(Báo Quảng Ngãi)- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh là người con quê Quảng Ngãi, hiện là Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Ông không chỉ thực hiện nhiều công trình khoa học có giá trị, mà còn xuất bản tập sách có nhan đề “Con lật đật”. Nội dung cuốn sách để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc, bởi chứa đựng những chiêm nghiệm của một người thầy giáo.
Lật đật là tên gọi của một đồ chơi, thường lắc lư khi bị tác động, nhưng chẳng bao giờ ngã. Thông điệp của nó là kiên trì và cống hiến hết mình... Soi rọi với hình tượng và đặc tính của con lật đật, nội dung cuốn sách cho thấy tác giả đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều về mỗi góc khuất của cuộc đời và tính cách trong con người. Cuốn sách được viết theo từng nội dung với những mệnh đề được đặt ra liên quan đến con lật đật: Con lật đật: đồ chơi không chỉ để chơi; làm gì để được như lật đật; từ lật đật nghĩ về thành công; con lật đật: những gợi ý lựa chọn; từ con lật đật, thử bàn thêm về giáo dục và cuối cùng là con lật đật... và sách.
Trong phần “Hãy sống như con lật đật”, bằng chính sự từng trải và chiêm nghiệm của mình, với việc nhìn nhận cuộc sống như dòng sông cuồn cuộn chảy đã cuốn con người ta theo từng đợt sóng nổi chìm, để rồi ta vô tình bỏ lại những giá trị đời thường. Đôi khi, chúng ta phải thật tĩnh tâm để thấy cái hay, cái đẹp. Và từ đấy, bằng góc nhìn con lật đật mà như lột tả được những điều thú vị ấy: “Con lật đật chưa bao giờ khóc. Lật đật luôn mỉm cười, luôn lạc quan và đặc biệt là không bao giờ bị xô ngã. Dù có bị kéo, đẩy, đánh, ném... thì lật đật cũng sẽ bật dậy. Lật đật luôn sẵn sàng đón nhận thử thách trong hy vọng. Lật đật nhỏ bé mà vững vàng, mạnh mẽ. Cuộc sống chúng ta cũng có lúc không như chúng ta mong muốn hay rất chênh vênh. Quan trọng là chúng ta đủ bản lĩnh để tự đứng dậy”. Theo tác giả, “Hãy vững tin vào chính mình... đừng đổ lỗi và nhắc đi nhắc lại về thất bại đã qua... đừng để phiền muộn vẩn vơ níu kéo”, để rồi đi đến một đúc kết: “Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, song màu hồng vẫn luôn điểm xuyết, đậm nhạt. Hãy luôn mỉm cười trước mọi thử thách như con lật đật”.
Rồi “Làm gì để được như con lật đật?”, tác giả đã đưa ra nhận định rằng, con lật đật là biểu tượng của sự đứng vững qua các tác động bên ngoài. Để được thăng bằng, với bao biến cố bên ngoài, nguyên lý quyết định lại đến từ bên trong, chính là tâm. Cũng từ những góc nhìn và suy ngẫm ấy, PGS.TS Võ Văn Minh khuyên chúng ta hãy “thiết lập cân bằng” trong mỗi một con người và rèn luyện bền bỉ để có được cái tâm bình an. Sự sắc sảo trong tư duy và trải nghiệm, cộng vào đó bằng cách viết nghị luận chặt chẽ từ các luận điểm, tác giả đã chỉ ra: “Mọi thứ mà nhiều người mong ước đạt được như quyền lực, địa vị, giàu có... tất cả chỉ là tạm thời. Nếu có được những thứ đó là kết quả của quá trình tu tập như triết lí con lật đật thì quả là hạnh phúc; còn nếu như đó chỉ là “mục tiêu” để chiếm lĩnh cho được bằng mọi giá thì thật là bất hạnh”.
Soi chiếu bằng triết lí con lật đật đối với sự thành công của mỗi con người, tác giả dẫn ra nhiều khái niệm về thành công và mỗi người có những thành công khác nhau. Nhưng thành công ấy là “Đừng nên so bì, ganh đua với người khác” mà thành công phải từ “nỗ lực bản thân để khẳng định sự phát triển của chính mình so với ngày hôm qua và cống hiến cho xã hội những giá trị do mình tạo ra dù là nhỏ nhất. Khi đó chúng ta mới cảm nhận giá trị hạnh phúc từng ngày và chắc chắn an nhiên như con lật đật”.
Ở phần “Từ con lật đật, thử bàn thêm về giáo dục”, tác giả mở đầu bằng mệnh đề “Lật đật là biểu tượng đặc biệt mà con người chúng ta mong hướng đến để “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” có dễ thành hiện thực? Tất cả phụ thuộc vào chính giáo dục”. Và bằng những dẫn chứng cụ thể từ các nhận định về giáo dục của các nhà giáo dục, nhà tư tưởng hàng đầu trên thế giới, trong đó tác giả nhắc đến những quan niệm về giáo dục của Bác Hồ: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”, hay “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Soi chiếu triết lý con lật đật, giáo dục cần có trọng tâm, giáo dục là nền tảng, là quá trình và là sức mạnh của mỗi dân tộc. Đồng thời, để giáo dục thành công phải thực hiện “3 kiên”: “Kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết sáng tạo”.
Với cuốn sách nhỏ này, tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc thông điệp “mọi người luôn mỉm cười, lắc lư với đời và không bao giờ ngã”.
VÂN ĐAM