Phát triển du lịch cộng đồng ở xã Bình Châu

14:41, 17/09/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Xã Bình Châu (Bình Sơn) có đủ tiềm năng phát triển du lịch với các giá trị lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây nhằm khơi dậy các tiềm năng, giúp người dân quản lý, khai thác và hưởng lợi.
 
Kho tàng cổ vật trong cộng đồng
 
Thôn Châu Thuận Biển thuộc xã Bình Châu (Bình Sơn) phía trước tiếp giáp với biển, sau lưng là những triền cát cao sừng sững. Bãi biển nơi đây thoai thoải kéo dài hơn 10km, từ lâu trở thành bãi tắm lý tưởng cho người dân địa phương cùng du khách.
 
Không chỉ có vẻ đẹp do thiên nhiên ưu ái, địa phương này còn nổi tiếng với kho tàng cổ vật. Bởi hầu hết các gia đình trong thôn đều lưu giữ, bảo quản nhiều cổ vật có niên đại hàng trăm năm.
 
Nhiều gia đình ở xã Bình Châu (Bình Sơn) sưu tầm nhiều cổ vật có giá trị.
Nhiều gia đình ở xã Bình Châu (Bình Sơn) sưu tầm nhiều cổ vật có giá trị.
 
Anh Trương Tràng (45 tuổi), ở thôn Châu Thuận Biển, là hội viên Hội Di sản văn hóa tỉnh. Gia đình anh có bộ sưu tập khoảng 300 đồ gốm sứ được sản xuất từ thế kỷ 15 - 17. Trong đó, có nhiều cổ vật có giá trị cao như những chiếc chén, dĩa được làm từ gốm Chu Đậu có niên đại hơn 500 năm hay những chiếc chum, lọ ha, tráp đựng phấn với niên đại 300 - 500 năm.
 
Anh Tràng cho biết, vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu còn có tên gọi khác là Vũng tàu do từng có nhiều tàu chở cổ vật bị đắm tại đây. Riêng làng Gành Cả trong thôn có gần 300 hộ, thì đã có hơn 150 hộ sưu tầm, trưng bày cổ vật.
 
Những chiếc tráp đựng phấn của người xưa có niên đại hàng trăm năm.
Những chiếc tráp đựng phấn của người xưa có niên đại hàng trăm năm.
 
Từ năm 1999 đến nay, hàng nghìn cổ vật được phát hiện từ những con tàu đắm tại khu vực biển Bình Châu. Trong đó, năm 2012, ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu đã phát hiện gốm sứ trong tàu cổ đắm. Dấu tích khai quật cho thấy tàu bị cháy trước khi chìm, bên trong có tiền thời Nguyên, có đồng tiền muộn nhất ở niên đại 1264 - 1295. Năm 2014, ngư dân cũng phát hiện 1 tàu cổ đắm, các hiện vật bị vỡ gồm tô, bát, đĩa có niên đại từ đầu thế kỷ 17…
 
Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Võ Hoài Nam cho biết, theo Luật Di sản, người dân được bảo quản, giữ gìn, sưu tầm cổ vật nhưng tuyệt đối không được bán ra nước ngoài.
 
Vùng biển Bình Châu từng có tên gọi là Vũng tàu vì có nhiều tàu chở cổ vật bị đắm.
Vùng biển Bình Châu từng có tên gọi là Vũng tàu vì có nhiều tàu chở cổ vật bị đắm.
 
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, các hộ gia đình ở làng chài Gành Cả lưu giữ nhiều cổ vật rất giá trị. Đây là một trong những yếu tố độc đáo không phải nơi nào cũng có được, có thể tận dụng để xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng. Qua đó, thu hút du khách đến địa phương tham quan, nghiên cứu về cổ vật.
 
Tìm giải pháp phát triển du lịch cộng đồng
 
Vùng đất Bình Châu có đầy đủ các điều kiện tự nhiên địa chất, di sản, văn hóa, lịch sử địa phương. Trong đó, thắng cảnh Ba Làng An từng rất nổi tiếng trong bản đồ hàng hải quốc tế cách đây vài thế kỷ.
 
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cư dân Sa Huỳnh, Bình Châu có truyền thống đi biển từ rất sớm. Di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được phát hiện ở vùng đất này. Di tích địa điểm cư trú và mộ táng Sa Huỳnh tại xã Bình Châu vừa được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với diện tích khoanh vùng bảo vệ khoảng 20ha.
 
Thắng cảnh Ba Làng An, xã Bình Châu (Bình Sơn) nhìn từ trên cao.
Thắng cảnh Ba Làng An, xã Bình Châu (Bình Sơn) nhìn từ trên cao.
 
Để quản lý bảo vệ và phát triển nơi này, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, trước hết, địa phương cần phải có ban quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của xã Bình Châu.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Thị Hảo chia sẻ, địa phương chưa có mô hình du lịch nào phù hợp, chủ yếu là người dân làm du lịch tự phát. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng rất cần thiết, dưới sự hỗ trợ của Sở VH-TT&DL cùng đơn vị hướng dẫn để định hình du lịch cộng đồng phát triển theo hướng nào để người dân chung tay và cùng hưởng lợi.
 
Phát triển du lịch cộng đồng ở xã Bình Châu là cơ hội để phát huy các tiềm năng về lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Phát triển du lịch cộng đồng ở xã Bình Châu là cơ hội để phát huy các tiềm năng về lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên ưu ái cho vùng đất này.
 
Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với UBND xã Bình Châu và doanh nghiệp tổ chức Hội nghị triển khai dự án “Xây dựng sản phẩm, tập huấn chuyển giao mô hình quảng bá du lịch cộng đồng gắn với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh”. Đây là bước khởi đầu để cơ quan chức năng và người dân cùng vạch định những bước đi tiếp theo để phát triển du lịch tại địa phương.
 
Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL) Cao Thanh Thuận cho biết, bước đầu, đơn vị sẽ phối hợp chính quyền địa phương xây dựng mô hình quảng bá du lịch cộng đồng gắn với di chỉ Văn hóa Sa Huỳnh tại xã Bình Châu. Người dân là chủ thể trực tiếp tham gia mô hình, dần dần tiến tới phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương, phát triển kinh tế từ du lịch.
 
Bài, ảnh: Đ.VƯƠNG
 
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 14:41, 17/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.