Ngãi đã rộn ràng, dập dìu người mua sắm.

Bán hết, Tết mà, bán để còn về nhà, lời hay lỗ gì thì cũng phải có bữa cơm đoàn viên gia đình. Bất giác mấy thằng con trai nghe giọng Quảng Ngãi đang cò kè trả giá với khách mua hàng. Đó là quầy hoa bán những cây thiên phúc rực rỡ ánh hồng tím như những chùm pháo bông đang rơi. Đúng là dân Quảng Ngãi rồi. Mấy thằng con trai chạy tới xem, đúng là hoa thiên phúc, không đâu đẹp bằng Quảng Ngãi. Chịu nắng, chịu gió, chịu luôn cái cằn cỗi bao đời nay của xứ này để mỗi khi gió trở mùa là thiên phúc trổ bông lấp lánh. Tĩnh mắt đỏ hoe hỏi ông già giọng Quảng Ngãi bán hoa. Quảng Ngãi luôn nè mọi người. Về chưa mấy đứa? Về không chiều mai dọn quầy mình về chung? Xe chở hoa còn dư chỗ. Về đi con, về nhà mới là Tết. Tết mà thiếu một ai trong nhà, thì làm gì có Tết được. Ông già giọng Quảng Ngãi nói cười tỉnh rụi mà lòng bốn thằng con trai bời bời gió Tết.

Đêm hai mươi chín Tết, người ta thấy bốn thằng con trai phụ dọn quầy hoa của ông già người Quảng Ngãi. Trên chiếc xe chở đầy hoa, có luôn mấy cây thiên phúc hồng tím lấp lánh, mấy thằng con trai ngồi ôm ba lô. Xe nhắm hướng xa lộ chạy về Quảng Ngãi. Bỏ lại sau lưng thành phố, mấy thằng con trai về theo mùa hoa Tết. Bốn đứa hẹn nhau sẽ về lũng Ren, sẽ tắm suối Lác, sẽ nằm giữa lòng chảo xem bát ngát thiên phúc nở hoa. Dù xa hay gần, lòng người đang độ mùa xuân!

TỐNG PHƯỚC BẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 22:26, 11/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.