Khai thác tiềm năng du lịch ven sông Trà Bồng

16:53, 09/07/2024
.
(Baoquangngai.vn)- Dòng sông Trà Bồng hiền hòa chảy qua địa bàn huyện Bình Sơn trước khi đổ về biển. Vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống bình dị của người dân ở ven sông là tiềm năng lớn để khai thác phát triển du lịch cho địa phương.
 
Sông Trà Bồng chảy ngang qua thị trấn Châu Ổ trên Quốc lộ 1 với chiếc cầu mang tên con sông. Thị trấn nhỏ, nhộn nhịp vẫn còn mang dáng dấp của một thị trấn cổ, lâu đời. Nơi đây có làng gốm Mỹ Thiện nổi tiếng một thời với những sản phẩm gốm đặc trưng.
 
Dòng sông Trà Bồng hiền hòa chảy qua thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).
Dòng sông Trà Bồng hiền hòa chảy qua thị trấn Châu Ổ.
 
Các sản phẩm của gốm Mỹ Thiện chủ yếu là đồ gia dụng như: Chum, ghè, ấm trà, bình hoa… Men gốm Mỹ Thiện có màu tím, vàng, xanh ngọc. Sự sinh động của hoa văn như hình rồng, phụng, chuột, hoa, lá, 12 con giáp khiến cho sản phẩm có nét độc đáo riêng biệt. Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh (58 tuổi) là người duy nhất còn đam mê và giữ lại nghề gốm của nơi này.
 
Lò gốm của ông Trịnh mỗi năm đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan và tìm hiểu về nghề làm gốm. Nghệ nhân Trịnh cho hay, khách du lịch tìm đến đây để trải nghiệm làm gốm ngày càng nhiều. Gia đình ông cũng được Nhà nước hỗ trợ xây dựng một nhà trưng bày để trưng bày các mặt hàng, phòng trải nghiệm làm gốm.
 
Gốm Mỹ Thiện nổi tiếng với những hoa văn độc đáo, riêng biệt.
Gốm Mỹ Thiện nổi tiếng với những hoa văn độc đáo, riêng biệt.
Du khách đến khu trải nghiệm làm gốm của gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh.
Du khách đến khu trải nghiệm làm gốm của gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh.
 
Xuôi theo dòng sông Trà Bồng, đoạn từ thị trấn Châu Ổ đến đập ngăn mặn xã Bình Dương, cảnh quê xanh mướt, trù phú ven sông sẽ khiến cho du khách không thể rời mắt. Rất nhiều người thuộc bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của thi sĩ Tế Hanh, nhưng những ai được ngân nga bài thơ ấy trên chính dòng sông thơ mộng này, mới hiểu hết về vẻ đẹp mà thiên nhiên ưu ái cho nơi đây và sự hồn hậu, chân quê của người dân địa phương.
 
Ẩm thực ven sống cũng rất phong phú. Du khách đến đây sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống  như: Bánh bèo, bánh xèo, don… Đồng thời, tận hưởng các dịch vụ ẩm thực hải sản tươi sống tại các nhà hàng, quán ăn ven sông Trà Bồng từ bờ kè thị trấn Châu Ổ đến khu vực bờ kè xã Bình Dương.
 
Người dân ven sông Trà Bồng trồng hoa hồng.
Người dân ven sông Trà Bồng trồng hoa hồng.
Du khách trải nghiệm đi ghe ngắm cảnh trên sông Trà Bồng.
Trải nghiệm đi ghe ngắm cảnh trên sông Trà Bồng.
 
Bà Nguyễn Thị Thới ở xã Bình Dương (Bình Sơn) chia sẻ, chúng tôi chủ yếu có thu nhập từ nghề nông. Nếu Nhà nước tạo điều kiện để tận dụng lợi thế về cảnh đẹp ven sông thì người dân rất ủng hộ. Đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá về văn hóa, ẩm thực địa phương và nâng cao thu nhập, góp phận xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
 
Tiềm năng du lịch ven sông Trà Bồng đang dạng, phong phú là vậy. Nhưng làm thế nào để phát huy những tiềm năng ấy đang là bài toán chưa có lời giải. Trưởng phòng VH&TT huyện Bình Sơn Phạm Thanh Lương cho biết, địa phương đang đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư để phát triển hạ tầng du lịch. Trong đó, có quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái ven sông Trà Bồng, đoạn thị trấn Châu Ổ đến xã Bình Dương.
 
Mục tiêu là tận dụng lợi thế về vị trí ở trung tâm huyện lỵ và vị trí nằm ven sông Trà Bồng để phát triển thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ ven sông và dưới nước, nhằm phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương.
 
Vẻ đẹp thơ mộng của sông Trà Bồng khi chảy qua xã Bình Dương (Bình Sơn).
Vẻ đẹp thơ mộng của sông Trà Bồng khi chảy qua xã Bình Dương (Bình Sơn).
 
Vừa qua, Sở VH-TT&DL đã phối hợp Phòng VH&TT huyện Bình Sơn khảo sát phát triển sản phẩm du lịch trên sông Trà Bồng. Chị Nguyễn Thị Bích Diệu, đại diện Công ty TNHH Đồng Nội Phú Quốc chia sẻ, sông Trà Bồng có rất nhiều giá trị để phát triển du lịch. Địa phương cần ưu tiên đầu tư, xây dựng một số điểm du lịch tạo điểm nhấn. Sau đó, lan tỏa ra những điểm khác; chú trọng vấn đề cải tạo cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách.
 
Qua thực tế khảo sát, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến để khai thác các tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới và đa dạng các sản phẩm để thu hút khách về với huyện Bình Sơn. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành khai thác các tour, tuyến mới lạ, hấp dẫn, độc đáo nhằm mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu của du lịch Quảng Ngãi.
 
Bài, ảnh: THANH PHƯƠNG
 
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 16:53, 09/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.