Nhiều tiềm năng
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi gồm 61 xã thuộc 5 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng, là địa bàn sinh sống của gần 187 nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số. Khu vực miền núi tỉnh ta giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca Dong cùng nhiều thắng cảnh hùng vĩ được thiên nhiên ban tặng. Đây là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng.
Nghề dệt thổ cẩm ở Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ). |
Như tại huyện Trà Bồng, có đỉnh núi Cà Đam hùng vĩ cao hơn 1.400m so với mực nước biển; hay núi Răng Cưa có những câu chuyện huyền thoại về người Cor Trà Bồng. Vùng đất quế này cũng lưu giữ nhiều nét văn hóa của người Cor như, nghệ thuật điêu khắc cây nêu, múa Cà Đáo, thổi kèn Amáp...
Huyện Ba Tơ thì có 11 địa điểm gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Địa phương này còn có nghề dệt thổ cẩm ở thôn Làng Teng (xã Ba Thành) và nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Ba Tơ còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như, núi Cao Muôn, cao nguyên Bùi Hui, cùng nhiều thác nước đẹp ở các xã Ba Vì, Ba Giang, Ba Nam...
Các huyện miền núi khác cũng có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn như: Thác Trắng, các khu nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Hrê ở thôn Làng Ren, xã Long Môn (Minh Long); hồ thủy điện Nước Trong, sông Re (Sơn Hà); thác Lụa, ruộng lúa rẫy bậc thang và vườn cau bạt ngàn ở huyện Sơn Tây...
Việc phát triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các địa phương sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân miền núi. Đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch ở vùng miền núi của tỉnh vẫn chưa thật sự được khai thác hiệu quả.
Trợ lực cho du lịch
Để thúc đẩy du lịch khu vực miền núi trong tỉnh phát triển bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, các huyện miền núi đã và đang tập trung vào một số giải pháp như: Huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kinh doanh du lịch; tăng cường đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh...
Thác Trắng ở xã Long Môn (Minh Long) là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở khu vực miền núi Quảng Ngãi. |
Cùng với du lịch biển đảo, những năm gần đây Quảng Ngãi ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư du lịch sinh thái ở khu vực miền núi. Tháng 11/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch. Theo đó, tỉnh ta tập trung phát triển mạnh 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, trong đó du lịch văn hóa làm trọng tâm, du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững. Một trong những nhiệm vụ được đề ra là phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, gắn với tham quan thắng cảnh, trải nghiệm môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái ở vùng miền núi. Tập trung thúc đẩy phát triển các dự án Khu du lịch sinh thái Cà Đam, Bùi Hui, hồ núi Ngang...
Cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy, các huyện miền núi trong tỉnh còn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ từ dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tổng kế hoạch vốn trong năm 2023 hơn 14 tỷ đồng.
Hy vọng, những trợ lực từ các chính sách sẽ giúp du lịch miền núi của tỉnh có cơ hội “chuyển mình” vươn lên trong thời gian tới.
Bài, ảnh: PV
TIN, BÀI LIÊN QUAN: